Các Cánh đồng Chum ở đồng bằng Xiêng Khoảng của Lào là một trong những điểm tham quan bí ẩn nhất trên Trái Đất. Địa điểm khác thường ở chỗ nó có hàng ngàn chiếc chum bằng cự thạch rải rác trên gần một trăm vị trí sâu trong ngọn núi phía Bắc Lào. Khá nhiều nhà khảo cổ và các nhà khoa học say mê nghiên cứu kể từ khi phát hiện chúng trong những năm 1930.
Chum cự thạch trên đồng bằng Xiêng Khoảng của Lào. (Shutterstock*)
Địa điểm bất thường này được gọi là Cánh đồng Chum có từ niên đại Đồ Sắt (500 TCN đến 500 SCN) với ít nhất 3.000 chum bằng đá khổng lồ cao tới 3 mét và nặng vài tấn. Hầu hết đều được làm bằng đá sa thạch, nhưng cũng có những cái khác làm bằng đá granite cứng hơn nhiều, cũng có chum làm bằng đá vôi.
Bởi vì các chum có miệng vành, nên người ta cho rằng ban đầu các chum này có nắp đậy. Tuy có vài cái nắp đá đã được ghi nhận nhưng có nhiều khả năng, vật liệu chính được sử dụng là gỗ hoặc Ratan.
Chum cự thạch trên đồng bằng Xiêng Khoảng của Lào. (Shutterstock*)
Những chiếc chum dường như đã được sản xuất với trình độ hiểu biết về vật liệu và kỹ thuật rất phù hợp. Người ta cho rằng cư dân tại Cánh đồng Chum xưa kia đã sử dụng những chiếc đục bằng sắt để tạo ra nó, dù rằng vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho lập luận này. Hầu như không có thông tin nào về người đã chạm khắc nên những chiếc bình chứa lớn cũng như nguồn gốc lẫn mục đích của chúng.
Theo truyền thuyết địa phương, những chiếc chum được tạo ra bởi một chủng tộc người khổng lồ và nhà vua của họ cần một nơi nào đó để lưu trữ rượu gạo. Rượu vốn đã được sử dụng tại một bữa tiệc lớn để ăn mừng chiến thắng quân sự lừng lẫy hàng ngàn năm trước. Truyền thuyết kể về một vị vua độc ác, tên Chao Angka, người đã áp bức vô cùng dã man người dân của mình. Người dân sau đó đã cầu cứu một vị minh quân phương Bắc, có tên là Khun Jeuam. Khun Jeuam cùng quân đội của ông tiến đánh Chao Angka. Sau trận chiến nảy lửa trên bình nguyên, Chao Angka bại trận.
Trong khi một số người cho rằng những chiếc chum khổng lồ được sử dụng để trữ nước mưa, thì phần lớn các nhà khảo cổ đều tin rằng chúng được sử dụng như những chiếc bình đựng cốt. Hoạt động khai quật được thực hiện bởi các nhà khảo cổ Lào và Nhật Bản trong những năm qua đã ủng hộ cho giả thuyết này thông qua việc phát hiện ra tàn tích của con người, hàng hóa chôn cất và gốm sứ xung quanh chum đá. Người ta tin rằng những chiếc chum đã được sử dụng để đặt những thi thể người chết rồi để chúng phân hủy hoặc “bốc hơi”. Đây cũng là một nghi thức phổ biến ở Thái Lan và Lào, thường được tiến hành trong hầm lò. Người ta tin rằng khi các cơ thể chết được đặt trong chum để các mô mềm phân hủy và để cơ thể khô quắt lại trước khi được hỏa táng. Một khi chúng được hỏa táng, tro cốt sẽ được đặt lại trong các bình đựng di cốt, hoặc có thể được chôn cất tại nơi thiêng liêng, những chiếc chum không sẽ được tái sử dụng cho một xác chết khác.
Chum cự thạch trên đồng bằng Xiêng Khoảng của Lào. (Shutterstock*)
Các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho những bí ẩn xung quanh Cánh đồng Chum này. Nhưng tiếc là công việc của họ bị chậm lại bởi thực tế, Cánh đồng Chum này là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất trên thế giới. Rải rác trên những cánh đồng là hàng ngàn tấn bom, mìn và vật liệu nổ quân sự chưa phát nổ khác, bao phủ hơn 35% tổng diện tích đất của tỉnh và tiếp tục đe dọa cuộc sống của 200.000 người hiện đang sống ở Xiêng Khoảng.
Theo Đại Kỷ Nguyên