Hàng trăm nghìn người Hồng Kông hôm nay (1/7) sẽ xuống đường tuần hành ủng hộ dân chủ, trong sự kiện được khẳng định là lớn nhất từ ngày thành phố này được trao trả về Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu cải cách dân chủ bị Bắc Kinh gọi là “phi pháp”
Cuộc tuần hành diễn ra sau khi một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách dân chủ đã có lượng người tham gia cao bất thường, gần 800.000 người, nhưng lại bị Bắc Kinh tuyên bố là “phi pháp và bất hợp lệ”.
Các nhà tổ chức nhận định khoảng nửa triệu người sẽ tham gia cuộc tuần hành vào hôm nay, trong bối cảnh người dân đặc khu hành chính này ngày một lo ngại về sự ảnh hưởng lớn hơn từ Bắc Kinh.
Ngày 1/7 theo truyền thống là ngày tuần hành tại Hồng Kông, và cũng là dịp kỷ niệm ngày nơi này được Anh trao trả về Trung Quốc, năm 1997, theo một thỏa thuận về “một nhà nước, hai chế độ”.
Thỏa thuận này cho phép người dân được hưởng các quyền tự do không có tại đại lục, như tự do ngôn luận và quyền biểu tình. Dù vậy, người Hồng Kông đang ngày một lo lắng các quyền này bị thu hẹp.
Đã có nhiều vụ tấn công nhắm vào các nhân viên truyền thông trong những tháng qua – bao gồm vụ một cựu biên tập viên báo tự do bị đâm chết – trong khi các kênh truyền thông ủng hộ dân chủ cho biết họ là nạn nhân của các vụ tấn công qua mạng quy mô lớn.
Hồi tháng 6, việc Bắc Kinh xuất bản “Sách trắng’ về tương lai của Hồng Kông, vốn được xem như một lời cảnh báo rằng thành phố này không nên vượt ra ngoài các khuôn khổ, đã khiến sự lo lắng càng lên cao.
“Tâm lý công chúng đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2003. Tôi tin rằng nhiều người sẽ tham gia tuần hành”, Johnson Yeung, một trong những thành viên chủ chốt của ban tổ chức khẳng định với hãng tin AFP.
Cuộc tuần hành năm 2003 từng chứng kiến 500.000 người biểu tình chống lại bản dự thảo luật an ninh quốc gia, khiến chính quyền thành phố này phải hủy bỏ.
Đây cũng chính là nhân tố hàng đầu khiến người đứng đầu đặc khu này, ông Tung Chee-hwa phải từ chức 2 năm sau đó.
Cuộc tuần hành hôm nay sẽ bắt đầu tại công viên Victoria lúc 15 giờ (7 giờ GMT), và hướng tới khu trung tâm thành phố.
Bắc Kinh đã lên án cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/6, và cáo buộc các nhà tổ chức vi phạm pháp luật.
Trung Quốc đã hứa sẽ để toàn bộ cư dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu nhà lãnh đạo mới của mình từ năm 2017. Hiện tại, một ủy ban gồm khoảng 1200 đại biểu thân Bắc Kinh vẫn là cơ quan lựa chọn người đứng đầu đặc khu hành chính này.
Dù vậy Trung Quốc đòi hỏi các ứng viên phải do một ủy ban đề cử phê chuẩn, khiến các nhà hoạt động dân chủ lo ngại sẽ chỉ có những nhân vật thân Bắc Kinh được ra ứng cử.
Theo Dantri