Tu viện Phật giáo Taung Kalat, một trong những điểm đến tâm linh đặc trưng nhất của Miến Điện tôn thờ 37 vị thần huyền thoại với những câu chuyện bi tráng về con đường thành thần.
Tu viện Taung Kalat trên ngọn Taung Ma-gyi thường bị nhầm với ngọn núi Popa.
Miến Điện hay Myanmar, là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, giáp với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của mình, Myanmar bị cô lập với phần còn lại của thế giới khi chính quyền quân phiệt nắm giữ quyền lực tuyệt đối cai trị đất nước, khiến quốc gia này phải đối mặt với sự lên án của quốc tế vì vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, bất chấp các vấn đề xảy ra, Miến Điện vẫn sở hữu một quá khứ rực rỡ và một hệ thống các di sản phong phú. Một trong những ví dụ đầy cảm hứng chính là Tu viện Phật giáo Taung Kalat.
Taung Kalat (có nghĩa là đồi cột bệ) cách thành phố cổ Bagan khoảng 50 km về hướng Đông Nam, nằm ở Tây Nam núi Popa, một ngọn núi lửa trên dãy Pegu ở miền Trung Miến Điện. Taung Kalat chính là một đá nút (đá phun trào bít kín miệng núi lửa) mặc dù ngọn núi lửa hiện đã tắt. Đôi khi Taung Kalat cũng được gọi là núi Popa. Để tránh nhầm lẫn, ngọn núi lửa được người dân địa phương gọi là Taung Ma-gyi, nghĩa là ‘đồi mẹ’.
Taung Kalat được xây dựng ngay trên đỉnh núi nên du khách nào dũng cảm leo lên 777 bậc để lên tu viện Taung Kalat sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh bao quanh. Ngoài việc là một điểm du lịch, tu viện còn là nơi hành hương. Người ta tin rằng cách ngọn Taung Ma-gyi không xa là nơi sinh sống của các vị thần Nat.
Theo đức tin của Phật giáo Miến Điện, Nat là một nhóm các vị thần đóng vai trò bảo hộ cho con người và là linh hồn của núi rừng. Các thần Nat được thờ phụng ngay cả trước khi Phật giáo du nhập vào Miến Điện mặc dù đức tin này đã được sáp nhập vào giáo lý Phật giáo khi nó xuất hiện từ TK 3 TCN. 37 vị thần Nat đóng vai trò quan trọng trong thời gian tồn tại của đất nước chùa tháp. Hầu hết các thần Nat khi còn là sinh mệnh con người đều có một cái chết tàn bạo. Câu chuyện cuộc đời của các Nat có lẽ là những huyền thoại. Mặc dù tất cả 37 vị Nat được thờ trên Taung Ma-gyi nhưng chỉ có 4 thần còn tồn tại ở nơi này. Đó là Maung Tint Dai, Saw Me Yar, Byatta và Mai Wunna. Mỗi vị thần có một câu chuyện riêng thuật lại con đường họ trở thành thần Nat.
Nat là một nhóm các vị thần đóng vai trò bảo hộ cho con người và là linh hồn của núi rừng.
Theo truyền thuyết, Maung Tint Dai là một thợ rèn sống tại vương quốc bán huyền thoại Tagaung trong TK 6 TCN. Ông rất mạnh, ngay cả đức vua cũng e sợ. Vì vậy, nhà vua quyết định trừ khử Maung Tint bằng thủ đoạn gian trá. Đức vua thông báo tấn phong một trong những chị em của Maung Tint Dai làm hoàng hậu và mời người thợ rèn cung điện chung vui. Đến nơi, Maung Tint Dai bị bắt, trói vào cây chămpa vàng và thiêu sống. Em gái ông khi biết tin cũng đã nhảy vào ngọn lửa. Hai anh em Maung Tint Dai chết và trở thành thần Nat cư ngụ trong thân cây cháy. Bởi những người đi lại dưới gốc cây bị nguyền rủa nên nhà vua đã ra lệnh chặt bỏ và ném xuống sông Irrawaddy. Theo dòng nước và cây được cho là đã trôi dạt đến Bagan trong suốt thời cai trị của vua Thlgyang. Vua cho người vớt cây, tạc hình Maung Tint Dai cùng em gái ông và cất giữ trên đỉnh Taung Ma-gyi.
Truyền thuyết về Byatta và Mai Wunna kể về thời gian trễ hơn. TK 11, dưới triều đại của vua Anawrahta, Byatta là một người chạy rất nhanh đến từ Ấn Độ và làm nghề hái hoa cho vua Anawrahta. Ông có thể chạy 10 lần/ngày từ Bagan đến Taung Ma-gyi (khoảng 50 km) rồi quay trở lại để cung cấp hoa tươi cho nhà vua. Trong một chuyến đi đến Taung Ma-gyi, Byatta đã phải lòng Mai Wunna, một nữ yêu ăn hoa sống trên núi và có với nhau 2 đứa con trai. Khi vua Anawrahta biết chuyện, ông đã hành hình Byatta. Khi tin tức về cái chết của Byatta truyền đến Mai Wunna, bà đã chết vì quá đau lòng. Hai người cuối cùng đã trở thành các thần Nat và trú ngụ tại Taung Ma-gyi cùng với anh em Maung Tint Dai.
Huyền thoại của ngọn núi Popa vẫn còn rất dài và là một phần trong văn hóa Miến Điện. Sự phổ biến của phong tục thờ cúng trên đỉnh Popa là một minh họa thực tế rằng truyền thống cổ xưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày và trở thành nét đặc trưng cho nền văn hóa Miến Điện thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Theo Ancient Origins/Tinhhoa.net