Cuộc sống những người hiện đại chọn cách sống như… “tiền sử”
Saturday, August 23, 2014 19:58
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Không điện, không nước, không khí đốt sưởi ấm, không hàng xóm, không siêu thị gần nhà… Đó là cuộc sống của những con người hiện đại quyết định “lên núi, về rừng”, quay trở về với đời sống của…người tiền sử.
Trong thế giới hiện đại biến đổi từng ngày với những nhịp đập quay cuồng của cuộc sống, đang có những con người sống ở những khu vực văn minh, phát triển, hiện đại nhất của thế giới, quyết định quay lưng lại với cuộc sống đương thời, từ bỏ những phát minh, thành tựu vô cùng tiện ích đã được sáng tạo ra, họ chỉ muốn… lên núi, về rừng.
Lý do của hành động kỳ lạ, khó hiểu này, là những con người hiện đại kia không muốn chạy theo tốc độ hiện đại hóa quá “khủng khiếp” trong cuộc sống, họ muốn trở về với tự nhiên một cách… triệt để nhất, được thoát ra khỏi vòng xoáy quay cuồng của cuộc sống hiện đại bủa vây.
Rời xa thành phố để lên núi, họ sống rải rác trên những dãy núi lớn của Châu Âu, như Karpat (chạy qua Trung Âu và Đông Âu), Pyrenees (chạy qua tây nam Châu Âu). Ở đây, người ta sẽ bắt gặp họ – những con người quyết định sống “ngoài rìa xã hội”, từ chối tiếp cận với tất cả các thiết bị tiện ích hiện đại.
Một nhiếp ảnh gia người Pháp có tên Antoine Bruy đã dành ra nhiều năm để đi du lịch khắp Châu Âu, tìm gặp những con người muốn quay trở về thời tiền sử với cuộc sống “tự cấp tự túc”. Họ không đông đảo, nhưng là một nhóm người đáng quan tâm trong bức tranh toàn cảnh đời sống con người ở thế kỷ 21.
Nhiếp ảnh gia Antoine Bruy đã tìm đến những “con người tiền sử” giữa thế giới hiện đại để thử sống với họ. Bruy nhận thấy rằng những con người này thực tế có một ý niệm rất sâu sắc về sự tồn tại, về cuộc sống. Ngôi nhà xiêu vẹo nằm trong dãy Pyrenees này thuộc về một người đàn ông Đức có tên Peter, ông đã sống ở đây hơn 30 năm.
Cách đây 20 năm, một người phụ nữ Anh tên là Kate đã di chuyển lên vùng núi cao Sierra Nevada của Tây Ban Nha để trở về với thiên nhiên.
Để hiểu hơn về chính những con người mà mình đang phản ánh, nhiếp ảnh gia Bruy đã quyết định xin ở lại với một số nhân vật trong khoảng vài tháng, giúp họ thực hiện công việc thường ngày, bù lại, anh sẽ được chụp hình cuộc sống của họ.
Những con người này sống mà gần như không có bất cứ một tiện nghi nào, ngay cả những điều tối thiểu trong cuộc sống như điện, nước, khí đốt…
Amiro, một người đàn ông Đức đã tìm tới sống ở một khu vực hẻo lánh tại Tây Ban Nha, ngôi làng gần nơi anh sống nhất cũng phải đi bộ mất 3 tiếng đồng hồ.
Có cả những gia đình quyết định rời xa thế giới hiện đại để lên núi sống.
Một người đàn ông Pháp sống trên núi làm nghề chăn thả gia súc.
Người đàn ông này trước kia từng là một sinh viên toán, tên là Vincent, anh đã quyết định rời xa sự nghiệp học thuật và xã hội hiện đại để lên sống ở dãy núi Pyrenees cách đây 7 năm.
Trong thời gian sống bên cạnh những con người “nói không với thế giới hiện đại”, Bruy cho biết anh thường giúp họ trồng rau, sửa nhà, chăm sóc vật nuôi…
Thời gian ở bên các nhân vật của mình, Bruy cảm thấy rất hạnh phúc bởi anh chưa bao giờ được kết nối với tự nhiên một cách mạnh mẽ như thế, đồng thời, anh cũng được nhìn nhận bản chất, nội tâm con người một cách rõ ràng và chân thực nhất.
Dự án nhiếp ảnh này là một nỗ lực của Bruy để thực hiện một “câu chuyện cổ tích đương đại”, nhằm giúp những con người hiện đại có một góc nhìn cận cảnh vào cuộc sống kỳ lạ của những con người quyết định bước ra ngoài dòng chảy văn minh, hiện đại.
Một người đàn ông Tây Ban Nha có tên Julian đang tự chế một nhà tắm ngoài trời cho mình.
Cậu bé này được sinh ra và nuôi lớn bởi một cặp vợ chồng “lên núi, về rừng”. Cha mẹ cậu đã chuyển lên dãy núi Pyrenees sống từ lâu.
Cô Sabine từng là một giáo viên văn học và triết học, giờ đây cô sống trên núi bằng nghề chăn thả gia súc cùng với chồng.
Hiện tại, nhiếp ảnh gia Antoine Bruy đang lên kế hoạch tới Mỹ thực hiện bộ ảnh về cuộc sống của những “con người tiền sử” trên dãy Appalachia – nơi vốn được coi là cái nôi sản sinh ra xu hướng “lên núi, về rừng”.
Theo zeronews.us