Có được kết quả lạc quan này phần lớn là do các khoản nắm giữ cổ phiếu và hoạt động môi giới ăn nên làm ra nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh.
Thế nhưng, lực đỡ này đang yếu đi. Chỉ số Nikkei 225 đã giảm gần 12% từ đầu năm đến nay, do doanh nghiệp Nhật hoài nghi về hiệu quả của chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, nhất là lo ngại tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1.4 vừa qua) lên đà phục hồi của nền kinh tế.
Trong khi đó, các ngân hàng Nhật giờ đang dồi dào tiền mặt, kết quả của việc Ngân hàng Trung ương Nhật bơm tiền vào hệ thống tài chính nước này bằng cách mua lại trái phiếu. Dư tiền, nhưng các ngân hàng Nhật cũng không thể đẩy mạnh cho vay. Các doanh nghiệp Nhật đang nắm trong tay lượng tiền mặt khổng lồ tương đương 50% tổng sản phẩm quốc nội Nhật, theo HSBC. Thực tế cho thấy tổng dư nợ tín dụng tại Nhật đang tăng với tốc độ chỉ 2% mỗi năm, theo Ngân hàng Trung ương Nhật.
Tất cả những điều này buộc các ngân hàng Nhật phải tìm kiếm động lực tăng trưởng lợi nhuận khác. Đó là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cho vay ra nước ngoài, đặc biệt là cho vay sang các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á. “Châu Á sẽ là mục tiêu trọng tâm của chúng tôi, nhất là khi xét đến tiềm năng tăng trưởng của khu vực này”, Koichi Miyata, Chủ tịch Sumitomo Mitsui, nhận xét.
Cho vay của Nhật sang khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu tăng lên trong năm 2010, cùng thời điểm với việc các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này. Năm ngoái, cho vay của các ngân hàng Nhật sang Đông Nam Á đã tăng 1/3 đạt mức kỷ lục 195 tỉ USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố. Trong đó, cho vay sang Thái Lan tăng gần gấp đôi đạt tới 79,6 tỉ USD.
Để đẩy mạnh cho vay sang Đông Nam Á, các ngân hàng Nhật đã mua lại cổ phần khống chế trong các tổ chức cho vay ở khu vực này như ở Thái Lan và Indonesia trong 3 năm qua. Các ngân hàng Nhật đang nằm trong số những tổ chức ra giá mua lại cổ phần trong Bank Mutiara, ngân hàng do Nhà nước Indonesia sở hữu, theo một quan chức Indonesia biết rõ vụ việc.
Đáng chú ý là việc tín dụng sang Đông Nam Á gia tăng cũng đi kèm một làn sóng đầu tư Nhật vào khu vực này, vốn đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2013, đạt con số kỷ lục 16,6 tỉ USD, theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật. Các thương vụ đi thâu tóm của Nhật tại Đông Nam Á đã tăng gần gấp 3 lần vào năm ngoái, đạt tới 10,4 tỉ USD, theo Dealogic.
Trong một diễn biến khác, các ngân hàng Nhật đã bán thêm 5.150 tỉ yen trái phiếu chính phủ trong 2 tháng đầu năm 2014 để lấy thêm lượng tiền đẩy mạnh cho vay ở Đông Nam Á.