LOÉT BÀN CHÂN LÀ MỘT TRONG NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG ĐIỀU TRỊ RẤT TỐN KÉM. CHÍNH VÌ VẬY, VIỆC CHĂM SÓC BÀN CHÂN CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG LÀ HẾT SỨC CẦN THIẾT. CHỌN MỘT ĐÔI GIÀY PHÙ HỢP SẼ LÀM GÓP PHẦN LÀM NHẸ CÁC BIẾN CHỨNG LIÊN QUAN ĐẾN BÀN CHÂN CỦA NGƯỜI BỆNH.
Tiểu đường là căn bệnh mãn tính không thể chữa khỏi. Ta chỉ có cách sống chung với bệnh, giảm đi các biến chứng với thời gian lâu nhất, bảo vệ đôi chân là cách tránh được nguy cơ phải cưa chân do nhiễm trùng.
Người bệnh phải luôn có ý thức kiểm soát đường huyết ở mức ổn định bằng chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý; kiểm tra đường huyết và huyết áp thường xuyên bằng xét nghiệm máu hoặc sử dụng đo đường huyết và máy đo huyết áp.
Bàn chân là phần dễ bị tổn thương do cả cơ thể đều dồn trọng lực trên bàn chân. Người đái tháo đường thường bị mất cảm giác nên dễ bị tổn thương mà không hề biết. Các vết thương với những người tiểu đường rất khó lành do thiếu oxy, khả năng đề kháng giảm.
Những loại giày dành cho người tiểu đường thường là thấp cổ để phù hợp với đặc điểm bàn chân dễ tổn thương. Hiện trên thị trường đã có một số loại giày chuyên biệt rất tiện dụng.
Giày chuyên dụng cho người bệnh phải đáp ứng các yêu cầu: mềm mại, có lót êm, không cộm. Lót giày đảm bảo cho sự phân bố áp lực đều lên lòng bàn chân, giảm chấn (có độ êm) cho bàn chân, nâng đỡ bàn chân.
Các yêu cầu vệ sinh, sinh thái của loại giầy này cần phải cao hơn các loại giầy thông dụng. Giầy hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn bên trong, có đặc điểm là mũi tròn và dày, tạo không gian rộng cho mũi chân, hạn chế nén ép lên bàn chân để tránh tổn thương da và mạch máu. Cửa giày được mở rộng hơn so với giày thông thường để bệnh nhân dễ xỏ chân; bộ phận đóng mở giày linh hoạt bằng băng dính nhám hoặc dây giày.
Phần mũ, lót giày đòi hỏi phải ít chắp nối, gờ cộm. Lót mặt giày êm và có thể tháo lắp. Giày được khử khuẩn, khử mùi nên tránh được hôi chân và bệnh lý cho bàn chân, giữ cho bàn chân khô ráo sạch sẽ. Trọng lượng giày nhẹ và đế cao su tự nhiên thấp giúp người đi không bị mỏi chân.
Nên chọn giày có gót thấp khoảng 1,5 đến 2,5 cm, tiết diện gót rộng, tức gót bằng nhằm phân bố áp lực bình thường lên bàn chân, hạn chế nén ép, tránh gây tổn thương da, mạch máu, dây thần kinh hoặc làm trầy xước da.
Những tổn thương ở bàn chân thường do người bệnh đi giày chật nên chèn ép chân quá nhiều gây ra nhiễm trùng với người bệnh. Các tổn thương sẽ bị nặng hơn nếu người bệnh không mang giầy đúng cách.
Một chú ý nhỏ cho người bệnh là luôn mang giày dép để tránh những tổn thương. Người mắc bệnh tiểu đường khi đi loại giày với các đặc điểm trên sẽ hạn chế được sự nén, ép lên bàn chân, tránh tổn thương da và mạch máu. Đặc biệt, người bệnh có thể dễ dàng điều chỉnh giày vừa với bàn chân; tránh tổn thương, trầy xước da khi đi lại; hạn chế tối đa khả năng va đạp, đâm xuyên của các vật thể vào bàn chân…
Đây là cách cơ bản để chăm sóc được đôi chân của người bệnh.
nguồn : http://thietbiyteviet.com/cach-chon-giay-cho-nguoi-bi-benh-tieu-duong.html