Tại sao một số người trẻ có địa vị thấp lại thích dùng Iphone?
Thursday, December 4, 2014 19:21
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
1. Gần đây, báo chí đưa tin doanh số bán Iphone ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới. Thực ra, đây không phải là một thông tin bất ngờ cho những ai thường hay để ý xem những người xung quanh hay dùng loại điện thoại gì.
Điều đáng băn khoăn là trong số đông đảo tầng lớp thanh niên sử dụng Iphone, có một bộ phận không nhỏ những người lao động đơn giản và thu nhập thấp chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn bằng vài ba tháng lương của họ chỉ để mua một chiếc điện thoại đắt tiền, chỉ để nghe gọi, vào Facebook và chơi game? Bên cạnh những lý giải từ góc độ kinh tế, văn hóa hay nhân khẩu học… ta hãy thử nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính phân tâm học và tâm lý học đám đông.
2. Những người trẻ tuổi, làm công việc lao động đơn giản và thu nhập thấp thường có địa vị thấp trong xã hội, ít khi được người khác nhìn nhận, đánh giá cao và trân trọng, vì thế lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn họ là mặc cảm tự ti, thua kém những người xung quanh người đời. Khi cầm chiếc Iphone trên tay, đa số mọi người đều có cảm giác sung sướng và tự tin hơn hẳn. Bởi chiếc Iphone, với hình dáng tuyệt đẹp và chức năng sử dụng tiện lợi, vốn đã trở thành “biểu tượng về đẳng cấp” của thời đại công nghệ. Cái lý lẽ cho việc sử hữu chiếc điện thoại này rất đơn giản: vì nó có giá trị trong trong mắt người đời, nên khi nó là của tôi, tôi cũng trở nên có giá trị hơn, có đẳng cấp trong mắt người khác. Sự sở hữu trên phương diện vật lý ở đây để lại một hệ quả tích cực trên phương diện tâm lý. Chính vì trong vô thức khao khát cái cảm giác tự tin đó, nên người ta không thấy tiếc tiền khi mua Iphone. Phân tâm học gọi đây là hiện tượng “đồng hóa” (identification): chiếc Iphone trở thành phần mở rộng cho cái tôi thấp bé của họ. Cơ chế phòng vệ của cái tôi (ego-defense mechanism) cần phải làm như vậy để tránh cho cái tôi khỏi quá tải khi mang nặng mặc cảm tự ti trong tâm hồn.
3. Bản chất con người vốn có xu hướng chạy theo đám đông, mà một số người gọi là “tâm lý bầy đàn.” Từ các nghiên cứu về tâm lý học đám đông cách đây hơn một thế kỷ của Gustave Le Bon đến các nghiên cứu về khoa học thần kinh những năm gần đây đã cho thấy từ suy nghĩ đến cảm xúc và hành động của mỗi người đều có thể dễ dàng lây lan sang những người khác, nhất là ở những đám đông vô thức.
Đám đông vô thức là tập hợp của những người có ý thức mờ nhạt về bản sắc cá nhân. Họ không biết mình là ai trong cuộc đời này, đâu là ý nghĩa cuộc đời mình, đâu là điều mình tin tưởng và khát khao theo đuổi. Đa số người lao động đơn giản hiện nay trong xã hội đang sống trong tâm lý như vậy. Họ không suy nghĩ nhiều về bản thân và cuộc sống, họ chỉ đơn giản sống như bao người khác xung quanh, bắt chước theo đám đông mà không hề suy nghĩ về lựa chọn của mình. Và việc họ mua Iphone cũng nằm trong lối sống đó. Họ mua Iphone đơn giản vì hầu hết những người xung quanh và đặc biệt là những người có địa vị cao hơn họ, đều dùng chiếc điện thoại này.
4. Trộm nghĩ, việc hiện nay những người nói trên và xã hội nói chung đang tôn sùng một chiếc điện thoại như Kinh Thánh và người sáng tạo ra nó như Chúa Trời, chính là một minh chứng điển hình cho lời nhắc nhở của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, trong cuốn di cảo Dịch Kinh Tường Giải, cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại Thái Âm, tức thời đại con người sa đà vào những lạc thú phàm tục của thế giới vật chất.
Theo Viet Psychotherapy
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo