Những đại gia tuổi Mùi này khá kín tiếng. Có người thậm chí chưa từng xuất hiện trên báo giới nhưng khối tài sản của họ không hề khiêm tốn. Đa phần đều có khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đại gia tuổi Mùi kín tiếng trăm tỷ
Các đại gia tuổi Mùi khá kín tiếng. Có người thậm chí chưa từng xuất hiện trên báo giới nhưng khối tài sản của họ không hề khiêm tốn. Đa phần đều có khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trong các đại gia tuổi Mùi, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) là người giàu nhất. Vị đại gia sinh năm 1955 sở hữu hơn 21 triệu cổ phiếu HHS. Tính theo giá chốt năm 2014, hơn 21 triệu cổ phiếu HHS của ông Hạ tương đương 470 tỷ đồng.
Gia đình ông Hạ còn giàu hơn nếu tính cả 10 triệu cổ phiếu HHS thuộc sở hữu của vợ và hai con trai ông Hạ.
Sinh năm 1967, ông Đinh Quang Chiến cũng là một trong những vị đại gia tuổi Mùi lừng danh nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, ông Chiến đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các công ty bất động sản và chứng khoán.
Ông Chiến đang là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB), Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà 19 (SJM) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt (SVS).
Khác với bầu Đức, ông Vượng, bầu Long – những người chỉ sở hữu cổ phiếu công ty của gia đình, danh mục đầu tư của ông Chiến khá lớn. Ông có cổ phiếu NTL, SEB, SJM, SJD, SVS. Các cổ phiếu này mang về cho ông Chiến khối tài sản trị giá hơn 250 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy
Ông Nguyễn Văn Tô, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) sở hữu hơn 5,2 triệu cổ phiếu HDG. Kết thúc phiên giao dịch 31/12/2014, HDG tăng 900 đồng/CP lên 33.500 đồng/CP. HDG mang về cho ông Tô khối tài sản lên đến 175 tỷ đồng. Nhờ HDG, vị doanh nhân sinh năm 1955 đã lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
ACB là ngân hàng sở hữu nhiều cái tên nổi tiếng như “đại gia ngân hàng” Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ tuổi Trần Hùng Huy và cả… bầu Kiên. Nhưng không nhiều người biết, ngân hàng ACB có một bóng hồng rất quan trọng. Đó là bà Đặng Thu Thủy.
Bà Đặng Thu Thủy quan trọng không chỉ vì nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị ACB. Bà Thủy quan trọng vì là vợ của ông Trần Mộng Hùng, mẹ của ông Trần Hùng Huy. Bên cạnh đó, bà Thủy nắm giữ số lượng cổ phiếu ACB không hề khiêm tốn: hơn 10 triệu đơn vị.
Chốt năm 2014 ở mức giá 15.400 đồng/CP, cổ phiếu ACB khiến khối tài sản của nữ đại gia sinh năm 1955 đạt tới con số 155 tỷ đồng. Vị trí trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam của bà Thủy khá khiêm tốn.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII) không phải là “ngôi sao” trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội nhưng ông Nguyễn Văn Dũng lại là một trong những đại gia tuổi Mùi giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Dũng nắm giữ gần 1,4 triệu cổ phiếu KSA và 4,6 triệu cổ phiếu BII. Các cổ phiếu này có giá trị khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Dũng đại diện cho KAS sở hữu hơn 130 tỷ đồng cổ phiếu BII.
Trần Ngọc Henri là vị đại gia có cái tên “Tây” nhất. Vị đại gia sinh năm 1955 nắm giữ hàng loạt chức vụ quan trọng tại nhiều công ty khác nhau. Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (TrieuAnHospital), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Địa ốc Ngân Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Thương mại Địa ốc Bình Chánh và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Sài Gòn Á Châu.
Hiện tại, mới chỉ có duy nhất BCI niêm yết nên ông Trần Ngọc Henri khá “nghèo” với “chỉ” 100 tỷ đồng. Nếu cổ phiếu của các công ty kể trên niêm yết, thứ hạng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện.
Nữ quyền “át vía” nam quyền trong giới đại gia Việt
Theo quan niệm thông thường của người Á Đông, con trai, đặc biệt là trai trưởng thường được ưu tiên kế nghiệp cơ nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian dài trở lại đây, nữ giới lại tỏ ra có nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp của cha mẹ hơn là nam giới.
Mới đây nhất, Nguyễn Ngọc Huyền My, cô em gái “không danh phận của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai gây xôn xao dư luận khi lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, sau đợt phát hành riêng lẻ để cấn trừ công nợ của Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Ngọc Huyền My có thêm 39 triệu cổ phiếu QCG. Trước đó, em gái Cường đô la chỉ nắm giữ hơn 180.000 cổ phiếu QCG. Tại thời điểm chỉ là cổ đông nhỏ lẻ, Huyền My đã thể hiện vai trò to lớn của mình tại công ty trong mối quan hệ vay – nợ phức tạp trị giá hàng trăm tỷ đồng với Quốc Cường Gia Lai.
Em gái Cường đô la ngày càng khẳng định vị thế của mình tại Quốc Cường Gia Lai Với thị giá 9.500 đồng/CP, hơn 39 triệu cổ phiếu của Nguyễn Ngọc Huyền My có giá khoảng 370 tỷ đồng. Nhờ khối tài sản khủng này, cùng với mẹ, Huyền My trở thành tỷ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong thời gian dài trở lại đây, nữ giới lại tỏ ra có nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp của cha mẹ hơn là nam giới. (Ảnh minh họa).
Masan được đánh giá là ông lớn ngành hàng tiêu dùng. Trên thương trường, thương hiệu Masan đi đôi với hình ảnh ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan. Xét về tên tuổi, ông Quang đứng số 1 ở Masan. Nhưng xét về tiền, ông Quang lại đứng sau vợ của mình, bà Nguyễn Hoàng Yến.
Trong nhiều năm trở lại đây, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị Masan thường xuyên đứng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản hơn 1.500 tỷ đồng. Ông hoàn toàn “mất tích” trong danh sách này khi chỉ nắm vài cổ phiếu MSN.
Khoảng cách “giàu – nghèo” giữa hai vợ chồng vị đại gia này càng được nới rộng hơn khi bà Yến liên tục mua vào hàng triệu cổ phiếu MSN.
Cũng tại Tập đoàn Masan, ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đông quản trị cũng đang “nhường” sự giàu có cho vợ. Sở hữu gần 16 triệu cổ phiếu MSN, ông Hùng Anh thường xuyên có tên trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trong tháng 12, vị đại gia này công bố đã bán hết số cổ phiếu MSN mà ông nắm giữ.
Nhiều người cho rằng số cổ phiếu này được ông Hồ Hùng Anh chuyển sang tên vợ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. Tuy nhiên, hiện tại, Masan vừa công bố, bà Thủy mới mua hơn 3 triệu cổ phiếu MSN.
Ngoài ra, trong năm 2014, các con gái của nhiều đại gia khác như ông Đặng Thành Tâm, ông Nguyễn Quang Hòa cũng mạnh tay mua vào cổ phiếu. Trong khi các “cậu ấm” lại khá im hơi lặng tiếng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-04 16:32:14