Một bản đánh giá của chuyên gia Mỹ khuyên Đài Loan nên cố kéo dài thời gian để chờ Mỹ tiếp viện nếu nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Báo cáo của Trung tâm Chiến lược và đánh giá ngân sách, một tổ chức phi chính phủ ở Washington cho rằng Đài Loan nên từ bỏ cách phòng thủ truyền thống để sử dụng chiến thuật du kích và chiến tranh mạng vì chi tiêu quốc phòng của họ bị đại lục lấn át.
Báo cáo cho biết: “Với khoảng cách chi tiêu 14/1 (145 tỷ USD so với 10,8 tỷ USD năm 2013), ngay cả khi Đài Loan tăng ồ ạt ngân sách quốc phòng, cũng không thể đảo ngược những ưu thế mà Trung Quốc thu được trong 2 thập kỷ qua”.
Một tàu hải quân của Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Theo đó, trọng tâm của chiến lược phòng thủ của Đài Loan nên chú trọng vào ‘kéo dài’ bất kỳ một cuộc xung đột nào với Trung Quốc để chờ quân Mỹ đến tiếp viện. Báo cáo cũng chủ trương rằng Đài Loan nên có cách “tiếp cận phi đối xứng” để chống lại lực lượng mạnh hơn.
Với sự khác biệt trong sức mạnh quân sự, Đài Loan không nên cố kiểm soát các vùng lãnh hải mà nên lựa chọn một khu vực cụ thể để bảo vệ hoặc khởi động một cuộc phản công.
Báo cáo cũng gợi ý Đài Loan có thể xây dựng một hạm đội tàu ngầm mini với vài chục chiếc như Triều Tiên và Iran đang làm. Kế hoạch này sẽ rẻ hơn chi phí cho 8 tàu ngầm diesel lớn mà Đài Loan đang thực hiện.
Ở trên không, Đài Loan có thể áp dụng một kiểu “du kích” phòng không dựa trên hàng trăm tên lửa đất đối không. Chiến thuật này cũng nên được sử dụng để làm chậm bước chân của lực lượng Trung Quốc tiến về hướng Đài Bắc. Bên cạnh đó, tác chiến điện tử chống lại hệ thống mạng của lực lượng Trung Quốc cũng là một sự ngăn chặn hữu hiệu.
Tuy nhiên, Richard Fisher, chuyên viên cao cấp của Mỹ cho rằng đánh giá nói trên chỉ cung cấp cho Đài Loan về chiến lược phòng thủ. Trong thực tế, khi phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, Đài Loan không thể từ bỏ khả năng phòng thủ tầm xa với tàu ngầm truyền thống và máy bay chiến đấu hiện đại.
Joseph Bosco, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại Washington cũng đồng ý với Fisher là chiến thuật du kích không thay thế được cho phòng thủ tầm xa. Trong khi khuyến nghị Đài Loan cố gắng cầm cự để chợ viện binh Mỹ, chiến thuật này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với Washington và đảm bảo rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Fisher cho rằng Đài Loan nên cân bằng giữa khả năng phòng thủ tầm ngắn và tầm xa, cũng như xem xét đầu tư trong các lựa chọn công nghệ súng điện tử mới của Mỹ.
Trần Vũ (Theo Wantchinatimes)
2014-12-27 00:08:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-my-khuyen-dai-loan-co-cam-cu-cho-tiep-vien-a168628.html