AirAsia đã ba lần thâm nhập thị trường vì thấy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, song đều bất bại, do những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu vốn cũng như thương hiệu của nước sở tại.
3 lần nỗ lực đều bất thành
Tin tức trên Vietnamnet, cách đây gần chục năm, AirAsia đã “để mắt” tới thị trường hàng không Việt Nam. Sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Việt Nam là thị trường thứ tư trong khu vực Asean mà hãng này muốn đẩy mạnh phát triển hàng không giá rẻ.
Cơ hội đến với hãng vào năm 2005, thời điểm Chính phủ tái cơ cấu hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific), năm 2005. AirAsia khi ấy là một trong 3 ứng viên (cùng với tập đoàn đầu tư Temasek của Singapore và tập đoàn hàng không Qantas – Úc) tham gia góp vốn vào Pacific Airlines.
Tuy nhiên, AirAsia không thành công vì không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn. Hãng này muốn góp vốn bằng giá trị máy bay, trong khi Pacific Airlines cần tiền mặt để vực dậy hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, theo ông Lương Hoài Nam – khi đó là Tổng giám đốc Pacific Airlines, Bộ Tài chính đã không chọn AirAsia vì họ trả giá thấp hơn so với Qantas với mô hình hàng không giá rẻ Jetstar.
Sau thất bại đó, tháng 8/2007, lần thứ hai AirAsia tỏ ý đầu tư vào thị trường hàng không Việt Nam khi đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia. Hãng góp khoảng 30 triệu USD (khoảng 480 tỷ đồng lúc bấy giờ), tương đương 30% vốn, trong đó có 1/3 là tiền mặt.
Một chiếc máy bay của AirAsia.
Trách nhiệm của Vinashin trong việc thành lập liên doanh này có được sự phê chuẩn của Chính phủ, giấy phép từ cơ quan quản lý hàng không và triển khai các thủ tục cần thiết khác để thành lập một hãng hàng không mới. Còn phía AirAsia tiến hành mua máy bay, dự kiến 9 chiếc, cũng như chuẩn bị các điều kiện khác để vận hành một hãng hàng không giá rẻ.
Song, dự án đầu tư này cũng bất thành. Văn bản xin phép của Vinashin đã bị từ chối, với lý do, thời điểm đó, Chính phủ chưa có chủ trương cho thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.
Lần thứ ba, AirAsia quyết tâm đầu tư làm hàng không giá rẻ tại Việt Nam khi liên doanh với VietJet Air.
Tháng 2/2010, AirAsia thông báo đã mua 30% cổ phần của VietJet Air. Người chuyển nhượng cổ phần cho AirAsia là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông phổ thông nắm giữ 30% cổ phần của VietJet Air.
Tháng 4/2010, AirAsia tiến thêm một bước với kế hoạch thành lập liên doanh VietJet AirAsia, khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VietJet Air, để giúp hãng hàng không tư nhân này sớm khai thác các hoạt động bay tại thị trường Việt Nam.
Dự kiến, VietJet AirAsia sẽ cất cánh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, việc đầu tư này gặp trục trặc, khi điều kiện tiên quyết: VietJet Air phải được phép sử dụng thương hiệu AirAsia cho các hoạt động thương mại, đã không được cơ quan quản lý chấp thuận. Sau gần 2 năm chờ đợi và đeo đuổi liên doanh với VietJet Air, AirAsia đành phải thoái vốn và từ bỏ tham vọng của mình.
Ông chủ hãng hàng không AirAsia, Tony Fernandes năm nay 50 tuổi là một Doanh nhân giàu có của Malaysia.
Cổ phiếu AirAsia giảm kỷ lục sau vụ máy bay mất tích
Thông tin trên VOV, sau khi máy bay QZ8501 của hãng bị mất tích ngày 28/12, cổ phiếu của AirAsia đã giảm tới gần 13%.
Theo tờ News.com.au, cổ phiếu của hãng đã sụt giảm ở mức nhanh nhất trong vòng 3 năm qua xuống còn 2,60 ringgit (hơn 0,7 USD) tại thời điểm mở phiên ngày 29/2, và tiếp tục giảm tới 7,82% vào chiều cùng ngày.
Các nhà đầu tư đã nhanh tay xả số cổ phiếu của hãng AirAsia ngay đầu phiên giao dịch. Song các hãng du lịch cho biết, vé của hãng vẫn được đặt trước nhiều, và thậm chí còn không hề được giảm giá. Nhiều du khách vẫn bay của hãng AirAsia mà không chuyển sang hãng khác.
“Nếu chiếc máy bay này được tìm thấy sớm thì cách nhìn nhận của chúng tôi về AirAsia vẫn không thay đổi, chúng tôi vẫn muốn đặt vé của hãng”, một nhân viên du lịch của công ty Flight Centre cho biết.
“Tuy nhiên, nếu việc tìm kiếm kéo dài mà không tìm ra chiếc máy bay này, có thể hành khách sẽ lo lắng và sẽ không bay của AirAsia nữa. Điều này sẽ khiến giá vé giảm theo giống như đã từng xảy ra sau vụ MH370 và MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines”, nhân viên này nói.
Ông Shukor Yusof, thuộc công ty nghiên cứu hàng không Endau Analystics nhận định, dù cổ phiếu giảm giá nhưng các nhà đầu tư cũng như các quỹ tín dụng vẫn ủng hộ AirAsia.
“Phản ứng của thị trường là khá tự nhiên. Tôi không mấy ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng niềm tin của các nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại bởi hãng AirAsia có một mô hình kinh doanh rất hiệu quả”, ông Yusof nói.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, ảnh hưởng của việc giảm giá cổ phiếu sẽ chỉ là ngắn hạn, bởi các hãng hàng không giá rẻ đang thu được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-29 18:16:23
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-airasia-3-lan-dau-tu-hut-vao-vn-a168978.html