Người phụ nữ bắt máy bay quay lại để đuổi tiếp viên- bà Heather Cho, là con cả của Cho Yang Ho, Chủ tịch Hanjin Group, công ty mẹ của hãng hàng không Korean Air.
Theo Bloomberg, hôm 5/12, Heather Cho, con gái Chủ tịch hãng hàng không Korean Air lệnh cho một máy bay mang mã hiệu 86, dự kiến bay từ New York về Seoul quay lại cửa xuất phát để đuổi một tiếp viên. Dư luận Hàn Quốc rất tức giận với hành động trên.
Sự việc bắt đầu khi một nam tiếp viên mời bà hạt Macadamia mà không hỏi trước, khi bà cũng đang đi trên chuyến bay trên. Sau đó, Cho đã hỏi tiếp viên này về quy trình phục vụ khách hàng loại hạt này. Vì không trả lời được nên anh ta bị bà đuổi việc. Theo quy định của Korea Air, trước khi phục vụ phải hỏi nhu cầu của khách hàng.
Do sự cố trên nên chuyến bay tới Seoul bị chậm mất 11 phút so với dự kiến.
Người phụ nữ bắt máy bay quay lại để đuổi tiếp viên- bà Heather Cho.
Sự việc đã gây sự bất bình trong dư luận Hàn Quốc. Tờ Dong-A llbo của Hàn Quốc cho rằng: “Bà Cho có thể la mắng thành viên phi hành đoàn vì phục vụ sai quy trình với tư cách là phó chủ tịch, nhưng luật hàng không nêu rõ, cơ trưởng mới là người giám sát phi hành đoàn”.
Tờ báo này còn chỉ trích, hành động của bà Cho là một ví dụ về “đặc ân” mà các gia đình đứng đầu các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) nước này đang tự cho mình có quyền được hưởng.
Dong-A llbo viết thêm: “Bà ấy đáng lẽ ra phải chấp hành các quy tắc với tư cách là hành khách và bà ấy đã vượt quá quyền hạn của mình”.
Tối ngày 8/11, hãng hàng không Korea Air đã lên tiếng xin lỗi hàng khách về vụ việc trên.
Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho hay đang điều tra vụ việc và khẳng định sẽ xử phạt nếu thấy có bất kì dấu hiệu vi phạm quy định hàng không nào.
Trong khi đó, công đoàn phi công của Korea Air cho rằng bà Cho và các nhà điều hành hãng hàng không Korea Air phải chịu trách nhiệm về sự cố trên và không được đổ lỗi cho phi hành đoàn.
Tuyên bố của công đoàn có đoạn: “Bà Cho phải chịu trách nhiệm vì đã sử dụng vị trí của mình để yêu cầu phi công lái máy bay về cổng xuất phát. Bà và ban giám đốc đã làm tổn hại danh tiếng của Korea Air”.
Bà Heather Cho, là con cả của Cho Yang Ho, Chủ tịch Hanjin Group, công ty mẹ của hãng hàng không Korean Air.
Bà Cho làm việc tại Koean Airlines từ năm 1999. Bà quản lý mảng kinh doanh và dịch vụ của hãng. Với vị trí quản lý này, Korean Airlines cho rằng bà Cho có quyền ra quyết định hợp lý để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cha của bà, ông Cho Yang Ho, là chủ tịch tập đoàn Hanjin bao gồm các công ty lớn như Korean Air, công ty vận chuyển Hanjin Shipping và Hanjin Transportation. Heather Cho là con cả trong 3 người con của ông. Hiện cả 3 người đều nắm giữ các vị trí điều hành tại hãng hàng không Korean Air. Ông Cho Yang Ho cũng đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc.
Ông Cho Yang Ho là chủ tịch tập đoàn Hanjin – công ty mẹ của hãng hàng không Korea Air.
Korean Air thành lập năm 1962 với tên gọi Korean Air Lines và thuộc sở hữu của Chính phủ Hàn Quốc. Hãng này thay thế hãng cũ là Korean National Airlines. Năm 1969, Korean Air Lines được Tập đoàn Vận tải Hanjin của ông Cho Yang Ho mua lại và trở thành công ty tư nhân, đổi tên thành Korean Air.
Trong những năm gần đây, Korean Air đã nâng cấp đội tàu bay và dịch vụ của mình và đã giành được nhiều giải thưởng và công nhận quốc tế. Với tình hình tài chính tốt trong năm 2005, Korea Air đã nhận được giải “Phoenix Award” (Giải thưởng Phượng Hoàng) từ Tổ chức Vận tải Hàng không Thế giới (Air Transport World (ATW) vì thành công của hãng trong việc vượt qua các thách thức trong ngành hàng không toàn cầu. Hãng này được độc giả của tạp chí Time bình chọn là một trong những hãng tốt nhất châu Á và hai lần nhận được giải Thủy Ngân (Mercury Award) về cung cấp dịch vụ trong chuyến bay.
Korean Air có một đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lớn là Korean Air Cargo. Năm 2005, Korean Air đã vượt hãng hàng không Lufthansa (Đức) để trở thành đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không lớn nhất thế giới.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-10 00:32:20