|
Bé Bơ Sữa, con gái 5 tuổi của một nhà đầu tư tại Zone 9, đã rất buồn khi khu này đóng cửa. Bé đứng trên chiếc xe trượt nhỏ của mình và tần ngần hỏi bố mẹ, từ bây giờ con có thể ăn bánh kẹp ngon tuyệt ở đâu. Nhiều em bé khác cũng đã hỏi bố mẹ mình như vậy. Cùng với Zone 9 bị đóng cửa, cửa hàng bánh thần tiên, các lớp học nghệ thuật vui khác của các em cũng bị ảnh hưởng. Mà Bơ Sữa, cũng như nhiều bé khác, mỗi sáng sớm tỉnh giấc đều hỏi bao giờ thì con được đến lớp thầy Kim Ngọc Minh.
Zone 9 không chỉ là chốn đi về hợp mốt với nhiều thanh niên, nó còn vui hơn với các em nhỏ và phụ huynh. Nhất là khi các lớp học ngoại khóa hè ở Cung thiếu nhi Hà Nội luôn quá tải và cũng gây sức ép lên các em.
Tới Kai Art – một nhóm nhỏ dạy nghệ thuật tại đây, các bé được chơi vui, chứ không phải là học. Tại đó, các em có thể cùng thiết kế sở thú, với cả quầy đồ ăn và kem.
|
“Chúng tôi sẽ trở lại chứ”, ông Đoàn Kỳ Thanh, một kiến trúc sư, sáng lập viên của Zone 9 nói. Ông Thanh cũng là người được Hội đồng Anh mời sang châu Âu vào cuối năm nay cho một chương trình dài hơi về công nghiệp sáng tạo.
Một trùng hợp thú vị khác là cuộc thi cải tạo không gian kiến trúc cũ do Quỹ văn hóa Đan Mạch tổ chức cũng đã được phát động và trao giải tại chính khu Zone 9 này. Nó vốn được cải tạo từ một xưởng sản xuất dược đã ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ, rồi là đại bản doanh của những người bán đồng nát.
Zone 9, trong đó có quán ăn Nhật Bản, quán cà phê do chính ông Thanh đầu tư, dự kiến sẽ tái sinh mùa hè này dưới tên gọi X98, tại 98 Hoàng Cầu, Hà Nội. Đây cũng là một khu nhà cũ, hiện không được sử dụng. Một cuộc tái thiết đã được thực hiện, như ông cùng các bạn đã tái thiết “hợp tác xã đồng nát” Zone 9 tại số 9 Trần Thánh Tông trước đây.
Ông Trần Vũ Hải, một nhà đầu tư, cho biết có khoảng 16 nhà đầu tư cũ từ Zone 9 có mặt tại X98.
|
Bản thân Kai Art mà các em yêu mến hiện đã chuyển địa điểm lên 342 Nghi Tàm, trong một khu nhà cũng có nhiều hoạt động thể thao, văn hóa khác. Một không gian đình đám khác là Tadioto của Zone 9 đã chuyển về Tông Đản.
Theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, hiện đã đến lúc các thành phố lớn chú ý đến khu sáng tạo kiểu Zone 9. Quan trọng nhất, cần có hành lang pháp lý cởi mở cho nó. Những khu như vậy, theo ông Quang, là tiền đề quan trọng cho văn hóa đô thị.
|
Trong khi đó, tại TP.HCM, một hình dáng khác kiểu như Zone 9 cũng đang hình thành. Theo trang Hanoi Grapevine, khu Zone 9 của TP.HCM này có tên là 3A. Khu rộng khoảng 2.000 m2. Các nhà kho bỏ hoang đang được tân trang để thành khu mua sắm, gallery, tiệm thời trang, quán cà phê, nơi tổ chức biểu diễn cộng đồng. Một cửa hàng trong khu này là Sadec District đã khai trương, và đang hút khách nhờ các sản phẩm lấy cảm hứng từ các làng, thị trấn dọc bờ sông Cửu Long. |