Từ ngày 1/1/2015, theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, tất cả điện thoại di động, máy tính bảng hết thời hạn sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ bị thu hồi. Thông tin này khiến dư luận xôn xao lẫn băn khoăn suốt nhiều ngày qua.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin, ít nhiều đã có sự hiểu nhầm trong cộng đồng xã hội liên quan đến nội dung quyết định “thu hồi điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính hết hạn sử dụng sau 2015”.
Quy định mới về thu hồi điện thoại di động hết hạn sử dụng đang khiến dư luận quan tâm.
Trách nhiệm của nhà sản xuất
Cụ thể theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ (dưới đây gọi là QĐ-50) thì thu hồi sản phẩm thải bỏ là việc doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu thu lại sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.
Nằm trong danh mục sản phẩm phải thu hồi có ắc quy, pin; các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp như bóng đèn, máy vi tính, máy in, máy chụp ảnh, quay phim, ĐTDĐ, các loại đầu đọc băng đĩa, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa; các loại hóa chất, dầu nhớt, mỡ, săm lốp, ô tô, xe máy…
Theo chuyên gia này, QĐ-50 chủ yếu hướng tới gắn trách nhiệm của các công ty sản xuất, nhập khẩu với các sản phẩm của mình. Chuyên gia này cho biết trước đây thông thường các sản phẩm được bán cho người tiêu dùng thì nhà sản xuất hoặc các công ty nhập khẩu chỉ có trách nhiệm trong thời gian bảo hành sản phẩm. Hết thời gian này coi như họ không còn liên quan gì nữa.
Tuy nhiên, QĐ-50 đã gắn nghĩa vụ của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trong trách nhiệm thu hồi nếu người dùng không muốn sử dụng, lưu giữ sản phẩm nữa.
“Ví dụ ở một số nước, các hãng như Canon hoặc HP thường có các điểm thu hồi các hộp mực in. Người dùng thay vì vứt vào sọt rác có thể mang các hộp mực đã qua sử dụng đến các điểm thu hồi này và nhà sản xuất có trách nhiệm xử lý sau đó”, chuyên gia cho biết
Không ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Theo chuyên gia này, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền quyết định với sản phẩm mà họ đã mua. Chuyên gia cho biết: “Nếu điện thoại, TV hay tủ lạnh của bạn dùng đã 20 năm, đã hỏng nhưng bạn muốn giữ lại làm kỷ niệm cũng không ai có quyền thu hồi của bạn. Tuy nhiên nếu thay vì muốn bán đồng nát hoặc vứt bỏ bạn có thể đem sản phẩm đến điểm thu hồi của nhà sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu”.
Theo các chuyên gia, QĐ-50 không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Cũng theo chuyên gia trên, QĐ-50 không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ có trách nhiệm chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, phần còn lại là công việc của các nhà sản xuất hoặc công ty nhập khẩu sản phẩm. “Ví dụ sau này các hãng như Samsung hoặc Nokia sẽ phải thành lập các bộ phận thu hồi trực tiếp hoặc thông qua các kênh phân phối của mình để nhận sản phẩm chuyển lại từ người dùng”, chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng với trình độ kinh tế và tiêu dùng như ở Việt Nam thì việc người dùng đem các sản phẩm cũ hỏng đến các điểm thu hồi có lẽ sẽ ít được lựa chọn. “Có lẽ với nhiều người đem các đồ vật cũ hỏng bán đồng nát để thu lại chút tiền là hành vi phổ biến hơn”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia trên cũng bày tỏ tin tưởng quyết định này ít nhiều sẽ có những tác động tích cực liên quan đến vấn đề môi trường ở Việt Nam.
Theo báo Thanh niên
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường