Trách nhiệm về tội ác đối với Pháp Luân Công đeo bám các quan chức của chế độ Trung Quốc
Bình luận
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tự mình vật lộn trong một cuộc nội chiến mà nó không thể thừa nhận và không biết làm thế nào để kết thúc.
Tin tức mới nhất từ Bắc Kinh cho biết Tăng Khánh Hồng, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong ĐCSTQ đã bị bắt, theo thông tin từ một nguồn tin cấp cao trong ĐCSTQ.
Trước đây, việc bắt giữ một người như Tăng Hồng Khánh là điều không thể tưởng tượng nổi. Ông ta biết những chuyện ám muội của nhiều người, lại rất giàu có, quyền lực và có nhiều mối quan hệ.
Tăng Khánh Hồng từng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khi mà cơ quan này là một cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc. Ông ta cũng từng đứng đầu cơ quan tình báo của chế độ Trung Quốc, từng điều hành Hồng Kông và Ma Cao cho ĐCSTQ, và được coi là ông trùm của ngành công nghiệp dầu khí độc quyền của nhà nước.
Tuy nhiên, Tăng Khánh Hồng cũng là cựu quan chức hàng đầu bị hạ bệ gần đây nhất bởi nhà lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình. Những nhân vật khác như cựu lãnh đạo ngành an ninh quốc gia, quan chức đứng hàng thứ 2 trong quân đội Trung Quốc, các cựu lãnh đạo của ngành công nghiệp dầu khí, và người đứng đầu cơ quan Đảng phụ trách bức hại Pháp Luân Công đều đã bị bắt giữ.
Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11 năm 2013, hơn 400 quan chức ĐCSTQ đã bị thanh trừng, một số quan chức đã chết trong khi bị thẩm vấn và một số người khác thì tự tử khi chính thức bị điều tra.
Báo chí thế giới đã đăng tải rất nhiều về những vụ thanh trừng dưới danh nghĩa “chống tham nhũng” này.
Mặc dù đúng là tham nhũng đã trở thành cái cớ để xử lý các quan chức, đó lại không phải là lý do cho cuộc nội chiến trong ĐCSTQ. Những mầm mống cho cuộc chiến này được bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi nhà lãnh đạo Đảng lúc đó là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch tiêu diệt môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Đàn áp
Theo các nguồn tin chính thức của chế độ Trung Quốc, đã có ít nhất 70 triệu học viên của Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào năm 1999, trong khi các học viên cho biết con số thực tế là hơn 100 triệu học viên, tức là cứ 12 người Trung Quốc thì có 1 người tu luyện môn này.
Trong một bức thư gửi đến các thành viên Bộ Chính trị vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1999, Giang Trạch Dân đã cảnh báo rằng Pháp Luân Công lan rộng trên phạm vi cả nước với các học viên là những người thuộc tất cả các phần của xã hội, bao gồm cả cán bộ Đảng, các thành viên của quân đội và bộ máy an ninh, giới trí thức, cũng như các công nhân và nông dân.
Ông ta cũng lo ngại sức mạnh đức tin của Pháp Luân Công. Ông ta viết trong bức thư rằng:”Chúng ta phải sát sao trong việc giáo dục cán bộ và người dân có một cái nhìn chuẩn xác về thế giới, cuộc sống và giá trị. Chẳng lẽ chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần mà các Đảng viên của chúng ta ủng hộ không thắng nổi những cái mà Pháp Luân Công tuyên truyền? “.
Quan điểm của Giang Trạch Dân đã không được công bố rộng rãi. Theo các nguồn tin có tiếp cận với các quan chức hàng đầu của Trung Cộng, trong số bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ có Giang Trạch Dân đã bỏ phiếu thông qua cuộc bức hại. Dù vậy, Giang đã “nhất quán” các ý kiến và tiến hành đàn áp bất chấp sự phản đối của các thành viên khác.
Toàn bộ sức mạnh của nhà nước độc tài đã đổ ập lên các học viên Pháp Luân Công. Tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Công sở, trường học, các khu chung cư, làng xã đã được thông báo và gây áp lực đối với các học viên. Các vụ bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công được triển khai. Cùng với việc giam giữ là các hành vi tẩy não và tra tấn.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp – một cơ quan báo chí về Pháp Luân Công, tại một thời điểm bất kỳ có hàng trăm ngàn học viên đang bị giam giữ. Cho đến nay, Trung tâm Thông tin đã xác nhận 3.769 trường hợp tử vong vì bị tra tấn và ngược đãi, nhưng trong hoàn cảnh tin tức bị ngăn cản ở Trung Quốc, thì con số thực sự nhiều khả năng còn cao hơn nhiều.
Ngoài ra, hàng chục ngàn học viên được cho là đã bị chết vì bị mổ cướp nội tạng nhằm sử dụng trong hoạt động cấy ghép nội tạng.
Không có ước tính về số lượng học viên bị thương hoặc tàn tật do bị tra tấn, cũng như số lượng các gia đình bị tan vỡ, hoặc số người trở thành vô gia cư.
Phe phái chính trị
Giang Trạch Dân nghĩ rằng chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công sẽ kết thúc trong vòng sáu tháng. Giang đã đánh giá sai lầm về Pháp Luân Đại Pháp. “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần” của ông ta đã khiến ông ta không thể hiểu tại sao các học viên Pháp Luân Công sẵn sàng mạo hiểm tất cả để giữ đúng niềm tin quý giá của mình.
Ông ta cũng không hiểu làm thế nào mà Pháp Luân Công có thể kiên định và vững vàng trong trái tim và tâm trí dễ thay đổi ở người Trung Quốc. Vào lúc bắt đầu của cuộc đàn áp, Giang đã tìm cách sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để biến cả đất nước Trung Quốc chống lại Pháp Luân Công. Các học viên đã mạo hiểm tính mạng của bản thân để giải thích với người dân về Pháp Luân Công và mức độ tàn bạo của cuộc đàn áp. Nhiều người đã bắt đầu hiểu ra, và nhiều người đã tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Năm 2002, Giang Trạch Dân kết thúc nhiệm kỳ đứng đầu ĐCSTQ cùng lúc cuộc đàn áp đã lên đến đỉnh điểm. Giang phải đối mặt với một tình thế khó xử. Nếu ông ta rời khỏi quyền lực và người kế nhiệm chấm dứt cuộc đàn áp, thì Giang có thể phải chịu trách nhiệm cho một loạt tội ác chống lại các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng việc tiếp tục nắm giữ quyền lực là không khả thi.
Giang đã tìm cách duy trì quyền lực thông qua các tay chân thân cận của mình, những người cũng dính líu tới cuộc đàn áp. Người của ông ta đứng đầu bộ máy an ninh nội địa. Ông ta đã cài cắm các nhân vật trung thành của mình vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và thay đổi nguyên tắc của Ủy ban này trở thành hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tước đoạt quyền lực từ tay Tổng bí thư.
Ông ta cũng nhét đầy người của mình vào Ủy ban Quân sự Trung ương nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của ông ta đối với lực lượng quân đội của Trung Quốc sau khi nghỉ hưu thời gian lâu. Ngoài ra, người của Giang cũng kiểm soát tất cả các lĩnh vực chính của nền kinh tế của Trung Quốc. Họ giữ các vị trí quan trọng trong từng mũi nhọn của ĐCSTQ.
Những biện pháp này đã giúp Giang có ảnh hưởng đặc biệt trong suốt 10 năm nhiệm kỳ của người kế nhiệm là Hồ Cẩm Đào. Mặc dù vậy, việc Hồ Cẩm Đào kết thúc nhiệm kỳ là một cuộc khủng hoảng đối với Giang. Phe của ông ta không thể điều động được ai vào vị trí có thể được thăng chức làm Tổng bí thư tiếp theo, và đội ngũ thân cận của ông ta cũng bắt đầu nghỉ hưu khỏi các chức vụ hàng đầu vào năm 2012.
Không có người cài cắm ở cấp đứng đầu, tình thế khó khăn của Giang vào năm 2002 đã trở lại với hình thức mạnh mẽ hơn. Đã có thêm hơn 10 năm tiến hành cuộc đàn áp, Giang Trạch Dân và phe của ông ta sẽ nằm dưới lưỡi đao của các quan chức không liên quan tới cuộc đàn áp và những quan chức này có thể sẽ có động thái kết thúc cuộc đàn áp. Nếu ĐCSTQ chính thức kết thúc cuộc đàn áp, những kẻ có trách nhiệm sẽ bị tố cáo trên khắp Trung Quốc.
Các nhân vật hàng đầu của phe Giang Trạch Dân đã lập ra một kế hoạch. Họ sẽ tỏ ra chấp nhận việc Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, nhưng sau đó nhanh chóng tiến hành lật đổ ông ta.
Vào tháng 3 năm 2012, Vương Lập Quân, cánh tay phải của Bạc Hy Lai, một trong những kẻ chủ mưu, đã chạy tới Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để xin tị nạn. Mỹ đã giao Vương cho người của Hồ Cẩm Đào, và theo các nguồn tin cho biết, Vương đã “thổi còi” cho cuộc đảo chính đã được lên kế hoạch.
Nhổ tận rễ Giang Trạch Dân
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta ngay lập tức đưa ra một chiến dịch “chống tham nhũng”. Dưới vỏ bọc của việc loại bỏ tham nhũng, Tập Cận Bình bắt đầu nhổ tận rễ phe Giang Trạch Dân.
Tập Cận Bình biết rằng nếu ông ta không hành động chống lại những kẻ có âm mưu phản lại ông ta, thì ông ta cũng sẽ không giữ được quyền lực trong ĐCSTQ. Hơn nữa, theo các nguồn tin trong nội bộ Đảng, các thành viên của phe Giang đang tìm kiếm một cơ hội để giết ông ta. Những người này không thể mạo hiểm để khả năng Tập Cận Bình sẽ chấm dứt cuộc bức hại.
Cho đến nay Tập Cận Bình đã triển khai hoàn toàn thành công việc hạ bệ được từng nhân vật cấp cao trung thành với Giang. Mặc dù vậy, các nguồn tin bên trong Đảng nói rằng ông ta đã không đạt được sự an toàn hay sự ổn định.
Không có những nhân vật trung thành với Tập Cận Bình như đã có đối với Giang Trạch Dân, và các thành viên trong ĐCSTQ về tổng thể không nhiệt tình với việc Tập làm xáo trộn mạng lưới tham nhũng mà họ đang kiếm lợi. Các nguồn tin trong đảng nói rằng bộ máy của ĐCSTQ vẫn thờ ơ trước những nỗ lực của Tập Cận Bình.
Trong khi đó, nếu tính cả các thành viên gia đình, bạn bè và những người thân của các học viên Pháp Luân Công, đã có hàng trăm triệu người Trung Quốc bị tổn hại do cuộc đàn áp này. Tiếng nói của họ sẽ càng ngày càng lớn hơn khi cả xã hội phản đối cuộc đàn áp. Khi phản đối cuộc đàn áp này, xã hội cũng sẽ quay sang phản kháng lại quyền lực cố hữu của ĐCSTQ.
Tập Cận Bình sẽ sớm phải đối mặt với một sự lựa chọn. Ông ta có thể tiết lộ mức độ của cuộc đàn áp và yêu cầu Giang và phe của ông ta phải chịu trách nhiệm. Nếu Tập Cận Bình làm như vậy, ông ta sẽ giải phóng các lực lượng trong xã hội Trung Quốc và trong Đảng, và điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho ĐCSTQ, bởi vì không chỉ các học viên Pháp Luân Công mà còn tất cả những người đã từng chịu thống khổ dưới chế độ của Đảng sẽ đòi lại công lý. Nhưng Tập Cận Bình ít nhất sẽ có cơ hội lãnh đạo những người ở Trung Quốc muốn đòi lại công lý.
Hoặc, Tập Cận Bình có thể tiếp tục tiến trình hiện tại và đặt bản thân vào vị trí nguy hiểm khi không bao giờ đảm bảo được cơ sở vững chắc trong Đảng, ngay cả khi ông ta loại bỏ được từng đối thủ của mình.
Theo vietdaikynguyen.com