MASANOBU FUKUOKA sinh ngày 2 tháng 2 năm 1913 tại đảo Shikoku, Nhật Bản. Iyo, quê nhà của ông, là một thị trấn nhỏ trên bờ biển phía Tây cách thành phố Matsuyama 16 dặm. Gia đình ông đã định cư tại nơi này hàng trăm năm. Trên các sườn đồi rộng lớn tại Iyo (mà tầm quan sát có thể vươn đến tận Matsuyama), cha ông, Kameichi Fukuoka, trồng quýt. Những vườn cây ăn trái trên đồi, cùng với cánh đồng lúa mênh mông đã biến Kameichi trở thành chủ đất lớn nhất trong vùng. Kameichi là người có học thức. Ông hoàn thành tám năm học ở nhà trường, một điều hiếm có vào thời bấy giờ. Liên tiếp trong nhiều năm các lãnh đạo địa phương đã bầu ông vào chức vụ thị trưởng.
Mẹ của Fukuoka, Sachie Isshiki, một phụ nữ thuộc dòng dõi Samurai và cũng được học hành đầy đủ. Bà hòa nhã, dịu dàng, trong khi chồng bà thì nghiêm khắc và không cho phép bất kỳ sự hoang phí nào trong gia đình. Mặc dù vậy, trong hồi tưởng của Fukuoka, thời thơ ấu của ông là những ngày tháng nhàn hạ. Người nông dân thuê đất và trồng trọt trên đất của gia đình. Việc vặt duy nhất của ông – đứa con thứ hai trong sáu người con và là trưởng nam – khi ấy là gom củi sau giờ học mỗi ngày.
Gia đình ông có gốc rễ Phật giáo nhưng lại có một cái nhìn cởi mở đối với đạo Cơ đốc, tôn giáo đã du nhập vào Iyo từ rất lâu. Cậu bé Fukuoka khi đó đã quen với việc nhìn thấy các biểu tượng Cơ đốc giáo tại đền thờ Thần Đạo của gia đình. Nhiều năm về sau, ông sẽ gửi hai trong số những người con gái của mình vào học tại các trường truyền giáo.
Fukuoka học tại trường tiểu học của Iyo nhưng đến bậc trung học và cao hơn, ông phải lên Matsuyama. Do vậy, trong nhiều năm, mỗi ngày ông đạp xe đạp đến ga Iyo, bắt xe lửa đến Matsuyama và đi bộ trong quãng đường còn lại để đến trường. Ông được đánh giá là có sức học kém cỏi và luôn khiến thầy cô điên tiết. Một lần nọ vì quá bực tức trước đứa học trò bất trị, giáo viên dạy nhạc đã vung tay vào organ và làm hỏng luôn cây đàn duy nhất của trường. Mặc dù không bao giờ hứng thú với trường lớp nhưng ông đã thật sự ấn tượng bởi một bài giảng trong giờ văn chương. Đó là hãy nhanh chóng tìm lấy 5 người bạn để đến khi lâm chung có ít nhất 5 người khóc than cho mình.
Kỳ vọng Fukuoka sẽ là người thừa kế toàn bộ gia nghiệp tổ tiên, cha ông gửi ông đến trường Gifu Agricultural College, gần Nagoya, một đảo chính của Honshu. Gifu là đại học công với chương trình đào tạo ba năm hướng dẫn cho sinh viên những kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào việc canh tác trên quy mô lớn. Một lần nữa, Fukuoka tỏ ra thờ ơ trên giảng đường và chỉ hứng thú với việc cưỡi ngựa và làm những điều trẻ trâu. Đời sinh viên tóm tắt trong 2 tính từ ảm đạm và vô trách nhiệm. Tuy nhiên, dự cảm về một cơn khủng hoảng toàn quốc tràn vào cổng trường khi Nhật Bản thôn tính Mãn Châu vào năm 1932. Fukuoka và bạn bè đồng lứa vô cùng bất mãn khi bắt buộc phải dự những khóa học nâng cao kỹ năng quân sự lúc bấy giờ.
Tại Gifu, chuyên ngành mà Fukuoka theo đuổi là Bệnh Lý Học Thực Vật dưới sự giảng dạy của một nhân vật kiệt xuất, giáo Sư Makoto Hiura. Trong số những sinh viên vẫn thường đến văn phòng của GS. Hiura, Fukuoka tìm thấy một đồng sự tốt để cùng làm việc và chuyện trò. Tốt nghiệp năm 1933, thời điểm vô cùng khó khăn để kiếm một chỗ làm, GS. Hiura thuyết phục ông tiếp tục việc nghiên cứu tại Trạm Thí Nghiệm Nông Nghiệp ở tỉnh Okayama. 1 năm sau, ngài Hiura giới thiệu ông làm việc tại Cục Hải Quan Yokohama. Tại đây Fukuoka công tác ở Ban Kiểm Dịch Thực Vật.
[next]
Trong căn phòng thí nghiệm nằm trên đồi cao nhìn ra cảng biển thành phố, Fukuoka ngày qua ngày nghiên cứu bệnh lý, nấm và các loài gây hại trong các loại cây trái nhập cảng. Thời gian này được ông mô tả là “trong niềm ngạc nhiên phấn khích khám phá thế giới tự nhiên bằng chiếc kính hiển vi”.
Cứ ba ngày, ông lại kiểm tra các loại cây được gửi đến. Những giờ rảnh rỗi, ông tận hưởng cuộc sống nơi thành thị, hẹn hò mấy lượt. Tuy nhiên, trong năm thứ 3 tại Yokohama, ông phát hiện mình mắc phải căn bệnh viêm phổi cấp tính hay lao ở thời kỳ đầu. Lúc nằm viện, ông phải hít thở không khí lạnh như tiết trời mùa đông như một phần trong phương án điều trị. Bạn bè xa lánh vì sợ lây bệnh. Đến cả ý tá cũng vội vã tháo lui ngay sau khi kiểm tra thân nhiệt của ông vì căn phòng quá lạnh. Cô độc, đớn đau, Fukuoka sống trong sợ hãi về vận mệnh của mình. Năm ấy ông chỉ mới 25.
Sau khi hồi phục hoàn toàn và trở lại làm việc, Fukuoka trở nên xao lãng, cứ mãi nghĩ tưởng về những ngày buồn khổ, cận kề với cái chết. Ông ôm ấp trong lòng niềm ám ảnh khôn nguôi về sự sống và ý nghĩa đích thực của nó. Một đêm nọ, độc hành trên con đường dài xa vắng nơi ngọn đồi nhìn ra Yokohama, Fukuoka lê bước tới một vách đá. Ông nhìn xuống, tự hỏi điều gì sẽ xảy đến tiếp theo nếu mình nhảy xuống và thiệt mạng. Mẹ ông sẽ khóc than (chắc chắn) nhưng còn ai nữa. Nhớ lại câu nói của người giáo viên văn chương năm nào, ông thấy rõ rằng mình đã thất bại. Ông vẫn chưa có 5 người bạn, 5 người bạn đích thực, 5 người sẽ khóc khi ông qua đời. Fukuoka quỵ ngã vào một gốc cây du (elm) và chìm sâu vào giấc ngủ.
Bình mình đến cùng với thanh âm tiếng cò làm ông tỉnh giấc. Ông ngồi đó chiêm ngưỡng muôn vàn tia sáng mặt trời xuyên qua màn sương giăng sớm mai. Bốn bề chim hót vang lừng. Fukuoka chợt phát giác: “Trong đời này, thật sự chẳng có gì cả”. Chẳng có lý do gì để lo lắng về sự sống. Như ông viết ra sau này, ông đột nhiên hiểu rằng “tất cả những quan niệm mà mình bám víu bấy lâu chỉ toàn là những đơm đặt trống rỗng. Bao nhiêu thống khổ từ trước đến giờ chỉ là cơn huyễn mộng.” Và một điều gì đó (có thể) gọi là tự tánh (true nature) phơi bày, hiển hiện ngay trong phút giây ấy.
Fukuoka bắt tay ngay vào một cuộc đời mới. Ngày hôm sau, ông nộp đơn nghỉ việc, sung sướng dấn thân vào một hành trình hoàn toàn vô định. Lênh đênh trên biển khơi, bàn chân ông tìm đến đến Tokyo, Osaka, Kobe, Kyoto và cuối cùng là một hòn đảo ở phía Nam Kyushu.
Ông không tài nào nhớ nổi bằng cách nào mình đã tồn tại trong những tháng như thế, một cuộc sống chỉ dựa vào tiền lương thôi việc và lòng hảo tâm của những người mới quen trên đường. Chỉ biết rằng trong những ngày ấy, ông sốt sắng không ngừng tuyên truyền đức tin mà ông mới kiến lập: “Mọi thứ đều vô nghĩa”.
Tất nhiên, phần đông tránh né và xem ông như một tên lập dị. Chung cuộc ông dọn về quê nhà và rút vào ở trong một túp lều trên sườn núi.
Kiên định với niềm tin rằng con người nên để cho vạn vật chuyển hóa theo tiến trình tự nhiên, Fukuoka bỏ mặc vườn quýt vốn dĩ vẫn được thường xuyên cắt tỉa cẩn thận. Sau đó, ông lặng lẽ quan sát côn trùng tấn công, các cành cây mắc vào nhau và từng mảng màu xanh tươi bấy lâu dần héo tàn.
Cái chết của cả một sườn đồi bạt ngàn cây ăn trái giúp cho Fukuoka hiểu thấu bài học xương máu đầu tiên trong canh tác tự nhiên:
- Anh không thể nào thay đổi những kỹ thuật trồng trọt một cách đột ngột. Cây cối được chăm sóc lâu năm không thể nào thích nghi với sự bỏ hoang.
[next]
Năm 1939, Nhật Bản dấn sâu hơn vào chiến lược mở rộng quân sự ở phạm vi quốc tế. Diễn biến đó chắn ngang đời sống thanh bần của Fukuoka. Trước giờ ông chỉ phải đối mặt với những lo ngại của mẹ cha về hành vi quái đản của mình. Còn lúc này, khi mà chiến sự leo thang, thái độ “ẩn nấp” trên đồi quýt của trưởng nam ngài thị trưởng trở nên trái chướng trong mắt nhiều người khác. Cũng trong thời gian này, Fukuoka nhận được một số tài liệu gửi đến từ Trạm trưởng Trạm Thí Nghiệm Nông Nghiệp Kochi. Lắng nghe ước muốn của người cha, ông chấp nhận lời mời và chuyển đến Kochi, ở đầu bên kia đảo Shikoku. Ông sống hẳn tại nơi này 3 năm trong 5 năm tiếp theo.
Tại Kochi, nhiệm vụ Fukuoka và các đồng nghiệp là tập trung nghiên cứu việc ứng dụng những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm gia tăng sản lượng lương thực phục vụ cho chiến tranh. Tận dụng cơ hội, Fukuoka khuyến cáo người nông dân về việc lạm dụng hóa học trong trồng trọt. Ông cũng phụ trách một chuyên mục định kỳ mang tên “thủ thuật canh tác” cho một tờ báo địa phương.
Về mặt cá nhân, ông tiến hành rất nhiều nghiên cứu. Trong đó, ông so sánh sản lượng từ những vụ mùa thâm canh có sử dụng phân hữu cơ, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu với những vụ mùa không cần tới bất kỳ hóa chất phụ gia nào. Kết luận của ông là việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không thực sự cần thiết. Các chất phụ gia rõ ràng cho sản lượng cao hơn. Tuy vậy, giá trị kinh tế lại không quá chênh lệch nếu so với chi phí thu hoạch.
Như vậy, tại Kochi, Fukuoka ngày càng củng cố thêm những tâm đắc của mình về tính ưu việt của nông nghiệp theo lối tự nhiên so với nông nghiệp cần tới hóa chất hỗ trợ. Những nghiên cứu không ngừng nghỉ đã mang tới nền tảng khoa học xác đáng cho cái thấy “Không làm gì là tốt nhất” – triết lý mà ông sẽ đuổi theo suốt phần đời còn lại.
Trong các kỳ nghỉ, Fukuoka về thăm nhà ở Iyo. Mùa đông năm 1940, trong một dịp trở về như thế, người mai mối địa phương đã giới thiệu ông cho sáu phụ nữ trẻ. Một trong số đó, Ayako Higuchi, đã cảm mến và đồng ý thành thân. Họ cưới nhau vào mùa xuân. Masumi, con gái đầu tiên trong số 5 người con của họ, chào đời vào năm sau. Kế đến là bé trai Masato, và thêm 3 cô con gái nữa. Lần lượt là Mizue, Mariko, và Misora.
Tại Kochi, cách xa nhà, cách xa chiến trường, Fukuoka trầm mặc, thao thức về những vấn nạn của chiến tranh và hòa bình. Ông đã từng soạn tất cả những nghĩ suy đó, viết thành thư và gửi cho tổng thống Mỹ. Nhưng về sau ông không thể nhớ chính xác thời điểm nào mình đã gửi đi bức thư ấy. Sau đó, trong quyển Mu: The God Revolution, ông so sánh xung đột giữa các động vật trong tự nhiên với chiến tranh giữa con người và kết luận rằng (chỉ có) xung đột của con người dấy lên là bởi yêu thương và thù hận. Chúng thực sự man rợ. Chịu ảnh hưởng bởi Thiền Tông, ông tin rằng yêu và hận chỉ là 2 mặt của 1 đồng xu. Hai trạng thái đều thuộc tính người. Và cả hai chỉ là những đám mây của ảo tưởng. Ở điểm phân tích cuối cùng, ông cho rằng cái mà con người nhân danh là Tình Yêu thực chất chỉ là là yêu thương bản ngã của họ.
Fukuoka tòng quân trong những tháng tuyệt vọng cuối cùng của chiến tranh. Nhiệm vụ của ông, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, là xây dựng điểm cố thủ trên núi để củng cố hệ thống phòng ngự tại hòn đảo quê hương. Ông đã gắng cố hết sức để trở thành một quân nhân tốt. Nhưng khi nhìn lại những ngày tháng cầm súng, ông cho rằng, “Phần khủng khiếp nhất của chiến tranh đó là kẻ tham dự mất tất cả khả năng tư duy và trở thành loài sâu bọ.” Kết cuộc xoay chuyển chóng vánh làm ông “phấn chấn.” Ông và đồng đội cạo “biểu tượng hoa cúc của Nhật Hoàng trên vũ khí”, giao nộp súng và trở về nhà.
[next]
Những tháng đầu tiên khi Quân Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản là những tháng hết sức thê lương. Các quan chức địa phương như cha Fukuoka bị khai trừ khỏi bộ máy chính quyền. Tháng 10, Tướng Douglas MacArthur, người đứng đầu lực lượng chiếm đóng, tuyên bố cải cách ruộng đất. Cha của Fukuoka, trong niềm ăn năn về quá khứ của một điền chủ giàu có, đã cống nạp đất nhiều hơn hơn yêu cầu. Gia đình ông chỉ muốn giữ một tỉ lệ ba phần tám trên một mẫu ruộng. Nhưng bởi vì cải cách ruộng đất chỉ áp dụng cho vùng đất lúa, vườn cam ở các ngọn đồi vẫn thuộc sở hữu của họ. Ở tại đây, Fukuoka tiếp tục theo đuổi con đường làm nông mà triết lý là làm sao hoàn toàn hòa điệu với đất trời.
Những gì ông đã học được từ kinh nghiệm canh tác trước đó là không có mảnh đất nào, một khi đã trồng, được xem là tự nhiên. Vườn cây ăn trái của ông đã trái với tự nhiên rồi. Các loại cây quen với việc cắt tỉa cẩn thận sẽ không sai trái nếu đột ngột dừng việc cắt tỉa. Từ đó, Fukuoka hiểu rằng sản xuất nông sản bằng phương cách “Vô Tác” nghĩa là “không làm gì” sẽ đòi hỏi một tiến trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Phải “làm” rất nhiều để mới có cái gọi là “không làm”.
Nhiệm vụ của ông? Tạo ra một môi trường canh tác mà đặc tính càng ít khác biệt càng tốt so với khuôn mẫu tự nhiên đã định hình trong tư duy của ông.
Để học cách hoàn thành nhiệm vụ của mình, Fukuoka nói, “Tôi chỉ tập giữ cho tâm trí rỗng rang và cố gắng hấp thụ những gì mà mình phát hiện nơi thiên nhiên”. Vậy nên, trong những năm về sau, ông đã toàn tâm quan sát đời sống tự nhiên của các loài thực vật và động vật ngay trên chính mảnh đất của mình.
Ông phân tán các hạt giống trái cây, rau và cây trồng một cách ngẫu nhiên rồi ngồi nhìn một số sống sót, một số chết đi. (Bách, tuyết tùng, cam sống khỏe trên vườn cây ăn trái màu mỡ. Anh đào, đào, lê, mận thích hợp với nơi đất tơi và xốp hơn). Tiến trình THỬ rồi SAI nối đuôi nhau, việc canh tác của ông rất thụ động. Thay vì “làm điều này như thế nào?” thì câu hỏi của ông là “làm thế nào để không làm điều này?”. Suốt từng ấy năm chỉ độc quan sát thực nghiệm, cái nhìn sâu sắc ban đầu của ông (thời trai trẻ) về canh tác tự nhiên được kiểm chứng. Một hệ sinh thái gần-với-tự-nhiên hơn đã được tái thiết. Ông càng ít lao tác bao nhiêu thì độ màu mỡ của đất lại tốt lên bấy nhiêu. Đó chính là lý do vì sao Bốn Nguyên Tắc của Canh Tác Tự Nhiên, những kinh nghiệm mà sau cùng ông đúc kết, chỉ là một bản danh sách những gì không nên làm.
Thứ nhất, đất tự biến cải, quan sát của Fukuoka. Con người không cần thiết phải động tay làm những việc mà rễ, sâu và vi sinh vật làm tốt hơn mình. Hơn nữa, cày đất làm thay đổi môi trường tự nhiên và thúc đẩy sự phát triển của cỏ dại. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên của ông là:Không cày hoặc xới đất.
Thứ hai, trong một môi trường thiên nhiên chưa bị tác động, sự sinh sôi và hoại diệt có trật tự của các loài thực vật và động vật sẽ làm màu mỡ đất mà không cần tới bất kỳ sự can thiện nào từ con người. Sự suy giảm độ màu mỡ chỉ diễn ra khi đất trải qua quá nhiều vụ mùa để cung cấp lương thực hoặc cỏ nuôi gia súc. Việc dùng thêm phân bón hóa học giúp tăng sản lượng chứ không giúp ích gì đến chất lượng đất, đúng hơn là tình trạng ngày càng xấu đi. Ngay cả phân hữu cơ và phân gà cũng không thể cải thiện được nhiều, ông kết luận. Hơn nữa phân gà có thể gây ra các bệnh đạo ôn. Do đó, nguyên tắc thứ hai của Fukuoka là: Không phân bón hóa học hoặc phân trộn. Thay vào đó, ông đề xuất dùng một lớp thực vật bao phủ chẳng hạn như cỏ ba lá và cỏ linh lăng như một dạng phân bón tự nhiên.
Thứ ba, cỏ dại là kẻ thù của người nông dân ở khắp nơi. Và theo Fukuoka quan sát thì khi ông ngừng cày, lượng cỏ dại thưa thớt hẳn. Điều này xảy ra bởi vì cày thực sự khuấy động phần đất sâu trong đó ẩn tàng các hạt giống cỏ dại và tạo cho chúng cơ hội nảy mầm. Làm đất, do đó, không thể là một giải pháp cho vấn đề cỏ dại. Thuốc diệt cỏ hóa học cũng không. Cách làm này còn phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên và để lại độc tố trong đất và nước. Có một cách đơn giản hơn. Để khởi sự thì ta cần đả thông một điều là không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn cỏ dại.
Chúng ta có thể ngăn cản sự phát triển của cỏ dại bằng cách phủ rơm trên đất vừa mới gieo và trồng một lớp cây khác để phủ diện tích đất. Loại bỏ khoảng cách giữa các cây trồng thông qua việc tính toán cẩn thận thời gian gieo hạt cũng rất thiết yếu. Không diệt cỏ dại bằng làm đất hoặc dùng thuốc diệt cỏ là nguyên tắc thứ ba của Fukuoka.
[next]
Cuối cùng, giải quyết thế nào với sâu hại và bệnh tàn rụi?
Khi cánh đồng lúa và vườn cây ăn trái Fukuoka ngày càng biến đổi, tiệm cận hiện trạng của một hệ sinh thái tự nhiên (với sự gia tăng phát triển các giống cây trồng một cách phong phú và hỗn độn) thì chúng cũng đồng thời tạo nên một hệ sống gần tự nhiên cho các loại động vật nhỏ. Trong một môi trường như thế, Fukuoka lưu ý rằng sự cân bằng tự nhiên sẽ ngăn cản bất kỳ một loài giành được ưu thế: rắn ăn ếch, ếch ăn côn trùng và cứ như thế. Hơn nữa, sự phá hại của côn trùng và các bệnh thực vật chỉ xảy ra ở các cây yếu nhất và như vậy các cây khác mạnh hơn có được cơ hội sum suê sai trái. (Cây bị bệnh bạc lá lúa, ông nói, thực sự có thể cho sản lượng nhiều hơn những cây chưa bị bao giờ bị nhiễm bệnh).
Mặc dù các giải pháp hóa học có thể có hiệu quả chống lại sâu hay các bệnh hại cây trồng trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài chúng đem tới nhiều hiểm nguy. Bên cạnh sự nhiễm độc, phương cách này còn làm cho các cây vỗn dĩ yếu ớt, lệ thuộc thuốc có được cơ may tồn tại. Trả mọi thứ về bản chất, tự nhiên sẽ sàng lọc những loài có khả năng thích nghi cao nhất. Nguyên tắc thứ tư của Fukuoka: Không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hóa học.
Tôi cũng giống như người Ấn Độ vậy, vô cùng ấn tượng trước việc ông khước từ mọi lời mời chiêm bái các Phật tích hay điểm du lịch.
Lý do tôi chọn chia sẻ phần cuối cùng này trước là vì tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Rằng việc tin tưởng và dấn thân theo lối canh tác tự nhiên đòi hỏi một tâm thế Copernicus. Bạn có thể học hỏi kỹ thuật. Điều này sẽ mất thời gian. Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm. Điều này là do quá trình THỬ+SAI. Nhưng nếu tư duy của bạn vẫn còn lệ thuộc vào khoa học hay bạn vẫn còn tin rằng con người có thể thay đổi mọi thứ thì sẽ vô cùng khó để bạn có thể lĩnh hội được cái gọi là Natural Farming.
Vậy nên rèn tay chân, rèn thể lực để làm nông thì cần thiết. Nhưng cần thiết hơn và quyết định toàn cục là rèn tâm. Điều này vô cùng khó. Chúng ta đã thấy MF đã có trực giác vào sự VÔ TÁC… Rồi sau đó ông dùng quá trình quan sát thực nghiệm. Tư duy hay trí năng nhiều lúc trở nên vô nghĩa… Và người thầy tốt nhất chính là thiên nhiên…
Vậy nên tôi nghĩ bước đầu tiên là người học trò cần dành thì giờ và không gian để rèn luyện tâm trí mình… Như cách nói của MF, “giữ cho tâm trí rỗng không và cố gắng quan sát và hấp thụ tất cả những gì mà thiên nhiên đem tới…”
- Dạ Lai Hương -
*T/B: tôi vô cùng trân trọng những nỗ lực mà chị Hang Mai và XanhShop.com cùng những người bạn đang thực hiện để chuyển ngữ quyển
The One-Straw Revolution _(*)_
Tại Ấn Độ, ý tưởng của FUKUOKA đã có mặt trước khi ông đến đây. Trong chuyến thăm ba tháng khoảng thời gian 1987-1988, ông được nhìn nhận như là ông tổ của phương thức canh tác tự nhiên. Quyển The One Straw Revolution đã được lưu truyền rộng rãi và đọc bằng tiếng Anh. Và đến thời điểm chuyến thăm đầu tiên, một trong ba phiên bản tiếng địa phương (Malayalam, Marathi, Bengali) đã được in ra.
Với 52 phần trăm dân số vẫn phụ thuộc sinh kế vào làm nông và đánh bắt cá, người Ấn Độ công nhận những ưu thế trong lối canh tác tự nhiên chi phí thấp của FUKUOKA. Một số nhóm đã tiến hành thử nghiệm các kỹ thuật ông vào thực tế. Trước lời mời chiêm bái các di tích Phật Giáo nổi tiếng và các điểm du lịch hấp dẫn khác cùng với người nông dân, ông đã khước từ. Hành động này để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người bản địa. Tại bảy trường đại học nông nghiệp công lập và ba mươi địa điểm khác, ông đã có những buổi thuyết trình phương pháp cũng như giải thích triết lý làm nông của mình. Trong các bài nói chuyện, ông liên hệ nhiều đến lời dạy của Thánh Gandhi. Ông ca ngợi người Ấn Độ biết trân quý giá trị của triết học và chưa biến khoa học thành giáo điều. Mặt khác, ông mạnh dạn chỉ trích truyền thống của Ấn Giáo về việc sùng kính và tôn thờ loài bò. Tại Bhisva Bharati (ở Santiniketan), trường đại học được thành lập bởi Rabindranath Tagore, ông nhận được giải thưởng Desikottam từ Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Trong đó có một đoạn tuyên dương, “Ông là một ngôi sao sáng trong vũ trụ ….”
Tiếng lành về công việc cũng như tư tưởng của FUKUOKA bay xa khắp thế giới. Và biểu hiện rõ rệt nhất chính là lượng khách nô nức đến thăm trang trại của ông tại Iyo. Bên cạnh các nhà khoa học, nhà báo và nông dân từ nhiều quốc gia còn là những người thanh niên rất trẻ. Họ đã đến với chỉ độc chiếc balo trên vai, xin phép tạm trú, vào ở trong các túp liều mộc mạc trong vườn cây ăn trái và phụ giúp FUKUOKA công việc đồng áng.
Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, FUKUOKA không khuyến khích những vị khách đến và ở lại nữa. Ông thoái lui vào một cuộc đời ẩn dật để toàn tâm nghiên cứu và trầm tưởng. Ông sống cùng vợ trong nhà tổ tại Iyo được xây cất bởi ông nội của mình. Nhưng mỗi khi cần tập trung nghiên cứu và viết lách thì ông thích ở trong môi trường đơn giản hơn. Đó là túp lều đơn sơ trên những ngọn đồi. Ở tuổi bảy mươi lăm, ông vẫn vận động rất nhanh nhẹn và làm vườn trên 10 mẫu cây ăn trái cũng như 1 mẫu ruộng lúa mình.
FUKUOKA đã thành công về mặt thương mại. Sáu loại cam trồng tự nhiên của ông chiếm giữ được một thị phần ổn định trong số những khách hàng nội địa có ý thức về sức khỏe. Trong thời điểm bài viết này được chấp bút, ông giao khoảng 6.000 thùng cam (mỗi thùng là 3 pound) đến Tokyo mỗi năm.
Mặc dù đã liên tục cải tiến kỹ thuật canh tác của mình trong những năm qua, về cơ bản và cốt lõi, FUKUOKA vẫn giữ trọn vẹn cảm hứng từ cái nhìn sâu sắc thời trẻ. Đó chính là mọi nỗ lực của con người đều vô ích. Chủ nghĩa hoàn mỹ đích thực đã sẵn có nơi thiên nhiên. Đất Mẹ và Trời Cha cung cấp những gì tốt nhất cho sự sống còn của con người. Nhưng con người lại dùng trí năng làm méo mó đi chính sự khôn ngoan của mình. Khoa học hiện đại, cùng với những ngành công nghiệp và chính phủ đang dẫn dắt loài người đi xa, đi rất xa, xa rời khỏi thiên nhiên.
FUKUOKA tin rằng Nhật Bản ngày nay “đã nhúng chân quá sâu vào những gì gọi là thành tự khoa học thì làm sao một phương pháp làm nông (loại bỏ triệt để khoa học) có thể được lĩnh hội và áp dụng rộng rãi.” Đây là lý do tại sao đường hướng canh tác tự nhiên lại có nhiều hy vọng hơn ở những quốc gia như Ấn Độ, nơi chưa trải qua quá trình công nghiệp hóa hoàn toàn và có lượng lớn dân số tập trung ở vùng nông thôn.
Lặng nhìn những đổi thay nơi nhân gian từ trang trại thanh bình và tốt tươi hoa trái, nhà hiền triết FUKUOKA dao động giữa tin yêu và vô vọng. Có lẽ những thương tổn của trái đất là không thể cứu chuộc, ông thường nghĩ như vậy. Hoặc dã tâm tư đó quá bi quan và yếm thế thì với ông “việc chuyển đổi sang canh tác tự nhiên đòi hỏi một bước tiến toàn diện và sâu rộng mang tinh thần của Copernicus (DLH: Copernicus, người đề ra thuyết Nhật Tâm. Theo đó Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ.). Tất cả những đổi thay này không thể nào xảy ra chỉ sau 1 đêm.
Manila, tháng 9-1988
Anh ngữ: James R. Rush