MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
MỘT THỜI TRƯỜNG XƯA
Đàn em kính chào các đàn anh,
Đệ vẫn lai rai vào Bản Tin (BT) trường nhà, cứ nhìn thấy biểu tượng ó trắng là lòng dậy bâng khuâng…
Là thế hệ đàn em, ngày xưa chưa từng được gặp các anh, bởi khi tụi em vào thì các anh đã ra trường mất rồi. Mặc dù vậy, lòng tự nhiên vẫn thấy ấm tình thân. Đệ có tí thắc mắc, là sao BT/HNC, ngoài các đàn anh 6067 thường xuyên xuất hiện giao lưu, post bài cho anh em đồng môn các thế hệ HNC cùng xem và vui ké, còn hiếm thấy các anh các bạn nhỏ hơn ở các khóa sau vậy hả các anh, sao thế nhỉ ? Phú em trông có anh em nào sàng sàng với mình xuất hiện đặng thoải mái ”mày, tao” như thấy các sư huynh nói với nhau vui quá.
Em, lớp hậu sinh, vô đây vui ké đàn anh, ăn nói đâu dám bừa bãi, thấy cũng hơi thiếu thiếu cái chất học trò. Tụi em hồi đó ba gayi mất dạy lắm, trong lớp có thằng Lê Như Đoàn, nó hiền lắm, nhưng cứ bị lũ rắn mắt tụi em áp danh là Ô Mã Nhi ! Sư huynh biết tại sao không ? Chỉ tại nó là con trai của thầy Tổng giám thị Lê Mộng Ngọ, mà thầy Tổng của mình thì, các anh biết rồi đó,có nước da ngăm đen. Thiệt là láo quá phải không, nhưng cả lớp đều khoái chá cười rinh rích nên Đoàn nhà ta cũng đành… ửng đôi má rất trắng… gượng gạo cười theo … số đông. Hết biết !
Nhớ đến các thầy cô, bạn bè cũ, vừa tự mím chi vừa thấy hối tuổi dại, bản thân em cũng lắm khi tai quái, ngỗ ngược, có lần bị thầy Tài giám thị phết cho một chiêu nhuyễn tiên phỏng đít. Số là, theo em nhớ, thầy có lẽ là quân nhân biệt phái sao ấy, mà nhiều hôm đến trường trong bộ quân phục kaki, mang cấp bậc hẳn hoi. Thầy hay sử dụng một khúc roi bằng dây điện cỡ ngón tay (đã móc bỏ lõi đồng, chứ không chắc… Hi) dạo dạo sân trường … phạt vi cảnh mấy thằng chửi thề, uýnh lộn…
Lên đệ nhị cấp, có lẽ bị thầy Ngọ chiếu kỷ quá, nên lũ mất dạy tụi em mới “trả thù dân tộc” lên thằng Ô Mã Nhi. Giờ chắc nó ở đâu bên Mỹ, chẳng biết có nhớ gì không, nếu có thì tha lỗi cho tụi tao.
Hiền từ nhất, có lẽ là thầy Trì Thịnh Huệ. Học trò như lũ … dưới ma một bậc, lờn mặt thầy mình hiền, tới giờ Vẽ như thể giờ xả ức chế, ồn hơn chợ. Ấy thế mà chẳng đứa nào bị lãnh cặp hột vịt hạnh kiểm. Có lần thầy cho vẽ tự do, mới lớp tám mà có thằng đạo mạo như triết gia. Nó vẽ một cái hình tròn sơn màu nước đen thui, nội tiếp trong cái tam giác tô màu vàng, đem nộp. Thầy cho cả lớp xem rồi bảo thuyết minh ý tưởng, nó ba hoa rằng, tam giác vàng là cái mả đất, còn hình tròn đen là vòng vây kín linh hồn trong ngục tối. Thằng này tên là Vĩnh, học trễ tuổi, nên hết lớp 9 nó nghỉ mất tiêu. Các anh biết không, thời đó chiến tranh, con trai mới nứt mắt đã sớm ưu tư vậy đó. Thầy Huệ cho bức vẽ của nó 18 điểm.
Nghiêm khắc, nhưng thương trò như con, phải nhớ thầy Nguyễn Viết Huấn dạy Lý – Hóa thời đệ nhất cấp. Hom hem sợ gió nhất, không quên thầy Phùng ngọc Cảnh dạy Quốc văn. Đứa nào nói Việt văn là bị rầy, người Việt phải gọi nền văn học mình là Quốc văn, thầy dạy thế ! Chửi trò ”xốc” nhất là thầy âm nhạc Lê Chiêu. Uýnh trò như đấu võ là thầy Chu dạy Hóa đệ nhị cấp. Hiền đến mức khi trò làm loạn mà thầy chỉ ”lặng lẽ nhìn tôi không nói năng” là thầy Bùi Trọng Kha dạy Toán.
Nhưng có một vị, em nhớ mãi,mà chắc ít bạn nhớ. Đó là thầy An. Thầy từ Chu Văn An thuyên chuyển qua trường mình và dạy tụi em có hơn tháng, lại đi mất. Hồi đó, em ngẩn ngơ nhớ thầy rất lâu mới thăng bằng tâm lý lại. Đó là một ông giáo trung niên,nói giọng Bắc. Thầy có lối dạy Văn em rất mê (nhưng hình như nhiều bạn không thích !).Thầy rất đa cảm và đậm nét hoài cổ, vẫn hay nói rất tha thiết rằng tôi là một ông Đồ.
Ông Đồ An ! Dạy thơ tiền chiến, thầy không đọc suông mà luôn luôn ngâm say sưa. Thầy đặc biệt mê, mà chính thầy bảo là ”Say”, thơ Vũ Hoàng Chương ! Em mất thầy từ đó .
Có một năm, trường mình vốn liên tục mấy mùa dự diễn hành các trường toàn SaiGon-
Gia Định,đều giật giải nhất. Kết quả tốt này, phần do công huấn luyện rất chuyên nghiệp và nghiêm khắc của thầy Thành, dạy thể dục. Nhưng rất quan trọng, là nhờ ở bộ đồng phục trường ta rất đẹp, không đâu sánh bằng : Mũ trắng, áo thun trắng có in đại bang trước ngực đẹp lẫm liệt ở trước và hàng chữ tên trường phía sau, quần xanh, giày đen, ghệt trắng, găng tay trắng. Đoàn HS/HNC diễn hành trong sân Cộng Hòa đẹp chẳng kém một đoàn chiến binh nào !
Thế rồi không biết thế nào đó, mà thầy Thành đột ngột rời HNC sang huấn luyện cho Võ Trường Toản. Đoàn Võ trường Toản liền được dùng bộ đồng phục theo mẫu HNC, chỉ khác màu vàng thay vì trắng như của chúng ta. Họ đẹp hẳn lên,nhưng công bằng mà nói, màu trắng và biểu tượng con ó HNC, thì toàn SG-GĐ không trường nào có trang phục đẹp bằng. Kỹ thuật đi cũng kém chúng ta,nhưng năm đó bạn vẫn tước mất danh hiệu vô địch của HNC. Nghe nói BTC thấy HNC đoạt giải nhiều năm rồi,năm nay VTT cũng same same, nên muốn khen ngợi động viên bạn một lần.
Hồi đó, thua ức quá, vì công tập luyện rất vất vả công phu. Giờ nhắc lại tuổi học trò để cùng hàn ôn, bạn VTT nào lỡ đọc xin đừng nghĩ HNC thiếu thượng võ, nhớ chuyện hờn dỗi xưa nha.
Hi.Coi vậy mà thế hệ tụi em trải qua 3 đời thầy Hiệu Trưởng đấy các sư huynh ạ. Đầu tiên, vào HNC, thầy Nguyễn Đức Hiếu đạo cốt tiên phong, đương nhiệm HT. Khi thầy được thăng Khu trưởng GD tỉnh, thì thầy Lâm Phi Điểu lên thay. Theo em biết, thầy Điểu là bạn với các ông Dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận, GS. Lý Chánh Trung dạy Triết ĐHVK/SG lúc ấy. Nhưng thầy Điểu không ở được lâu với HNC. Thầy đột quỵ vì TBMMN. Sau nhiều tháng nằm nhà thương, học sinh HNC rất cảm động thấy thầy đến trường bằng xe lăn. Mấy thằng ba gai nhất, trước cảnh thầy bệnh tật hiểm nghèo mà tấm lòng tận tụy với chức nghiệp như thế, đứa nào cũng im phăng phắc kính ngưỡng lúc xe đẩy thầy đi qua. Ít lâu sau, thầy mất.Toàn trường đeo tang trước ngực, tiễn thầy an nghỉ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi/SG.
Dịp ấy, bản thân em theo xe tang vào NT/MĐC, tình cờ nhìn thấy 2 ngôi mộ của cố TT.NĐD và ô.NĐN nằm khiêm tốn im lìm. Một cảm giác bùi ngùi len trong hồn thằng học trò em, trước mộ phần thiên cổ của những người mang tầm lịch sử. Rồi thầy Tâm kế nhiệm thầy Điểu đến ngày HNC đi vào quá vãng, tháng 4/75.
Từ năm học 75 – 76, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt làm Hiệu trưởng ngôi trường, giờ mang tên nhà nho thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu. Kỳ ức còn nhiều, em ghi lại phần nào gửi về Bản tin, hi vọng đồng môn cùng chia sẻ.
Lê Ngọc Phú (NK69-76)
Bạn Ngọc Phú thân mến,
Trong bài viết của Ngọc Phú (NK69), có câu hỏi “…hiếm thấy các anh các bạn nhỏ hơn ở các khóa… xuất hiện đặng thoải mái ”mày, tao” như thấy các sư huynh nói với nhau vui quá”.
Người phụ trách xin được hồi đáp như sau, các khóa trước và sau niên khóa 6067 đều có bài post về cộng tác trên trang nhà, nên không chỉ có khóa 6067 trên trang này, lý do một phần vì NK 6067 có 2 yahoogroups với khoảng trên vài trăm thành viên ở khắp nơi trên thế giới, thường liên lạc email trong yahoogroups để vấn đáp nhau hàng ngày.
Về những buổi họp mặt bỏ túi thì do từng nhóm lớp tổ chức, còn họp mở rộng toàn trường (các niên khóa, các lớp) do các niên khóa 63 – 64 – 65 mỗi năm hợp nhau tổ chức một buổi họp mặt Tất niên nơi sân trường cũ, quy tụ các niên khóa từ 1954 cho đến 1975, đồng thời còn có các trường bạn đến tham dự.
Để được mày tao, có thể Ngọc Phú kêu gọi các bạn tham gia vào trang nhà này, bởi đây là “sân chơi” chung cho mọi niên khóa, mọi lớp chứ không riêng của NK60-67.
Nguyễn Việt
Bạn xin lỗi không có nghĩa bạn SAI và người kia ĐÚNG.
Nhưng bạn xin lỗi nghĩa là bạn coi MỐI QUAN HỆ giữa bạn và người kia QUAN TRỌNG hơn điều đã xảy ra.
Trần Văn Tư (chuyển tiếp)
Rất hay đó Tư,
Tư có nhận xét về cách cư xử lịch sự giao tiếp xã hội đời sống Âu MỸ trong nhiều phong cách đời sống xã giao. Vì sự giao tiếp, văn hóa, đời sống văn minh đã đến với họ hơn ngàn năm nay trong những trào lưu văn hóa trao đổi giữa những nước Âu Châu nhất là Ý, Anh, Pháp, sự văn minh của họ đã hình thành rất sớm : xây dựng nhà thờ, cầu đúc, dinh thự, cung điện lớn lao từ thế kỶ thư 12, nghệ thuật điêu khắc hội họa chạm khắc trong những nhà thờ Ý, Pháp, Anh là vĩ đại (thời Gothic) văn hóa nghệ thuật, sách truyện, triết học, phim ảnh trình độ rất cao, sự đói thoại thâm thúy, cách cư xử văn minh của họ đã truyền thống lâu đời (VN cũng có, VN có nhiều như đối thoại Trạng Quỳnh đối lại Tàu, và Ba Giai Tú Xuất xỏ lá, chửi đổng trình độ cao).
Bên cạnh nhận xét cách cư xử xã giao trên, Tư có nhận xét thêm một điều nữa là sự CÁM ƠN Thank You. Merci. Họ rất trân trọng sự cám ơn trong mọi việc cũng là một cách cư xử lịch sự trong giao tiếp đời sống hàng ngày, song song với chữ XIN LỖI như Tư nhác ở trên.
Những thí dụ này Tư có để ý thấy không. Thí dụ như đối với họ việc gì làm họ cảm thấy giúp cho họ (cửa cho, đợi cửa cho người khác vào) thì họ cảm ơn ngay. Một thí dụ này : thí dụ họ mở cửa hay đợi cửa cho mình mà mình đi qua rồi không cám ơn họ thì họ nói : YOU’RE WELCOME. là nhắc khéo mình nên lịch sự cảm ơn họ. Nếu mình quên thì nên nói ngay Oh, thank You hay Oh, I’m sorry, TY.
Họ rất hay dùng những chữ lịch sự nhún mình xuống tôn trọng người khác lên như : I’m sorry, I’m very sorry, SIR. Thank you, How are you, You’re welcome là thường xuyên sự ngoại giao hàng ngày cũng là sự chào hỏi làm vui lòng nhau. Lời nói không mất tiền mua. Ở VN mình thì sao. Có tiến bộ hơn so với những năm về trước không ?
Việt B
Hay quá vậy, Tư
Trần Chấn Thanh
Hồi xưa VN có câu “bỏ đi tám”, cũng ý nghĩa ra phết.
Thu Cao
CUỘC SỐNG CỦA CHÚ MÈO NẶNG 15KG
Greedy Sponge Bob, chú mèo 9 tuổi, có trọng lượng gần 15kg đang khá vất vả với cơ thể của mình. Vì vậy chú đang thực hiện một chương trình ăn kiêng để có thân hình thon thả hơn.
Tại trung tâm nuôi động vật Animal Haven ở New York, Mỹ, các nhân viên đang có các bài tập thông minh để khuyến khích Bob chuyển động, hy vọng chú mèo thừa cân giảm được vài cân trong vài tháng.
Cô Kendra Mara cho biết : “Không hiểu vì sao Bob lại béo như vậy, có thể là chủ của nó đã cho ăn thức ăn khô hàng ngày và để cho chú ăn tự do”. (theo Thủy Linh)
6 TUYỆT TÁC BỊ
“MẤT TÍCH” ĐƯỢC TÌM THẤY
Đó là những tác phẩm hội họa nổi tiếng từng bị mất tích, hoặc bị coi như thuộc về những họa sĩ vô danh cho đến khi chúng được phát hiện lại và ra mắt trong sự ngưỡng mộ của công chúng.
1/- Bức Salvator Mundi của họa sĩ Leonardo da Vinci : Bức họa Salvator Mundi được Da Vinci vẽ vào khoảng năm 1500, mô tả Chúa Jesus Christ tay cầm một quả cầu. Salvator Mundi vẫn được cho là do một học trò của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci vẽ và từng được bán với giá 45 bảng. Tuy nhiên sau hơn 500 năm lưu lạc và được tìm lại, bức tranh đã được phân tích, thẩm định kỹ càng và chính thức được tuyên bố đây thực sự là tác phẩm do chính tay họa sĩ Da Vinci sáng tác.
2/- Bức “Chân dung quý bà với khăn trắng” của họa sĩ Rembrandt : Bức tranh của vị họa sĩ người Hà Lan được tìm thấy trong một bộ sưu tập cá nhân ở Texas vào những năm 1980 sau khi đã bị quên lãng trong nửa thế kỉ. Tác phẩm này được chứng thực một phần nhờ vào tấm gỗ sồi nó được vẽ lên. Tấm gỗ này được xác định là trùng khớp với những tác phẩm khác mà họa sĩ Rembrandt đã vẽ trên chất liệu này.
3/- Bức “Chân dung quý bà và con gái” của họa sĩ Titian : Vào thời điểm bức tranh được bán, nó vốn là một chế tác với hình quý bà có thêm đôi cánh và gương mặt biểu cảm giống thiên thần Raphael còn cô bé gái thì bị biến thành một cậu bé. Tuy nhiên sau khi được giám định bằng tia X vào cuối thế kỷ 20, người ta đã phát hiện ra bức tranh gốc của họa sĩ nổi tiếng người Ý – Titian. Theo các chuyên gia, rất có thể vào thời điểm mà họa sĩ Titian qua đời, các bức tranh chân dung phụ nữ không được thị trường ưa chuộng, vì vậy các phụ tá của ông đã tìm mọi cách để có thể bán được bức tranh. Sau khi bí mật được hé lộ, một nhà sưu tầm đã loại bỏ các phần tranh được vẽ thêm và mặc dù chưa hoàn thiện, bức tranh này vẫn là một kiệt tác.
4/- Bức “Chân dung Oscar Wilde” của họa sĩ Toulouose-Lautrec : Vị họa sĩ người Pháp Toulouse-Lautrec đã vẽ tặng bức tranh này cho người bạn lâu năm của mình, ngài Oscar Wilde. Người này vốn được biết đến là một nhà văn nổi tiếng gốc Ai-Len. Vào đầu năm 1895, ông vướng vào vụ kiện tai tiếng với hầu tước Queensberry và bị phạt 2 năm tù khổ sai. Đêm trước ngày xét xử ông, họa sĩ Toulouose-Lautrec đã dựa vào trí nhớ của mình để vẽ tặng Wilde bức tranh này. Bức tranh đã bị thất lạc khoảng nửa thế kỷ trước khi nó được một nhà sở hữu tư nhân giấu tên cho trưng bày tại thư viện Anh quốc từ năm 2000 đến nay.
5/- Bức “Cuộc tàn sát những người vô tội” của họa sĩ Peter Paul Rubens : Sau gần một thế kỉ bị đánh giá là tác phẩm của một họa sĩ vô danh, bức tranh của họa sĩ người Vlaanderen – Paul Rubens cuối cùng đã được xác thực là một kiệt tác bởi nhà đấu giá Sotheby vào năm 2002. Sau đó nó được bán với giá gần 50 triệu Bảng cho Ken Thomson, một ông trùm truyền thông Canada, người sau đó đã tặng nó cho Phòng tranh nghệ thuật Ontario, Canada.
6/- Bức “Chân dung thánh Augustine” của họa sĩ Caravaggio : Từ những manh mối được tìm thấy từ bức tranh này cho biết nó vốn thuộc sở hữu của một nhà quý tộc người Ý – ngài Vincenzo Giustiniani. Ông cũng được biết đến là nhà bảo trợ cho họa sĩ Caravaggio. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi bức tranh được cho là một tác phẩm của vị họa sĩ nổi tiếng này. Tuy nhiên bức tranh này cùng nhiều tác phẩm khác của họa sĩ Caravaggio đã bị mất tích một thời gian dài trước khi được phát hiện lại. Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ chiếu tia X vào năm 2000 và xác nhận rằng những nét vẽ cũng như kĩ thuật sử dụng màu thực sự thuộc về họa sĩ Caravaggio. (theo Phan Hạnh)
Mai Trung Tín post
ĐẶC TRƯNG MÂM CỖ
TRUNG THU KHẮP CHÂU Á
Vòng quanh các quốc gia châu Á xem cách soạnị mâm cỗ đón trăng tròn.
1/. Trung Quốc : Ở Trung Quốc, loại bánh truyền thống hàng năm là bánh nướng. Chiếc bánh này ở Trung Quốc mang ý nghĩa đoàn tụ, đoàn viên, dựa theo một tích cổ.
Theo đó, một vị tướng lĩnh là Trương Sỹ Thành, đứng đầu khởi nghĩa chống quân Nguyện đã làm 1 loại bánh trung thu nhét mảnh giấy ghi: “Bát nguyện thập ngũ dạ sát Thát tử” (Đêm 15/8 giết giặc Thái – quân Nguyên). Nhờ có mẩu giấy đó, dân chúng mới biết được thông tin, đoàn kết lại đánh giặc, và giành chiến thắng.
Ở một số vùng như Quảng Châu, người dân còn có thêm lệ ăn ốc bắt từ sông vào dịp trung thu. Ở Phúc Kiến là tục ăn thịt vịt vì theo họ 15.8 âm lịch là thời điểm vịt ngon nhất. Ở Đài Loan, ngoài bánh nướng, người dân còn ăn thêm bánh dứa.
2/. Việt Nam : Ở Việt Nam, ngoài bánh nướng, còn có cả món bánh dẻo với lớp vỏ bên ngoài trắng muốt, mềm, dẻo, nhân bên trong là thập cẩm hay cốm. Chiếc bánh thơm hương này có thể được làm theo dáng tròn hoặc làm hình con cá, khiến trẻ em càng thêm vui thích.
Ngoài bánh nướng, bánh dẻo, mâm cỗ trông trăng của người Việt thường có thêm quả bưởi, làm thành hình chú chó rất khéo, quả hồng và trà xanh tao nhã.
3/. Hàn Quốc : Ở Hàn Quốc, trung thu là một ngày lễ vô cùng quan trọng, kéo dài tới 3 ngày. Thời điểm này, người dân tụ tập, mừng mùa vụ, cúng tổ tiên.
Bánh Songpyeon là đặc sản của ngày lễ này. Bánh được làm từ bột gạo, nặn hình trăng lưỡi liềm, có nhiều loại nhân khác nhau như: hạt dẻ, vừng đen, các loại đậu xanh, đỏ… Một số đặc sản trung thu khác của người Hàn là miến trộn japchae, bánh jeon và hoa quả
4/. Nhật Bản : Ở Nhật Bản, tết trung thu được gọi là Tsukimi. Cũng giống như các quốc gia châu Á khác, cả gia đình tụ tập cùng ngắm trăng và ăn những món ăn truyền thống.
Món bánh được làm nhiều nhất vào trung thu là dango, làm từ bột gạo, không nhân hoặc nhân đậu, hoa quả, rưới nước sốt bên trên.
Người Nhật cũng có truyền thống uống 1 cốc sake vào dịp này và tìm cách nhìn thấy bóng trăng tròn in trên cốc vì cho rằng điều này sẽ mang lại may mắn. Bóng trăng tròn in đáy cốc cũng được cho là sẽ giúp bà mẹ hiếm muộn có con. Mâm cỗ trung thu Nhật cũng không thể nào thiếu được những bông lau dịu dàng trong gió.
Lan Hương post
BAO CAO SU
KHÔNG CHỈ DÙNG
CHO SEX
Những chiếc bao cao su vốn được dùng trong mục đích tế nhị lại được phát hiện trong sữa, súp, sữa chua, đồ đóng hộp…
1/. Phát hiện bao cao su trong suất cơm : Sự việc xảy ra vào cuối năm 2012 tại một trường đại học ở Bắc Kinh, TQ. Một sinh viên học tại đây đã phát hiện ra một chiếc bao cao su đã qua sử dụng trong suất cơm mua tại căng tin. Khi cậu sinh viên này thắc mắc với nhà bếp thì chỉ nhận được câu trả lời : ‘Đó chỉ là… da xúc xích’.
2/. Ăn hết hộp nước sốt, phát hiện bao cao su : Vào tháng 7/2011, một phụ nữ người Brazil đã mua một hộp nước sốt cà chua và rưới lên món thịt viên. Sau khi ăn hết, người phụ nữ mới phát hiện ra chiếc bao cao su trong hộp. Mặc dù nhà sản xuất khẳng định sản phẩm đóng hộp của họ được chế biến và đóng gói tự động nên hoàn toàn an toàn và đảm bảo.
Thế nhưng hãng sản xuất nước sốt cà chua ở Brazil này đã bị tòa án bang Rio Grande do Sul phạt và yêu cầu bồi thường tiền cho khách hàng.
3/. Tìm thấy bao cao su trong hộp sữa : Cô Milica ở Gunnilse, Thụy Điển đã vô cùng tức giận khi phát hiện ra một chiếc bao cao su trong hộp sữa Filmjolk.
Khi Milica rót nốt hộp sữa ra cốc thì một chiếc bao cao su, vỏ bao cùng một mẩu giấy cũng trôi ra ngoài. Milica quá sốc và không thể ăn uống suốt 2 ngày. Đại diện của hãng sữa Filmjolk khẳng định điều này không thể xảy ra và cho rằng một ai đó trong gia đình đã làm như một trò đùa.
Phía hãng sữa cũng nói thêm rằng, quy trình đóng gói khép kín và hệ thống lọc không thể cho vật thể quá to lọt vào hộp sữa.
4/. Phát hiện bao cao su trong sữa chua : Một người phụ nữ sống ở Quảng Châu,TQ đã phát hiện ra một chiếc bao cao su trong hộp sữa chua mua tại siêu thị Sanyuanli. Người phụ nữ này đã mua 4 hộp sữa chua vào trưa ngày 3/1/2012. Ngay sau đó cô đã bóc 1 hộp sữa chua và ăn ngay trong xe ô tô tại bãi đỗ xe ở siêu thị. Tuy nhiên, ngay khi ăn miếng đầu tiên người phụ nữ đã cảm thấy có vị tanh, mùi dầu mỡ và cao su. Cuối cùng, cô rất sốc khi phát hiện ra một chiếc bao cao su trong hộp sữa chua.
Khi mang hộp sữa chua quay lại siêu thị, cô không nhận được lời giải thích thỏa đáng. Siêu thị này cho biết, đây là lần đầu tiên họ gặp trường hợp như vậy.
5/. Bao cao su trong món súp nghêu : Vào tháng 2/2002, một phụ nữ đã phát hiện ra một chiếc bao cao su khi đang ăn món súp nghêu tại nhà hàng hải sản Mc Cormick & Schimick ở thành phố Irvine, bang California, Mỹ. Ban đầu, người phụ nữ này tưởng đó là miếng mực nhưng sau khi nhổ ra thì nhận ra đó là bao cao su. Người phụ nữ đã khiếu nại và chủ cửa hàng đã bồi thường đồng thời xin giữ kín vụ việc. (tin báo)
BÍ MẬT GHÊ NGƯỜI
PHÍA SAU NHỮNG TRÁI TÁO
Những trái táo Yên Đài nổi tiếng với vẻ đẹp căng mọng quyến rũ, sau thu hái được đóng hộp, đưa vào siêu thị, tiêu thụ khắp nơi và xuất khẩu sang các nước. Hoa quả Trung Quốc sở dĩ to và rất đẹp mã, bảo quản được lâu là nhờ công nghệ sử dụng các loại túi giấy tái chế tẩm thuốc trừ sâu loại cấm sử dụng để bọc từ khi trái còn non, khi trái chín sẽ cho mã đẹp, bảo quản tốt và bán rất được giá.
Nông dân Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc – vùng đất được mệnh danh là “thủ đô táo Tàu” này hàng ngày sử dụng hàng ngàn chiếc túi giấy tẩm thuốc sâu ấy để bọc táo, những trái táo này vào siêu thị, ra sạp hàng và lên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như các nước khác. Chưa ai đo lường mức độ độc hại của những loại trái cây được bọc túi tẩm thuốc sâu, nhưng chắc chắn người tiêu dùng sẽ cảm thấy sợ khi tận mắt chứng kiến những trái táo, trái lê Trung Quốc được trồng, thu hoạch và bảo quản như thế nào.
Những trái táo lúc còn non đã được bọc bởi một loại túi tẩm thuốc trừ sâu loại cấm sử dụng khi chín sẽ cho trái láng mượt, căng hồng và không bị nấm mốc. Những đốm trắng bên trong thành túi là bột thuốc trừ sâu.
H1/- Túi tẩm thuốc trừ sâu bọc trái cây được sản xuất hàng loạt. H2/- Những loại thuốc trừ sâu rẻ tiền không rõ nguồn gốc được mua về, pha chế không theo bất cứ công thức nào. H3/- Máy cán vỏ túi tẩm thuốc trừ sâu dùng để bọc trái cây non.
H4/- Do nhu cầu lớn, những xưởng sản xuất túi tẩm thuốc trừ sâu bọc trái cây Trung Quốc mọc lên như nấm sau mưa. H5/- túi giấy tái chế tẩm thuốc trừ sâu loại cấm sử dụng để bọc từ khi trái còn non
H6/- Nông dân Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc bọc trái táo từ lúc còn non để cho dòng táo quả to, láng mượt và bán được giá. H7/- Một cặp vợ chồng nông dân Yên Đài mang theo cả bao tải lớn túi thuốc sâu ra vườn táo. H8/- Vác cả tải bao thuốc sâu vào vườn táo.
H9/- Mở túi ra, những hạt bột thuốc trừ sâu màu trắng đục lấm tấm trên nền giấy tái chế đen kịt, bốc mùi hăng hắc. Phụ nữ, trẻ em và những người sức khỏe yếu nếu không dùng găng tay, khẩu trang sẽ bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi đi bọc táo. H10/- Những trái táo Yên Đài nổi tiếng khi chín rất đẹp mã, trên vỏ có một lớp phấn trắng không loại trừ có chứa thứ bột thuốc trừ sâu từ vỏ bao. H11/- Mùa táo chín, Yên Đài đón rất nhiều thương lái các nơi về thu mua. Những trái táo Yên Đài nổi tiếng sau thu hái được đóng hộp, đưa vào siêu thị, tiêu thụ khắp nơi và xuất khẩu sang các nước. (theo Thomas D. Tran)
Yên Huỳnh post
Filed under: BẢN TIN Tagged: TIN CHS.HNC, Tin tức
2014-11-24 18:00:07
Nguồn: https://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/09/26/ban-tin-2691365-ngay-26913/