Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh như đau tim, đột quỵ, cao huyết áp, tiểu đường… Vận động là cách đối phó hiệu quả đối với vấn đề này.
Nhưng những người thừa cân hoặc béo phì cũng có nguy cơ bị thương khi vận động do tác động của trọng lượng cơ thể. Sau đây là một số bài tập vận động thích hợp cho người béo.
Đi bộ
Bài tập đơn giản này có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và vào bất kỳ lúc nào thuận tiện cho bạn. Nên bắt đầu bằng những đoạn đường ngắn (khoảng 100-200m) và làm thường xuyên mỗi ngày. Sau 1-2 tuần, hãy kéo dài đoạn đường mà bạn sẽ đi và sau đó thỉnh thoảng gia tăng khoảng cách, thời gian và tốc độ đi bộ.
Tăng cường sức bền
Bạn có thể tăng cường sức bền bằng bài tập bụng đơn giản. Nằm trên sàn nhà, gập đầu gối lại và dùng cơ bụng nhấc ngực, cổ và đầu. Hãy bắt đầu bằng 10 lần lặp lại và tăng dần sau đó. Nếu muốn tập bụng ở phòng tập, nên nhờ huấn luyện viên cung cấp cho bạn những bài tập phù hợp và hữu ích.
Bơi lội
Bài tập này được khuyến khích do có rủi ro chấn thương thấp và không tạo áp lực lên các khớp xương. Nên đi bơi 1 lần mỗi tuần.
Đạp xe
Bài tập này là một sự lựa chọn tốt đối với những người béo phì. Bất kể bạn đạp xe ở ngoài đường hay bằng máy tập trong nhà, hoạt động này giúp đốt cháy calorie trong cơ thể và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Khiêu vũ
Bài tập này cũng góp phần đốt cháy calorie và cải thiện sự dẻo dai. Dù khiêu vũ với người khác hay nhảy một mình, bạn đều phải đổ không ít mồ hôi và sử dụng các cơ ở phần trên và dưới của cơ thể. Bạn có thể khiêu vũ tại nhà, chọn những bản nhạc ưa thích và ngừng vào bất cứ lúc nào bạn muốn.
Vấn đề cốt yếu đối với những người thừa cân là không nên ép mình quá mức khi vận động. Để có sức khỏe và một cơ thể cân đối hơn, bạn phải vượt qua một chặng đường dài, mọi thứ nên từ từ và sẽ không hề dễ dàng.
Quyên Quân
Bài 2. Muốn giảm béo, phải tập thể dục ít nhất 1 tiếng
Những phụ nữ muốn giảm cân và duy trì số cân nặng của mình cần phải tập đủ mỗi lần 1 tiếng, và kéo dài 5 ngày một tuần.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh, Mỹ, đã tìm thấy mỗi lần tập 55 phút là thời gian tối thiểu cần thiết để giảm được 10% cân nặng.
Nhóm đã tìm hiểu một những phụ nữ thừa cân và béo phì trong vòng 4 năm. Những người này được yêu cầu ăn khoảng 1.200 đến 1.500 calo mỗi ngày và tham gia 4 chương trình tập luyện khác nhau về cường độ và khối lượng bài tập.
Sau 6 tháng, phụ nữ ở cả 4 nhóm đều giảm 10% khối lượng cơ thể, nhưng hầu hết không duy trì được số cân nặng này. Những ai giảm 10% khối lượng trong thời gian dài thì tập thể dục nhiều hơn, trung bình 275 phút mỗi tuần.
Thông thường, mọi người được khuyên tập vừa phải 30 phút mỗi lần, 5 ngày/tuần, nhưng các nhà khoa học cho rằng để duy trì số cân giảm được thì cần phải tập luyện nhiều hơn.
Giáo sư Paul Gately, tại Đại học Leeds Metropolitan, nhận định: “30 phút tập luyện tốt cho sức khỏe nói chung, nhưng nếu bạn muốn giảm cân, bạn cần phải tập nhiều hơn và nếu muốn giữ vững số cân nặng đó thì bạn càng phải tập nhiều hơn nữa. Theo đó, từ 1 tiếng đến 90 phút mỗi ngày là phù hợp để giữ vững số cân nặng giảm được”.
M.T.VNExpress (theo BBC)
Bài 3. Vận động thế nào để giảm mỡ máu
Trong cuộc sống văn minh và đầy đủ dinh dưỡng như hiện nay, bệnh lý tim mạch và đột quị cũng như béo phì chiếm một tỷ lệ tử vong hoặc tàn phế rất cao không chỉ xảy đến cho người già mà còn cho người trẻ nữa nếu không biết cách hạn chế dinh dưỡng và tập luyện một cách hợp lý trong sự thu nhập đường và mỡ vào cơ thể chúng ta.
Có rất nhiều người nghĩ rằng chơi thể dục thể thao với cường độ mạnh là hoặc thể dục qua loa sơ sơ là có thể làm tiêu mỡ, đường nhưng sự thật là không phải thế…Rốt cuộc theo với thời gian năm tháng bệnh tật kéo đến rất sớm như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quị…..Do đó bài viết này nhằm giúp quí bạn hiểu rõ và nắm vững sự vận động hợp lý trong mục tiêu ngừa và trị liệu các rối loạn chuyễn hóa mỡ bằng phương thức vận động
TỪ MỘT LÁ THƯ THẮC MẮC…
Tôi năm nay 55 tuổi, thử máu thấy cholesterol cao, mỡ máu tăng (triglycerid) , gan nhiễm mỡ, vợ tôi 50 tuổi người gầy ốm cũng bị cao như tôi. Tôi đánh tennis, vợ tôi chơi vũ cầu liên tục 2 giờ mỗi ngày, Sáu tháng sau thử lại cả 2 người thì vẫn thấy mỡ và cholesterol cao không giảm cùng với sự tồn tại gan nhiễm mỡ. Tôi thắc mắc là tại sao có vận động cơ thể tối đa đều đặn như thế mà không giảm mỡ trong máu và vợ tôi gầy ốm mà tại sao vẫn bị mỡ cao ?
ĐỐI TƯỢNG BỊ MỠ CAO TRONG MÁU
-Thông thường là những người ăn uống nhiều chất mỡ, tinh bột, đường và lười vận động
-Không có nghĩa là mập mới bị mỡ cao trong máu, vì khi cơ thể đến lứa tuối trên 50, chuyển hóa đã bắt đầu kém không chuyển hóa hết mỡ hằng ngày do thức ăn đưa vào trong cơ thế, do đó dù ăn ít mỡ hoặc gầy ốm cũng có thể bị mỡ cao trong máu gọi là rối loạn chuyển hóa mỡ do tuổi già
VẬN ĐỘNG THẾ NÀO ?
Thường thường người ta đều tưởng rằng vận động thể thao thể dục với cường độ mạnh như chạy marathon, tennis, vũ cầu kéo dài, bơi đua, tập tạ, đánh võ, chạy xe đạp nhanh.v.v..cho đến khi thở mệt hỗn hển, mồ hôi ra như tắm tức là có tác dụng giảm mỡ trong máu (cholesterol, triglycerid) . Rồi khi đi thử máu thấy mỡ vẫn còn cao như cũ hoặc siêu âm thấy gan vẫn còn bị nhiễm mỡ, không bớt gì hết. Tại sao ? Ta hãy phân tích sự chuyển hóa của mỡ trong sự vận động sau đây :
Cường độ vận động gồm 2 loại, đó là vận động có oxy và vận động không có oxy
1. Vận động có oxy : là loại vận động có cường độ nhẹ và vừa như đi bộ, chạy chậm, nhảy dây, đi xe đạp chậm, tập dưỡng sinh…cơ thể có đủ oxy, cơ bắp chủ yếu xử dụng năng lượng thu được từ sự oxy hóa acid béo, mỡ được tiêu hao nhanh. Nếu vận động nhẹ mà thời gian dài thì sự giảm mỡ sẽ trên 80%, nếu vận động với cường độ vừa thì tỷ lệ tiêu hao mỡ và đường bằng nhau tức là 50/50%. Nếu vận động có cường độ lớn mạnh mẽ thì sự tiêu hao mỡ chỉ chiếm 15 – 20 % mà thôi
Chỉ sau 20 phút vận động, cơ thể mới bắt đầu dùng mỡ để tạo năng lượng, trong 20 phút này chỉ có đường glucose được tiêu thụ mà thôi do đó muốn tiêu hao mỡ thì phải vận động trên 30 phút khi đó mỡ và glycogen (là loại đường từ glucose được dự trữ ở gan và cơ) mới được chuyển hóa thành năng lượng. Cùng với sự kéo dài thời gian vận động thì sẽ tiêu hao được mỡ từ 70 – 90%. Do đó vận động dưới 30 phút là không có tác dụng giảm mỡ gì cả dù cường độ lớn hay nhỏ
Thời gian vận động phải liên tục không gián đoạn ví dụ đi bộ nên đi bộ nhanh hơn là đi bộ chậm trên 30 phút liên tục không nghỉ nửa chừng chứ không phải đi một đoạn rồi nghỉ rồi đi lại. Như vậy là không có tác dụng tiêu mỡ và nên nhớ lúc vận động phải có thở hít sâu, đều đặn bằng mũi hít vào và bằng miệng thở ra. Tóm lại vận động trung bình từ 45 – 60 phút là tốt nhất, nếu ít quá thì tác dụng chẳng là bao
Trong sự vận động như đi bộ thì theo nghiên cứu nếu đi nhanh vào buổi sáng 1-2 giờ, lượng chất béo tiêu hao không đáng là bao như trái lại buổi tối dù chỉ đi bộ nửa giờ lượng chất béo tiêu hao lại tăng rõ rệt. Sở dĩ như thế là do đồng hồ sinh học của cơ thể quyết định. Thống kê cho thấy 2 giờ sau ăn tối đi bộ khoảng 40 – 60 phút thì lượng chất béo tiêu hao nhiều nhất, có thể làm giảm sự thèm ăn, rất có lợi cho sự giảm cholesterol và triglycerid máu
Khoảng cách đi bộ càng dài thì mỡ máu càng giảm
Tốc độ đi khoảng 10km/giờtức là đi nhanh mới đạt mụctiêu giảm mỡ nhiều
2. Vận động không có oxy : là loại vận động có cường độ mạnh mẽ như chạy, đá bóng, bóng rỗ, nhảy cao, nhảy xa, bơi đua, tập tạ, tennis…Vận động này đòi hỏi oxy thật cao, trong lúc cơ thể không cung cấp đủ oxy , năng lượng có được là từ chuyển hóa đường glucose theo con đường vô khí (không có oxy), cuối cùng sẽ tạo acid lactic tăng cao sẽ ức chế sự phóng thích acid béo tự do, giảm sự chuyển hóa mỡ lipid. Do đó đối với cường độ vận động quá lớn sẽ không có tác dụng giảm mỡ trong cơ thể chỉ tiêu hao chất đường mà thôi
Hơn nữa, khi vận động mạnh mẽ, ta phải thở nhanh và gấp để bù oxygen thiếu hụt thì sẽ đưa đến sự gia tăng thông khí phổi tức là thở hỗn hển, thở cạn làm tăng sự thải CO2 nhanh, cuối cùng nồng độ CO2 giảm trong máu và sự bù đắp lượng oxy thu vào không cao. Kết quả là sẽ làm co thắt mạch máu não và cơ tim đồng thời ức chế sự di chuyển oxygen từ huyết sắc tố sang các tế bào. Mức độ C02 quá thấp có thể đưa đến thiếu máu não và thiếu máu cơ tim cục bộ. Chính điều này gây ra những tai biến như đột quị, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp nhất là ở lứa tuổi 50 trở lên khi vận động mạnh. Ngay cả tuổi trẻ cũng có thể bị nếu sự vận động mạnh mẽ này kéo dài như ở các cầu thủ bóng đá, tuy họ còn trẻ nhưng vẫn bị đột quị trong lúc đá bóng mà thỉnh thoảng chúng ta thường thấy
3. Làm thế nào biết được vận động có oxy hoặc không có oxy ?
Lượng tiêu hao oxy tỷ lệ thuận với nhịp tim nên chỉ cần đo mạch đập của mình trong lúc luyện tập là biết được sự vận động có thích hợp hay không.
Muốn cho mỡ được đốt cháy thì phải vận động nhẹ và vừa. Thời gian vận động càng dài, tốc độ càng chậm thì lượng mỡ tiêu hao càng nhiều. Ta có thể theo công thức sau đây để giảm mỡ một cách lý tưởng :
Nhịp tim : (220-số tuổi) x (60% hoặc70%)
Ví dụ : Người 50 tuổi thì phải có nhịp tim tối đa trong lúc vận động là :
220-50 x 70% = 119 lần/phút
Như thế ta phải kiểm tra nhịp tim bằng cách đo mạch đập ở cổ tay phải nhỏ hơn hoặc bằng 119 lần /phút thì mới có tác dụng giảm mỡ. Nếu trên số ấy thì là vận động mạnh chỉ có đường và protein tiêu hao mà thôi
Từ đó ta thấy những máy đi bộ luôn luôn có một cái hộp nhỏ gắn ở trên và trước mặt máy để đo nhịp tim của người tập rất tiện lợi cho ta điều chỉnh cường độ đi bộ của chính mình có oxy hay là không có oxy
VÀI ĐIỂM CẦN LƯU Ý
-Lẽ dĩ nhiên tập luyện vận động phải kèm theo chế độ dinh dưỡng hạn chế tinh bột, đường và mỡ
-Ăn vừa phải trái cây vì đường của trái cây là fructose, nếu dư thì sẽ biến thành mỡ trong cơ thể
-Nước ngọt bánh kẹo cũng phải hạn chế
-Nếu vận động mỗi ngày trên 30 phút thôi cho dù không thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể làm thể trọng giảm dần trong nửa năm. Nhưng nếu tiết thực mà không vận động thì sẽ không giảm mỡ và không giảm thể trọng
-Nếu thời gian vận động trong 20 phút thì chỉ có thể khống chế tăng thể trọng mà không thể giảm thể trọng
-Phải vận động đều đặn, tối thiểu 3 lần/tuần, nếu hằng ngày thì càng tốt. Sau khi vận động thì hiệu ứng miễn dịch, giảm mỡ có lợi cho sức khỏe chỉ tồn tại 48 giờ mà thôi nếu không vận động trở lại thì hiệu ứng đó không còn nữa
-Sự vận động hợp lý như đi bộ nhanh 60 phút/ngày sẽ cho ta nhiều tác dụng ích lợi như : giảm cholesterol và triglycerid máu, HDL tỷ trọng cao (high density lipoprotein) có lợi gia tăng trong việc huy động mỡ từ ngoại biên như thành mạch máu trở về gan giúp cho mạch máu không bị xơ vữa tránh đột quị và nhồi máu cơ tim. Và LDL tỷ trọng thấp (low density lipoprotein) có hại giảm (LDL có nhiệm vụ chuyển mỡ ra ngọai biên ứ đọng ở thành mạch máu rất nguy hiểm)
-Vận động hợp lý cũng làm giảm huyết áp, ngừa bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh mập phì
-Dưỡng sinh khí công có tác dụng giảm mỡ không ? Chỉ có khí công động là có thể giảm mỡ được với điều kiện phải luyện tập liên tục trên 30 phút hằng ngày kèm theo chế đô ăn kiêng hợp lý
KẾT LUẬN
Tóm lại, muốn giảm mỡ hoặc chống mập phì thì nên vận động nhẹ vừa, kéo dài liên tục trên 30 phút, lý tưởng là 1 giờ kết hợp với tiết thực giảm mỡ, đường và đơn giản nhất là đi bộ nhanh mà ai ai cũng có thể thực hiện được
Kim Anh giới thiệu
Bài 4. Thể-dục kêt-hợp với dầu cá có thể làm tiêu mỡ trong thân-thể
Trong nghiên- cứu sơ-khởi, các nhà khoa-hoc tại Đại học University of South Australia (Adelaide) đã phát-hiện là thể-dục kết-hợp với dầu cá không những cải-thiện mức cholesterol và chức-năng của mach máu mà còn làm tiêu mỡ trong thân-thể (body fat).
Để làm thí-nghiệm các nhà khoa-hoc đã chia 75 người mập phì thành bốn nhóm: một nhóm uống 6 gam dầu cá mỗi ngày, một nhóm uống dầu cá và đi bộ 45 phút ba ngày mỗi tuần, một nhóm uống dầu hướng-dương và nhóm cuối vừa uống dầu hướng-dương vừa đi bộ
Sau 12 tuần lễ mức cholesterol tốt HDH tăng và mức triglyceride (một dạng xấu cuả chất béo trong máu) giảm đối với các người đã uống dầu cá dù rằng có hay không có đi bộ. Các người vừa uống dầu cá lại vừa đi bộ thì mỡ trong thân-thể (body fat) cũng tiêu đi.
Bác sĩ Peter R.C Howe trưởng nhóm nghiên-cứu nói :” Uống dầu cá [acid béo omega-3] phụ thêm với thể-dục sẽ giúp cải-thiện cấu-tạo của cơ-thể và giảm rủi ro bị bệnh tim mạch”
Tưởng cũng nên nhắc là acid béo omega-3 trong cá tốt cho tim vì giảm áp-huyết và triglyceride, giảm rủi- ro bị cục đông máu và cải- thiện chức- năng của mạch máu. Ngoài ra omega-3 còn ảnh hưởng lên quá- trình chuyển-hoá làm giảm mỡ trong thân-thể
Reuters- 05/23/07
Filed under: Tập vận động Tagged: giảm béo, mỡ máu, người béo, vận động
2014-07-11 00:00:10
Nguồn: http://khoahocvadoisong.wordpress.com/2014/07/11/van-dong-giam-beo-mo-mau/