Một lái xe chạy Uber cho biết, sức hút hiện nay từ Uber, chủ yếu nhờ… thông tin “bị cấm”. Càng có nhiều đồn thổi về việc cơ quan chức năng xử phạt, các hãng taxi kiện, thì lượng người tò mò về dịch vụ càng tăng.
Càng bị cấm, Uber càng đắt khách
Thông tin trên báo BizLIVE, Không nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người, dịch vụ xe gọi Uber những ngày qua thật sự đã có “thu hoạch lớn”, với mật độ người dùng tăng lên không dừng.
Chỉ cần nhắn thông tin muốn trải nghiệm dịch vụ Uber trên mạng xã hội Facebook, đã nhận ngay nhiều tin nhắn cung cấp code ưu đãi từ nhiều bạn bè trực tuyến. Chỉ cần gõ mã code giới thiệu của người dùng vào phần mềm Uber, tài khoản “thuê xe” của người dùng đã tăng ngay 100 ngàn đồng, và người giới thiệu cũng được hưởng số tiền như vậy. Chiêu khuyến mãi này của Uber đã khiến dịch vụ lập tức lan rộng tại TP.HCM với cấp số nhân!
Một lái xe chạy Uber cho biết, sức hút hiện nay từ Uber, chủ yếu nhờ… thông tin “bị cấm”. Càng có nhiều đồn thổi về việc cơ quan chức năng xử phạt, các hãng taxi kiện, thì lượng người tò mò về dịch vụ càng tăng. Điều quan trọng là sau khi tò mò gọi thử, gần như khách hàng nào cũng ưng ý về dịch vụ, bởi giá rẻ hơn taxi từ 20–30%; thái độ lái xe lại thân thiện và thanh toán rõ ràng.
Tổ chức dịch vụ Uber còn rất thận trọng khi liên kết thông tin chặt chẽ với khách, sau mỗi cuốc xe đều gởi mail báo cáo lịch trình, cước xe, thông tin vận tải, tài xế… và mời gọi đánh giá chất lượng lái xe cho khách. Do đó, từ chỗ chỉ tò mò, lượng hành khách gọi Uber để sử dụng tiện ích đã tăng vọt.
Minh bạch phản hồi với hành khách về thông tin sử dụng đang là 1 ưu điểm của dịch vụ Uber.
Mức độ lan tỏa dịch vụ Uber rất nhanh chóng. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang là những thành phố sẵn sàng đón nhận Uber, và thực tế theo nhiều người, dịch vụ này đã bắt đầu “tấn công” vào những thị trường tiêu dùng này.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, đây thực sự là làn sóng tiêu dùng rất hiện đại, dễ dàng thuyết phục người tiêu dùng tham gia. Mấu chốt ở chỗ, trong khi ngành vận tải có những ý kiến phản đối, thì… ngành tài chính lại “lặng lẽ vui mừng”.
Nếu khéo đón đầu, lượng người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, tài chính ghi nợ, như mở thẻ VISA, tín dụng ghi nợ… sẽ tăng nhanh trong kênh tài chính!
“Hiệu ứng tiêu dùng này, nếu tập trung PR tốt, sẽ tạo tâm lý rất tốt trong cộng đồng, khác xa với những đợt chiến dịch mời gọi người ta mở thẻ mà các ngân hàng từng tổ chức lâu nay, có đợt tốn đến hàng trăm triệu đồng triển khai. Giờ đây, khi nhiều người làm quen với thanh toán trực tuyến khi mua sắm, đi lại, như với Uber, dĩ nhiên họ sẽ nghĩ đến việc sở hữu 1 tài khoản VISA!”, một cán bộ quản lý ngân hàng Techcombank phân tích như vậy.
Rõ ràng với động thái gia tăng người dùng và cơ hội cho hoạt động tài chính, Uber đang được cộng đồng chú ý hơn, và điều này đã thực sự trở thành mối lo cho hoạt động vận tải công cộng lâu nay, nếu những nhà quản lý và đầu tư vẫn giữ nguyên kiểu tư duy cũ “khách cần phải đi”.
Thủ tướng chỉ đạo xem xét loại hình taxi Uber
Tin tức trên báo Tuổi Trẻ, Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) hoạt động tại Việt Nam.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber). Hiện nay, dịch vụ này vẫn đang hoạt động, chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT phối hợp với UBND TP.HCM giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM liên quan đến việc xem xét cho phép taxi Uber hoạt động tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ mạng để điều hành của Uber là hoạt động hoàn toàn mới so với hoạt động của các hãng taxi tuyền thống. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu để có giải pháp quản lý loại hình doanh nghiệp này, trong đó có việc xem xét vi phạm (nếu có) của Uber.
Trước đó, như đã đưa tin, xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 6 vừa qua và mới đây tại Hà Nội, Uber được giới truyền thông trong nước nhắc đến nhiều bởi tính hợp pháp của nó.
Đến ngày 4/12, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội có văn bản kiến nghị ngừng hoạt động taxi Uber vì lo ngại loại hình này cạnh tranh thiếu lành mạnh với taxi thông thường.
Tiếp sau đó, Hiệp hội taxi TP.HCM cũng gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan, đề nghị xem xét tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của phần mềm ứng dụng Uber tại Việt Nam.
Uber là tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để kết nối tài xế và hành khách bằng thao tác nhấn nút đơn giản. Tập đoàn Uber có trụ sở chính tại Mỹ đã thành lập trên 30 công ty con tại nước ngoài kể từ năm 2012 đến nay. Tại Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam được thành lập và thuộc sở hữu của Công ty Uber International Holding B.V ở Hà Lan. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-18 16:08:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/uber-cang-bi-cam-cang-dat-khach-thu-tuong-chi-dao-xem-xet-a167292.html