Theo những nghiên cứu mới nhất cho thấy, virus HIV đã có nhiều chuyển biến so với trước đây tại khu vực châu Phi. Các nhà khoa học tại đại học Oxford đã tiến hành lấy mẫu virus HIV tại Botswana và Nam Phi để tiến hành nghiên cứu. Trong khi bệnh dịch HIV đã bùng phát tại Botswana vào những năm 1980, còn tại Nam Phi là vào những năm 1990. Cũng có nghĩa là tại Botswana, virus HIV đã có một khoảng thời gian phát triển lâu hơn.
Tuy nhiên sau khi đem các mẫu virus HIV về phòng thí nghiệm để theo dõi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng: Virus HIV tại Botswana lây lan chậm hơn so với mẫu virus lấy từ Nam Phi, điều đó cũng có nghĩa chúng mất nhiều thời gian hơn để phá hủy hệ miễn dịch của con người và chuyển sang giai đoạn AIDS.
Các nhà khoa học cho biết hệ miễn dịch của chúng ta có khả năng thích nghi và phát triển để chống lại các virus có hại xâm nhập cơ thể. Theo đó, khoảng 15% người dân ở miền Nam Châu Phi có hệ miễn dịch phát triển hơn, có khả năng nhận biết các protein quan trọng thuộc virus có hại để ngăn chặn. Trong những trường hợp như vậy, bắt buộc các virus và virus HIV phải thay đổi các protein của bản thân chúng để tránh bị phát hiện. Những sự biến đổi như vậy khiến các virus này trở nên yếu hơn và ít có khả năng gây bệnh. Khi chúng lây nhiễm cho những người khác, các virus này vẫn giữ dạng protein mới, mà nhờ đó qua một khoảng thời gian dài các căn bệnh cũ trở nên ít nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó một lý do khác khiến cho virus HIV có chiều hướng yếu đi là do việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc HIV. Với việc phát hiện và sử dụng thuốc HIV sớm đã góp phần ngăn chặn các virus HIV chuyển hóa thành dạng nguy hiểm hơn. Số lượng người được tiếp cận với thuốc điều trị HIV tại châu Phi đang tăng lên trong những năm gần đây, từ 5 triệu người năm 2010 đến nay đã là 13,6 triệu người.
Trong khi kết quả của cuộc nghiên cứu này cho thấy nhiều tín hiệu rất khả quan, các nhà khoa học vẫn cánh báo rằng sự phát triển của virus HIV tại châu Âu và châu Mỹ có thể rất khác với tại châu Phi. Do đó mà cuộc chiến chống lại đại dịch HIV trên toàn thế giới vẫn còn rất cam go.
Tham khảo: newscientist.
2014-12-02 18:40:09