Nhiều gia đình đã bán đất, nhà ở rồi ra ở trọ để có tiền gửi vào những sàn vàng kinh doanh trái phép.
Theo tin tức trên TTXVN, ngày 13/1, Phòng Cảnh sát phòng chống công nghệ cao (PC50) cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội vàng (HGI) Phùng Quốc Huy (sinh năm 1985, trú tại Số 10, đường La Thành, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về hành vi kinh doanh trái phép.
Cùng với Phùng Quốc Huy, cơ quan công an còn tiến hành tạm giữ các đối tượng: Đặng Thị Kim Dung (sinh năm 1977, cổ đông của công ty HGI), Nguyễn Đức Chung (cổ đông-đồng sáng lập công ty HGI), Lưu Thị Thanh Trà (vợ Chung), Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng quản trị), Trần Thị Lan (sinh năm 1974), Lưu Quang Tùng (sinh năm 1979, đều là nhân viên kỹ thuật) và Vũ Văn Linh (sinh năm 1978) cùng nhiều đối tượng khác để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép.
Trước đó, cơ quan điều tra nhận thấy hoạt động kinh doanh sàn vàng ảo tại Hà Nội nhằm dụ dỗ khách hàng góp vốn đầu tư để chiếm đoạt đang diễn biến phức tạp.
Phòng PC50 đã phát hiện một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội vàng (HGI- có trụ sở thành tầng 3,4 tòa nhà Artex số 172 Ngọc Khánh phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và có chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) đã có hành vi kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép.
Cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét và bắt giữ tại trụ sở Công ty HGI – Ảnh: Báo Dân Trí
Theo điều tra, Công ty này thành lập tháng 5/2009, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay.
Công ty tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, có website hgi.com.vn và sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài.
HGI đã sử dụng phần mềm này cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ có thanh khoản lớn với cách thức như sau: Trên sàn, khối lượng giao dịch của mỗi lệnh mua bán được tính bằng lot (100 ounce), giao dịch tối thiểu là 0,1 lot/lệnh và tối đa là 8 lot/lệnh.
Nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch mua bán vàng, bạc, dầu và ngoại tệ như USD, JPY, Euro…
Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ với công ty để được cấp tài khoản và sau đó được hướng dẫn tải phần mềm từ website.
Nhà đầu tư sẽ nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách nộp tiền mặt, sử dụng Internet Banking để chuyển tiền vào tài khoản của HGI. Số tiền được quy đổi ra điểm tương ứng 1 điểm = 21.000 đồng.
Cơ quan điều tra xác định, đến nay có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại công ty này.
Bên cạnh việc kinh doanh vàng tài khoản, từ tháng 5/2012 đến nay, công ty HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với số lợi nhuận cam kết với khách hàng là:
Mức 1, kỳ hạn ủy quyền 3 tháng, tỷ suất lợi nhuận 1,5%/tháng. Ở Mức 2, kỳ hạn ủy quyền là 6 tháng và tỷ suất lợi nhuận là 1,8%/tháng. Tương tự, ở Mức 3, kỳ hạn ủy quyền là 1 năm, tỷ suất là 2%/tháng.
Khi giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên sẽ nhận được 0,3% số tiền của nhà đầu tư ủy thác, nhân viên kế toán hưởng 2,5% số tiền đó.
Công ty HGI đã nhận của các nhà đầu tư với số tiền 270 tỷ đồng và đến nay công ty không có khả năng thanh toán.
Đối với hoạt động huy động vốn, công ty HGI nhận ủy thác đầu tư. Số tiền này công ty đã sử dụng để mua 5 hecta đất tại Phú Quốc với giá 10 tỷ đồng, xây dựng xưởng gốm với số tiền 20 tỷ đồng. Số tiền còn lại công ty huy động được đã sử dụng để chi trả lương thưởng và kinh phí hoạt động của công ty.
Riêng tại chi nhánh Đà Nẵng có 61 khách hàng ủy thác đầu tư với số tiền 14,3 tỷ đồng, 531 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với số tiền 15,7 tỷ đồng. Số tiền thu được tại chi nhánh Đà Nẵng đã được chuyển ra Hà Nội và đâu tư vào một công ty tại Mỹ với số tiền 15 triệu USD.
Điều 159. Tội kinh doanh trái phép 1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; b) Mạo nhận một tổ chức không có thật; c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; d) Thu lợi bất chính lớn. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. |
Kết quả ban đầu, cơ quan công an xác định hành vi “Kinh doanh trái phép” của công ty HGI đã vi phạm điều 159 Bộ luật hình sự. Hiện phòng PC50 đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra mở rộng.
Ngày 12/1, cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ 4 máy chủ chứa dữ liệu của công ty, khám xét khẩn cấp trụ sở HGI và chi nhánh tại Đà Nẵng, thu giữ 7 máy tính, ổ cứng, máy tính xách tay, tài liệu hóa đơn.
Tại cơ quan điều tra, Tổng giám đốc Phùng Quốc Huy khai nhận, chính anh ta cũng được thuê làm Tổng giám đốc với mức lương 22 triệu đồng/tháng. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ đối tượng chủ mưu. Theo thông tin từ Thượng tá Hà Thị Hằng, hiện các đối tượng đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hòng thoát tội.
Theo Thượng tá, sở dĩ HGI có thể hoạt động ngang nhiên trong suốt 5 năm qua và thu hút được nhiều người đầu tư đến vậy chính là nắm bắt được sự thiếu hiểu biết cùng tâm lý hám lãi suất cao của người dân, đồng thời, “chóp bu” của HGI rất khéo léo vẽ ra cho nạn nhân hình ảnh về một công ty có trụ sở hoành tráng. Thượng tá cho biết thêm, nhiều người sau khi đầu tư vào công ty còn động viên, lôi kéo cả những người thân trong gia đình tham gia.
“Người dân trước khi có ý định bỏ tiền vào đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về tính hợp pháp của công ty để tránh thiệt hại về tài sản cũng như tinh thần,” Thượng tá Hà Thị Hằng khuyến cáo.
Tham gia kinh doanh sàn vàng: Tiền mất, tật mang…
Nhiều gia đình tan nát
Theo báo Dân Trí, trong buổi chiều ngày 13/1, có mặt tại trụ sở cơ quan điều tra, nhiều người tham gia vào sàn vàng HGI ngồi ủ rũ một góc, khuôn mặt tất thảy đều lộ rõ vẻ thất vọng khi vừa hay tin sàn vàng trái phép này đã bị bắt.
Ông Vũ Tiến Thịnh (56 tuổi, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm) buồn chán cho hay: “Qua một số con cháu trong nhà giới thiệu, đầu năm 2014 tôi có đem tiền gửi vào Công ty HGI để lấy lãi hàng tháng với mức lãi suất 1,5%. Do không nắm rõ pháp luật nên giờ công ty bị bắt tôi mới bàng hoàng nhận ra tiên gửi của mình có nguy cơ mất trắng”.
Ông Thịnh chia sẻ, số tiền ông gửi vào HGI lên tới hơn 1 tỷ đồng, ngoài tiền của gia đình còn có tiền của bạn bè cùng tham gia nhờ gửi để lấy tiền lãi hàng tháng. “Mỗi lần nộp tiền, tôi đều mang tiền mặt đến tận công ty để đưa cho các nhân viên”, ông Thịnh nói.
Hiện gia đình ông Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì toàn bộ số tiền của gia đình đã ném vào công ty HGI và còn thêm khoản tiền nợ từ bạn bè và người thân.
Lâm vào hoàn cảnh còn éo le hơn, ông Ngô Hồng Quân ở Hào Nam, Hà Nội khi nghe lời giới thiệu của bạn bè đã bán ngôi nhà đang ở đi được hơn 1 tỷ đồng để gửi vào công ty HGI lấy tiền lãi sau đó cả gia đình đi thuê nhà trọ để ở.
Sau những tháng đầu phấn khởi nhận được tiền lãi, đến thời điểm sàn vàng Khải Thái ở Hà Nội bị triệt phá, ông Quân mới hốt hoảng định đi lấy lại tiền gửi nhưng phía Công ty HGI cho biết không có khả năng chi trả.
“Giờ tôi không còn biết làm gì để sinh sống khi toàn bộ số tiền đã đem đi gửi, cả gia đình giờ đang phải đi ở trọ vì nhà đã trót bán”, ông Quân buồn rầu chia sẻ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-13 16:40:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/danh-sap-san-vang-khung-nhieu-gia-dinh-ban-nha-di-o-tro-a170913.html