Liên tục dùng những lời có cánh để nói về sản phẩm của mình, nhưng thực tế lại khác xa những gì họ khẳng định. Những sản phẩm này đã lần lượt bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Skechers
Cũng giống như những lời có cánh của các hãng giày khác, Skechers nói rằng sản phẩm của mình có thể đốt cháy calories và làm săn chắc đùi qua mỗi bước chân. Sau đó, hãng này đã phải chi 40 triệu USD để xử lý vụ kiện tại Ủy ban Thương mại Liên bang vì những quảng cáo vô căn cứ về chức năng của dòng sản phẩm giày Shape-Ups của mình.
Listerine
Năm 2005, tòa án liên bang Mỹ đã buộc hãng nước súc miệng Listerine dừng quảng cáo cho rằng sản phẩm của hãng này đã chứng minh có tác dụng giống như chỉ nha khoa trong chống lại sâu răng và nướu. Một hãng sản xuất chỉ nha khoa đã kiện, cho rằng quảng cáo nói Listerine có thể thay thế chỉ nha khoa là hoàn toàn sai và gây hiểu lầm. Theo thẩm phán Denny Chin, bằng chứng thực tế chỉ ra rằng việc sử dụng nước súc miệng không thể thay thế chỉ nha khoa. Đại diện của Pfizer, khi đó là công ty mẹ của Listerine, từ chối bình luận về vụ kiện này.
Snapchat
Đầu năm 2014, Snapchat đã phải giải trình với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ về việc ứng dụng này khiến khách hàng hiểu lầm rằng những bức ảnh họ chia sẻ không thể bị lưu lại. Trên thực tế, những bức ảnh này không bao giờ biến mất trên Snapchat và việc lưu hình ảnh cũng tương đối dễ dàng. Ủy ban Thương mại Liên bang cũng cáo buộc công ty này nói dối về lượng thông tin các nhân mà hãng thu thập từ người dùng.
Naked Juice
Năm 2013, trong vụ kiện Naked Juice, bên nguyên đơn chỉ trích việc hãng này sử dụng cụm từ “100% hoa quả tươi”, “hoàn toàn tự nhiên” và “không có thực phẩm biến đổi gen” trên bao bì sản phẩm. Bên nguyên nêu ra rằng sản phẩm của hãng này không phải hoàn tự nhiên và còn cáo buộc một số sản phẩm của Naked Juice được làm từ đậu nành biến đổi gen. Pepsico, công ty mẹ của Naked Juice, bảo vệ rằng sản phẩm của mình được làm hoàn toàn tự nhiên nhưng thừa nhận việc một số sản phẩm có thêm vitamin tổng hợp. Công ty này đồng ý gỡ bỏ từ “hoàn toàn tự nhiên” (All Natural) khỏi vỏ chai và chi 9 triệu USD để xử lý vụ kiện này. Nhưng PepsiCo giữ nguyên từ “Không thực phẩm biến đổi gen” (Non-GMO) và cho biết sẽ yêu cầu một bên thứ ba chứng minh điều này.
Rice Krispies
Vào giao đoạn cao điểm của dịch cúm H1N1 năm 2009, hãng thực phẩm Kellogg đã phải chịu nhiều sóng gió khi đưa dòng chữ “Hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ” trên vỏ hộp ngũ cốc Rice Krispies. Trên bao bì sản phẩm này cũng ghi rằng ngũ cốc Rice Krispies cung cấp 25% chất chống oxi hóa và dưỡng chất cần thiết hàng ngày cho cơ thể. Giới phê bình cho rằng Kellogg đã lợi dụng nỗi sợ dịch cúm H1N1 để kinh doanh với những lời quảng cáo không có cơ sở. Sau đó, hãng này đã phải dỡ bỏ slogan nói trên khỏi vỏ hộp ngũ cốc.
Olay
Năm 2009, các nhà làm luật của Anh đã kêu gọi lệnh cấm quảng cáo kem bôi mắt Definity của Olay. Trong quảng cáo là hình ảnh người mẫu Twiggy, khi đó 59 tuổi, với khuôn mặt không tì vết đến mức khó tin, đặc biệt là vùng mắt. Olay thừa nhận đã chỉnh sửa bức ảnh của Twiggy. Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Anh đã cấm lưu hành quảng cáo này và cho rằng nó có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm tác dụng của sản phẩm.
Kashi
Đầu năm 2014, hãng Kellogg lại phải đối mặt với rắc rối liên quan tới quảng cáo trên bao bì sản phẩm ngũ cốc Kashi và Bear Naked của mình. Hãng này đã phải gỡ bỏ những từ “Hoàn toàn tự nhiên”, “Không có chất nhân tạo” khỏi vỏ hộp hai sản phẩm trên. Bên nguyên cho rằng sản phẩm Kasshi có sử dụng các nguyên liệu tổng hợp hoặc đã qua chế biến như Vitamin B6, Canxi, Vitamin C, dầu đậu nành…
Fruit Roll-Ups
Năm 2012, một nhóm các nhà bảo vệ sức khỏe đã kiện hãng General Mills về những từ “Hương vị tự nhiên” và “Dâu tây” trên bao bì sản phẩm snack Fruit Roll-Ups. Những người này cho rằng sản phẩm của General Mills không có hương tự nhiên cũng như dâu tây. Trung tâm Khoa học về các vấn đề cộng đồng cho biết trên thực tế loại snack của General Mill được làm từ si rô lê, ngô, ngô khô, dầu hạt bông và chỉ có dưới 2% nguyên liệu tự nhiên.
Tại Việt Nam cũng đã có những “phi vụ” quảng cáo lừa người tiêu dùng: Hạt nêm không bột ngọt chứa… “siêu bột ngọt” Bộ y tế đã tiến hành hàng loạt các cuộc thanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm bột nêm trong quảng cáo “lừa đảo” và yêu cầu dừng toàn bộ các quảng cáo sai sự thật. Bắt đầu từ những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông về thành phần của các loại hạt nêm này hoàn toàn kết tinh từ nước xương, thịt : “100% từ nước xương hầm”, “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “tốt hơn cho sức khỏe”… Rất nhiều bà nội trợ đã lựa chọn hạt nêm như là thứ gia vị hoàn toàn tự nhiên tốt cho sức khỏe và dùng thoải mái cho trẻ nhỏ. Cũng vì tin tưởng nên nhiều người có dị ứng với bột ngọt cũng chuyển sang dùng hạt nêm. Tuy nhiên, sau một thời gian dùng hạt nêm, không ít người lại bị mẩn ngứa, dị ứng… Với sự vào cuộc của báo chí , Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, khác, sự thật của thành phần bột nêm Knorr, Maggi đã được làm sáng rõ. Thay vì không có bột ngọt như quảng cáo thì trong thành phần hạt nêm Knorr lại chứa tới 31,3g/ 100g và Maggi là 28,6g/100g chất Monososium Glutamate (tên gọi khoa học của bột ngọt), tức là có đến 30% lượng bột ngọt trong hạt nêm. Bên cạnh đó 2 chất “siêu bột ngọt” (độ ngọt gấp từ 10 – 15 lần bột ngọt thông thường), được sử dụng phổ biến trong công nghiệp chế biến là Disodium guanylate và Disodium inosinate cũng được Bộ y tế phát hiện trong thành phần và bao bì của nhiều loại hạt nêm khác như: “Hạt nêm không bột ngọt Chin- su” của công ty Masan… Vòng ti – tan: trò lừa bịp ngoạn mục Trong loạt quảng cáo trên các kênh truyền hình địa phương, truyền hình cáp, vòng “Titan – Phật Quan âm” do công ty TNHH SPECAL – TV – SHOPPING nhập khẩu và phân phối độc quyền, được xem là một trò lừa bịp ngoạn mục trong những quảng cáo sai sự thật ở Việt Nam vào cuối năm 2009, theo điều tra của lực lượng công an và quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ. Theo quảng cáo “Sản phẩm có chứa 99,99% titan và germanium, đã được hãng SGS của Thụy Sĩ kiểm định và chứng nhận có tác dụng tăng khả năng lưu thông máu, chống bức xạ”. Cũng theo quảng cáo sản phẩm được nhiều minh tinh Hollywood, người mẫu tại nhiều nước trên thế giới tin dùng; một bộ sản phẩm gồm 2 vòng đeo tay và 2 dây chuyền có giá 1.688.000 đồng, khuyến mãi có giá 999.000 đồng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, vòng vàng “Titan – Phật Quan âm” đã được công ty trên mua từ Công ty đồ trang sức Thâm Quyến (Trung Quốc) với giá 32 nhân dân tệ/ 20 bộ sản phẩm (tương đương với 4.000 đồng/ bộ sản phẩm. Giám định tại Viện Khoa học mỏ – luyện kim cho thấy, loại vòng này có tới 71,31% là sắt, chỉ có 2,8% titan, còn lại là các tạp chất, không tìm thất nguyên tố germanium. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện mạng lưới lừa đảo này mở tới 13 chi nhánh trên cả nước và chính giám đốc của công ty này cũng thừa nhận về hành vi tự ý đưa các thông tin quảng cáo, thông tin về tác dụng, nguồn gốc sai sự thật của sản phẩm. Sữa tươi làm từ… sữa bột Cách đây không lâu hàng loạt các quảng cáo sữa tươi nguyên chất của nhiều hãng có tên tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến nhiều người mường tượng đất nước ta là cường quốc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên theo một số liệu được Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương công bố sau đó, nhiều người không khỏi kinh ngạc khi được biết, đàn bò của Việt Nam chỉ cung cấp được 30% lượng sữa tươi trên thị trường. 70% lượng sữa tươi được quảng cáo còn lại được chế biến từ… sữa bột nhập khẩu và theo tiêu chuẩn… “của chúng ta”. Bột sữa hoàn nguyên thường chứa chất béo từ sữa bò nguyên chất (AMF – anhydrous milk fat) với giá trị dinh dưỡng cao với hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, vitamin A, B… Tuy vậy, giá nhập khẩu của 1kg loại bột này đã lên tới trên 50.000 đồng, khiến cho nhà sản xuất không có khả năng thu lợi cao, nên việc “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” được đề ra bằng cách nhập sữa bột không chứa AMF với giá rẻ hơn, sau đó cho dầu thực vật (dầu cọ là chủ yếu) trộn vào để đảm bảo độ béo rồi tung ra các quảng cáo “sữa bò tươi nguyên chất”, “sữa tươi 100%”, “sữa tươi tiệt trùng”… Điều này đã khiến bà Vũ Thị Bạch Nga (Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh), người đưa ra các thông tin này vào ngày 11/7/2010 phải khẳng định, đây là những hành vi truyền thông lừa đảo, bởi sữa hoàn nguyên không được sản xuất từ sữa tươi mà là từ sữa bột. Còn theo báo Công an nhân dân, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ (Vinatas) đã phải đặt câu hỏi: ai sẽ đảm bảo cho con em chúng ta không bị ảnh hưởng về thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều loại “sữa tươi” như thế này?. |
PV (Tổng hợp)
2014-05-25 05:09:42
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vach-toi-nhung-mau-quang-cao-danh-lua-nguoi-tieu-dung-a133799.html