Hoạt động kinh doanh tiệc cưới năm 2013 đã được xem là suy giảm do kinh tế khó khăn. Theo nhiều chuyên gia trong ngành thì sự suy giảm này ước lượng trung bình từ 20 – 25%.
Để giữ hoạt động kinh doanh nhà hàng tiệc cưới không bị biến động nhiều do giá cả và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hiện nay các nhà hàng, khách sạn gần như không tăng giá bàn tiệc cưới mà còn gia tăng nhiều dịch vụ khác đáp ứng cho tiệc cưới.
Nhà cung cấp dịch vụ tính toán
Ông Dương Minh Ninh, phó giám đốc khách sạn năm sao Majestic cho biết, hiện giá bàn tiệc cưới không thể tăng nhưng giá cả nguyên liệu ngoài thị trường lại tăng. Để có thể giữ được giá bán không đổi, Majestic phải chấp nhận giảm lãi, giảm các chi phí như quảng cáo, tiếp thị tập trung cho việc kinh doanh tiệc cưới nhằm giữ vững uy tín và chất lượng của thương hiệu.
Một số nhà hàng, khách sạn còn liên kết trực tiếp với các đơn vị sản xuất nguyên vật liệu, gia vị nhằm giảm chi phí trung gian. Chủ động tìm nguồn hàng tận gốc của những doanh nghiệp có uy tín để mua sản phẩm có chất lượng và giá cả chấp nhận được. Ông Ninh nói: “Với tôn chỉ thương trường không là chiến trường mà hiện nay các doanh nghiệp sẽ cùng chung chiến hào, cùng góp sức vượt qua khó khăn”.
Là một trong những nơi tổ chức công nghệ tiệc cưới có tiếng, khách sạn Đệ Nhất cũng không tránh khỏi cạnh tranh trong thời điểm khó khăn. Ông Huỳnh Văn Phát, giám đốc khách sạn Đệ Nhất cho rằng: “Càng cạnh tranh thì đơn vị càng phải nâng cấp công nghệ tiệc cưới. Từ trang thiết bị, thực đơn đến nghi thức phải được thay đổi, mới lạ thì mới thu hút được khách hàng, trong khi những đầu tư mới này khách sạn phải chịu nhưng vẫn giữ giá bán không tăng”.
Để đứng vững, nhiều nhà hàng tiệc cưới tiến hành đầu tư mới cho trang trí nội thất, ánh sáng, dụng cụ ăn uống… Thực đơn tiệc cưới được đổi mới từ 10 – 15% với những món ăn mới, không giảm chất lượng món ăn. Theo ông Phát, tất cả những chương trình đổi mới của khách sạn tập trung vào mùa cưới chấp nhận giảm lãi để bảo đảm doanh số, cũng như giữ được uy tín của thương hiệu, luôn làm khách hàng hài lòng. “Đây cũng là lúc đơn vị tăng cường huấn luyện nhân viên chuẩn cho thị trường hồi phục sau này”, ông Phát cho biết thêm. Đó là nhận định chung của các nhà hàng khách sạn kinh doanh tiệc cưới hiện nay.
Tiết kiệm nhưng vẫn đủ món
Tại khách sạn Majestic, giá một bàn tiệc cưới thấp nhất hiện là 4.700.000đ++/bàn/10 người. Các món ăn tốn nhiều công phu chế biến hơn, được trang trí cầu kỳ tinh tế nhằm tăng chất lượng món ăn. Và, đảm bảo tiêu chí ngon, lạ, cân bằng dinh dưỡng, đủ thành phần mà không lãng phí. Còn khách sạn Đệ Nhất cũng giới thiệu những gói tiệc cưới từ trung bình đến cao cấp. Giá thấp nhất một bàn tiệc cưới hiện nay tại Đệ Nhất từ 3.390.000 – 3.500.000đ/bàn 10 người (đã bao gồm thuế và phí phục vụ). Kèm theo ưu đãi cho những tiệc từ thứ hai đến thứ sáu, bao thức uống và bia, tiệc từ 15 bàn trở lên bao thêm phần nghi thức được áp dụng từ tháng 10.2013 – 30.4.2014…
Tại một số nhà hàng tầm trung khác, thực đơn tự chọn (chưa tính thuế VAT), bàn tiệc 10 người có giá từ 2.000.000 – 4.000.000đ. Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn nhỏ và các nhóm nấu bếp, có giá từ 1.000.000 – 1.500.000đ cho bàn tiệc 10 người. Chẳng hạn như nhà hàng sân vườn Hoa Nắng tại Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), nắm bắt được nhu cầu tiệc cưới giá rẻ của công nhân, lao động thu nhập thấp trong khu vực nên linh động phục vụ thêm tiệc cưới khi có yêu cầu. Bà Nguyễn Thiện Liên Phương, chủ nhà hàng cho biết, với giá thấp nhất ở nhà hàng là 1.500.000đ/bàn/10 người, có thể hạ xuống còn 1.000.000đ/bàn nhưng vẫn đảm bảo năm món chính có đủ heo, bò, gà, cá… và tặng kèm tráng miệng. “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu rẻ tiền hơn để thay thế, dụng công chế biến nhằm đảm bảo thực đơn đủ món, ngon miệng và giá rẻ”, bà Phương tiết lộ.
Và, thêm bí quyết tiết kiệm là chỉ bày vừa đủ khẩu phần ăn, tránh tình trạng dư thừa, lãng phí. Sài gòn phố palace Nhà hàng tiệc cưới lý tưởng