ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: yellow_lotus
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Chuyện ‘cụ xoài’ 300 năm tuổi truyền năng lượng trường thọ
Monday, June 2, 2014 17:54
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Tán lá của "cụ xoài" có thể vươn xa gần 30 mét

Tán lá của “cụ xoài” có thể vươn xa gần 30 mét

 

Đứng sừng sững trong khu nghĩa địa, “cụ xoài” 300 năm tuổi như “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Giai thoại cọp 3 chân phục dưới gốc xoài

Những chuyện về “cụ xoài” 300 năm tuổi từ lâu đã thành một đặc sản đãi khách phương xa của người dân Bạc Liêu. Men theo con đường Cao Văn Lầu đi thẳng về hướng biển Giồng Nhãn, chúng tôi tìm đến chùa Ông Bổn, nơi tọa lạc của “cụ xoài” 300 năm tuổi.

Vẻ âm u, im vắng của khu nghĩa địa, càng khiến cho “cụ xoài” thêm tôn nghiêm, trầm mặc.
Ông Nguyễn Văn Sau, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của chúng tôi cười nói: “Gốc xoài này thì phải kêu bằng cụ, bằng kỵ chứ kêu trống không là hỗn à nha! Ổng đáng tuổi cha chú của tổ tiên mình đó”.  
Gốc xoài to đến 5 sải tay người ôm không hết. Ông Sau tấm tắc khen những ụ rễ nổi trên mặt đất. Theo ông, rễ ngầm của gốc xoài có thể vươn xa hàng trăm mét mới trụ vững được với gió mưa khắc nghiệt hơn mấy trăm năm qua.
Tương truyền, khi vùng đất này còn là rừng rậm hoang vu, có một con cọp lấy gốc xoài làm nơi trú ngụ. Lạ thay, cọp ta chẳng bao giờ quấy phá dân lành, ngày đi săn, tối về ngủ dưới gốc xoài. Bởi thế, dân trong vùng tôn cọp thành thần. Và cứ đến dịp lễ cầu an của chùa Ông Bổn, tức là ngày 28 tháng 7 âm lịch hằng năm, các lão làng lại trịnh trọng cúng cho cọp thần một con heo sống.
 Gốc xoài đồ sộ, 5 người ôm mới hết
Ngày nọ, không hiểu sao cọp thần bị mất một chân, tuy bị thương nhưng cọp vẫn hiền lành với con người và giữ thói quen phủ phục dưới gốc xoài. Từ đó, thay vì cúng heo sống cho cọp vồ, người dân cúng heo mổ sẵn. Và khi thần cọp 3 chân mất đi, người ta lại cúng thần bằng đầu heo quay đặt dưới gốc xoài cổ thụ.

Từ đó, gốc xoài nơi chùa Ông Bổn trở thành nơi linh thiêng và hiện thân của thần hộ mệnh cho cả vùng. Cộng với tuổi thọ khó tin của mình, “cụ xoài” được đồn đại rằng có thể “truyền năng lượng” trường thọ cho những ai đến viếng thăm, thưởng thức trái, hay ôm vào gốc xoài.

“Năng lượng trường thọ”

Ông Nguyễn Văn Sau nói với chúng tôi: “Chút xíu tham quan xong, các cô chú lên ôm cây xoài nha, lộc lắm đó, dân ở đây luôn tin ôm gốc xoài, hay ăn trái là tăng tuổi thọ, thêm bình an. Mà tiếc quá, giờ này qua mùa “cụ xoài” ra trái rồi!”.

Ông giải thích thêm: “Vùng này gần biển, nước nhiễm mặn quanh năm, duy chỉ có vùng lân cận cây xoài này là nước ngọt lịm. Bán kính từ 100m đổ lại, lấy tâm từ gốc xoài cổ thụ thì mình đào giếng chỗ nào nước cũng trong vắt, mát ngọt, uống được luôn. Dân quê tôi tôn kính “cụ xoài” này cũng vì vậy”.

Theo tài liệu được lưu tại chùa Ông Bổn, sở dĩ vậy là do dưới gốc xoài cổ thụ có một mạch nước ngầm ngọt mát hơn hẳn các mạch nước xung quanh. Người dân vùng này xưa kia vẫn thường tới đây đào giếng lấy nước về sinh hoạt. Sau có nước máy, nếp xưa mới nhạt dần. Mạch nước ngọt này hiện vẫn còn tồn tại, ở cách gốc xoài cổ thụ khoảng 10m về hướng Tây.

Ông Sau dẫn chúng tôi vào nhà ông Lý Kỳ Chiêu người Hoa. Theo ông Chiêu, dòng họ Lý Kỳ được cho là những người Hoa đầu tiên đặt chân khai phá giồng đất hữu ngạn ven cửa sông Mỹ Thanh, nay là một phần của thành phố Bạc Liêu.

Ông Lý Kỳ Chiêu và cả tài liệu được lưu tại chùa Ông Bổn đều nhất quán rằng, gốc xoài cổ thụ này đã tồn tại từ đầu thế kỷ 13. Cũng trong thời điểm này, nhiều người Hoa không phục nhà Thanh nên đã xuôi tàu di cư đến các vùng ven biển phía Nam nước ta, hình thành nên cộng đồng người Hoa trong số 54 dân tộc anh em của Việt Nam ngày nay.

Ông Chiêu cho biết: “Tổ tiên tôi có kể lại rằng từ khi cắm sào trên mảnh đất này đã thấy “cụ xoài” tồn tại. Lúc đó, thân “cụ” đã to bằng một sải tay người ôm rồi. Vả lại, nhà tôi ai sống cũng thọ, nên làng xóm vẫn hay đùa là nhờ ở cạnh gốc xoài trường thọ”.
 Người dân ở đây tin rằng khi ôm gốc xoài, hoặc ăn trái sẽ thêm phần lộc thọ
Biết chúng tôi tìm hiểu về “cụ xoài” trường thọ, người dân gần đó cũng tụ tập lại để góp mỗi người một chuyện về “cụ xoài”. Ai cũng nói lạ một điều là mỗi mùa ra trái, “cụ xoài” chỉ cho trái ở một bên cây, qua mùa khác thì lại cho trái ở bên cành khác. Trái xoài thường nhỏ và chua, người dân thường không hái ăn mà thơm thảo để dành cho khách phương xa lặn lội tìm đến viếng “cụ xoài” trường thọ.

Chúng tôi lại hỏi, việc đồn đại rằng “cụ xoài” có “năng lượng trường thọ” là hoang đường thì ông Sau và cả những lão niên có mặt đều cười xòa: “Nói về tâm linh thì cũng rất nhiều chuyện khó giải thích. Ví dụ như cây tùng, cây bách thọ mấy trăm năm ai nói gì đâu, bởi vì vốn dĩ chúng là loài cây sống lâu, còn đây là gốc xoài, vậy mới lạ. Người ta bảo “kính già, già để tuổi cho”, việc tôn kính một gốc cây cổ thụ đâu có gì là mê tín, hoang đường. Cụ xoài này là niềm tự hào của quê hương chúng tôi đó”.

Được biết, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đang tích cực làm hồ sơ để công nhận Cây Di sản cho “cụ xoài” trường thọ này.

Trước khi ra về, ông Sau cứ nhắc chúng tôi phải tới ôm gốc xoài để “lấy lộc” và luôn miệng tiếc rẻ: “Trái của “cụ xoài” dân ở đây không ăn đâu, dành cho người ở xa tới. Mà tiếc quá, phải xuống sớm mươi bữa là còn trái rồi”. 
Không biết liệu bao nhiêu năm nữa gốc xoài trường thọ mới được công nhận là Cây Di sản, nhưng với chúng tôi, tấm lòng thơm thảo, nhiệt tình của người dân đồng bằng sông nước miền Tây luôn là một di sản quý giá, chưa mai một.
 
 
Theo motthegioi

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.