Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngày 16/5 vừa qua đã có hành động đơn phương, ngang ngược khi ban bố lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông trong thời gian 2 tháng rưỡi, kéo dài đến ngày 1/8.
Thông tin được truyền thông nhà nước Trung Quốc, cũng như các website của chính quyền đảo Hải Nam đăng tải. Theo đó lệnh cấm đánh bắt phi lý này được khẳng định kéo dài từ ngày 16/5 tới 1/8, và bao phủ cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo các thông tin được Tân Hoa Xã đăng tải, đây là lệnh cấm đánh bắt thường niên thứ 16, nhằm “bảo vệ nguồn hải sản, cải thiện nhận thức về môi trường của ngư dân”. Dù vậy, đây rõ ràng là hành động đơn phương, không có giá trị pháp lý.
Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc cũng đã chính thức áp đặt luật cấm đánh bắt mới trên Biển Đông, yêu cầu toàn bộ tàu cá nước ngoài đi vào vùng quản lý của đảo Hải Nam phải xin phép chính quyền Trung Quốc.
Dù vậy việc “vùng quản lý” của đảo Hải Nam được xác định có diện tích tới 1,5 triệu dặm vuông, bao phủ 2/3 diện tích Biển Đông là điều bị giới quan sát xem là phi lý.
Luật này còn quy định, bất kỳ tàu nào không tuân thủ các quy định mà Trung Quốc đưa ra sẽ bị trục xuất khỏi vùng biển, tịch thu phương tiện đánh bắt, kèm theo án phạt tới 82.600 USD. Thậm chí, luật còn có điều khoản tịch thu tàu và khởi tố các thuyền viên theo luật Trung Quốc.
Tuy nhiên luật này đã ngay lập tức bị quốc tế lên án, trong đó người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki gọi đây là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm.
Bộ ngoại giao Philippines thì xem quy định này cũng như tuyên bố ngang ngược về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thông qua đường 9 đoạn, là vi phạm luật pháp quốc tế, và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Giáo sư người Úc Carl Thayer, đến từ học viện Quốc phòng Úc thì có bài viết trên tờ The Diplomat ngày 13/1 gọi đây là “hành động cướp biển cấp nhà nước”, và cho rằng Trung Quốc khó có thể thực thi luật này.
Theo Dantri