Mặc dù đã nhận được hỗ trợ cả về tài chính, thiết bị bảo hộ, vệ sinh và thuốc men… để đối phó với virus Ebola đang bùng phát mạnh tại các nước Tây Phi, dịch bệnh gây tử vong cao này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ làm nhiệm vụ tại khu vực có khả năng lây nhiễm cao ở bệnh viện Elwa ở Monrovia, Liberia ngày 7/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 18/9, chỉ trong vòng một tuần, số ca nhiễm mới tại Tây Phi đã tăng thêm hơn 700 người và số trường hợp tử vong tăng thêm hơn 200 người, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 5.300 và số người chết lên hơn 2.630.
WHO cho biết 45% bệnh nhân đều những người mới nhiễm trong 3 tuần qua và chủ yếu tập chung ở 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. Riêng tại Guinea, quốc gia phát hiện dịch từ đầu năm nay, đã có hơn 600 người chết, chiếm 64% trong số hơn 940 người nhiễm virus Ebola.
Tại Liberia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola, đã có gần 1.500 người chết, chiếm 54% trong tổng số hơn 2.700 người nhiễm. Tại Sierra Leon, 562 người tử vong, chiếm 34% trong số gần 1.700 người nhiễm. Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo dịch Ebola đang đe dọa đến cuộc sống và tương lai của gần 8,5 triệu thanh thiếu niên dưới 20 tuổi tại các nước Tây Phi, trong đó 2.000 trẻ em có thể lâm vào cảnh mồ côi vì có cha hoặc mẹ tử vong do virus Ebola.
Cho đến nay, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), UNICEF, đã chuyển khoản 248 tấn hàng viện trợ gồm thiết bị bảo hộ, vệ sinh và thuốc men tới các quốc gia Tây Phi đang chống chọi với dịch Ebola. Ngày 17/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố có thể sẽ cho Guinea, Liberia và Sierra Leone vay thêm 127 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước này đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của dịch bệnh Ebola./.
Theo Datviet