Từ một kỹ sư địa chất vươn lên thành một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang cuối cùng đã “ngã ngựa” sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Đây cũng là nhân vật cấp cao nhất của Trung Quốc bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng và “tiết lộ bí mật quốc gia”.
Biệt thự của Chu Vĩnh Khang tại quê nhà.
Theo tin tức trên Nhân dân Nhật báo, ông Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người dân tộc Hán, gốc Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Ông là con trai cả trong gia đình có ba anh em. Trong giai đoạn 1961-1966, ông theo học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất tại Khoa Khảo sát và Thăm dò thuộc Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Ông Chu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1964.
Chu Vĩnh Khang từng là một kỹ sư làm việc tại đội khảo sát địa chất tại nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing.
Năm 1967, ông Chu khởi đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí với tư cách một thực tập sinh và sau đó là kỹ sư tại đội thăm dò địa chất của Nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing. Đây là một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.
Chu Vĩnh Khang giữ chức Thứ trưởng dầu khí trong giai đoạn 1985-1988.
Trong giai đoạn 1967-1985, ông Chu đã liên tục thăng tiến và đến giữa những năm 1980, ông đã trở thành Thứ trưởng ngành dầu khí. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Từ năm 1996-1998, ông giữ chức Tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNCP), công ty năng lượng lớn nhất nước này.
Chu Vĩnh Khang trở thành Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc năm 1998.
Năm 1998, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên. Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khóa 14 và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại khóa 15.
Năm 2002, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an.
Đến năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2012, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương. Năm 2012, ông Chu đã nghỉ hưu.
Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu năm 2012 sau 5 năm nắm giữ vị trí Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Tân Hoa Xã mới đây cho biết, ông Chu đã chính thức bị bắt và đang được chuyển sang cơ quan tư pháp, sau khi ông bị khai trừ khỏi đảng do “làm lộ bí mật của đảng và quốc gia”, “lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động Kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước”.
Ngoài ra, ông Chu cũng có liên quan đến những cáo buộc có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình và tiền.
Theo báo Đời sống & pháp luật
2014-12-06 22:08:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chu-vinh-khang-tu-dinh-cao-quyen-luc-den-khi-nga-ngua-a165532.html