CHUYỆN CHÚNG MÌNH KHÉP LẠI TẠI ĐÂY
Thursday, October 23, 2014 0:53
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
1. Trước khi viết cái note này, cho tôi gửi lời cảm ơn đến các báo đài đã quan tâm tôi trong những ngày qua, cho tôi gửi lời cảm ơn đến những ai đã ca thán tôi như một anh hùng, dù rằng ở đây tôi cũng chỉ tầm thường thế thôi. Nhưng tôi tự an ủi, thế nào cuốn sách “Bên kia sườn đồi” sắp ra mắt của tôi cũng bị bán chạy mà chẳng cần PR. Nghĩ thế thôi là mừng.
2. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến những người liên quan, những người đi du lịch một cách âm thầm lặng lẽ nhưng vì tôi nêu tên mà họ bị báo chí làm phiền. Tuy nhiên, tôi cũng muốn các bạn biết rằng, hơn ai hết, tôi bị làm phiền nhiều hơn các bạn, hơn ai hết, tôi phải khó khăn lắm mới xin được danh sách những người Việt tham gia leo núi vì tôi quan tâm đến sự sống chết của họ. Tôi biết báo chí khát thông tin, nên dù là một hạt sạn nhỏ thì họ cũng moi lên cho bằng được. Bạn biết những lúc khó chịu như thế tôi nghĩ gì không. Tôi nghĩ, à, may thế, có người còn quan tâm mình, hoặc là sự tồn tại vô nghĩa bấy lâu nay của mình giờ cũng được người ta nhắc tới mà không cần trả phí PR. Nghĩ thế thôi, dù cái sự thật phũ phàng rằng, khi cái chủ đề bão tuyết này trở nên nguội lạnh, thì bạn cũng chìm vào đâu đó.
3. Những gì làm được tôi đã cố gắng làm hết sức rồi, lên TAAN, Cục du lịch Nepal, sở cảnh sát và vào cả nhà xác bệnh viện. Tôi nghĩ là không có người Việt Nam nào thiệt mạng. Còn nếu có, tôi cũng không biết làm gì hơn. Chính phủ Nepal đã ngừng các hoạt động tìm kiếm. Mọi cố gắng của tôi có tiếp tục thì cũng như mò kim đáy bể. Tôi cũng lo sợ tôi cứ đào bới thông tin các bạn lên thế này, nhưng nhỡ may các bạn đang trốn việc đi du lịch, về các bạn lại bảo tôi, ơ, tao trốn việc đi du lịch, hà cớ gì mày đi tìm tao để sếp tao biết rồi chửi tao. Đấy, làm người tốt đâu có dễ, nhưng làm người cứ thích đi chinh phục cái không dễ cơ.
4. Một số báo đến nay vẫn gửi câu hỏi phỏng vấn cho tôi, đề nghị tôi kể lại hành trình sống sót thế nào qua cơn bão. Tôi xin từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến hành trình sống sót mà theo các bạn gọi là diệu kỳ này. Tôi nghĩ vấn đề cũng nguội lạnh rồi, mọi diễn biến chị tiết tôi cũng có một bài note trên FB rồi. Tôi không thích kể đi kể lại câu chuyện gì quá nhiều lần, vì như thế nó trở nên nhàm chán và nhạt lắm. Như chuyện ở đây, sáng nào ngủ dậy chạy xuống quầy lễ tân, ông chủ khách sạn cũng hỏi, “Hey, madam, how are you?”. Tôi hỏi ông, có một câu hỏi mà ngày nào cũng hỏi đi hỏi lại thế không biết chán à. Thế là hôm sau thấy tôi xuống, ông chuyển câu hỏi thành: “hey, madam, how you are?”
Thế nên, nếu vì vậy mà các bạn phóng viên bảo tôi chảnh thì tôi cũng chịu thôi. Hoặc nếu muốn câu view các bạn cũng có thể viết một bài giật tít là “Em Mỹ Linh sống sót trong trận bão tuyết trở nên chảnh chó sau khi nổi tiếng”. Đấy, một cái tít có tất cả những cụm từ hot. Thể nào cũng câu view được. Tôi đoán thế! ^^
5. Một số bạn nghĩ tôi là dân thích du lịch hoặc là dân phượt nên kết bạn với tôi. Kết bạn không được thì nhắn cho tôi một cái tin “Bạn add mình đi, vì mình cũng là dân phượt”. Thực ra, tôi hãi từ phượt lắm. Đây cũng là lần trekking đầu tiên của tôi. Trước đó, tôi không phải là một cô gái mê du lịch, mê phượt và đến bây giờ cũng vậy. Nhưng nếu ai đó lục lại những stt cũ của tôi, ngày tôi rời India sang Nepal. Tôi có kể lại câu chuyện, có anh bạn nhìn tôi và nói, em nên kiếm thằng nào mê du lịch như em ấy, để lấy rồi yêu. Tôi bảo anh nhầm, nhầm giữa việc “thích đi” và “phải đi”. Nếu các bạn thích đi, đó là việc của bạn, vì tôi không phải người thích đi. Nhưng tôi biết mình cần phải đi. Đi không phải leo lên đỉnh núi cao ngất, chụp cái hình đứng ở trên đó về bảo với bạn bè là tao đã chinh phục được cái đỉnh núi đó. Đi để nhận thấy rằng thế giới có rất nhiều thứ cho bạn học hỏi. Như chuyện vì sao 1 năm người Nepal có 150 ngày nghỉ trong khi họ có thể sử dụng ngày đó để kiếm tiền và trở thành giàu sụ. Như chuyện cái món lassi ở đây rất ngon nhưng sao người Việt nam không thể làm ra nó và tôi bắt buộc phải học hỏi công thức để làm. Như chuyện gặp những người bạn họ nói 4-5 ngôn ngữ làu làu trong khi người Việt mình chỉ thi IELTS 8.0 thôi là được ca tụng tận trời. Đi để thấy mình nhỏ bé và phấn đấu ngày một lớn lên. Đi để thấy vì sao đất nước này giàu đất nước kia nghèo và buồn bã thay việt Nam lại có tên trong danh sách những nước nghèo. Và buồn bã khi nhận ra, một đất nước nhỏ nhưng cái niềm tựhào dân tộc thì quá lớn khiến đôi khi nó trở thành rào cản cho sự phát triển.
6. Đến đây thì cũng hết chuyện để nói rồi. Nên tôi mới đặt cái tít là “CHUYỆN CHÚNG MÌNH KHÉP LẠI TẠI ĐÂY”. Bầu trời Kathmandu hôm nay vẫn ồn ã, tấp nập và đầy bụi. Những người khách du lịch tứ xứ vẫn đổ về, hớn hở đi mua giấy phép leo núi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Rồi vài hôm, vài hôm sau nữa, những dòng người lại nối nhau lên dãy Annapurna trekking. Chả ai biết ở đó có những xác người đã nằm lại, mãi mãi không về.
Vốn dĩ cũng là chuyện thường tình thôi!
PS: một số bạn chưa biết mặt và tay tôi bị bỏng thế nào sau khi xuống núi. Thậm chí có bạn bảo con này nói điêu, không đeo găng tay mà vẫn xuống núi được. Hôm nay mặt mũi tôi đã bong da và trở lại bình thường, nên show tí cho chị em ngắm. Dù gì cũng là một kỷ niệm!
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us