Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Thời điểm năm 1941 nước Pháp bị chia đôi, Paris nằm ở lãnh thổ bị Đức chiếm đóng, còn phía Nam thì vẫn nằm trong tầm quản lý của Thống chế Pétain. Thế chiến bắt đầu giai đoạn đẫm máu, khốc liệt nhất sau khi Đức bất ngờ tấn công Liên Xô 22/6/1941. Lúc cao điểm nhất có tới 80 nghìn người Việt Nam (thời đó vẫn bị gọi là An Nam) khoác áo “lính” của Pháp và ở châu Âu. Lính có 2 loại:”lính thợ”-làm lao động chân tay cho Pháp-Đức; “lính chiến” –các tiểu đoàn quân đội Pháp, nhưng thực chất toàn người Việt được tuyển mộ để đánh nhau với Đức. Thời đó Việt kiều tại Pháp có nhưng số lượng rất ít! Tại Paris có khoảng gần một nghìn người Việt đang theo học đại học, cao đẳng, hoặc đã học xong đang đi làm hay lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ…
Câu chuyện bắt đầu từ trường đại học Cầu đường Paris. Đây là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của Pháp, với phương châm tuy hơi tếu nhưng nói lên đòi hỏi rất cao của sinh viên trường này :“Người tốt nghiệp cầu đường phải biết làm bất cứ việc gì, kể cả làm cầu đường!”( và quả thật sau này ông Caquot-thầy giáo nổi tiếng của môn sức bền vật liệu, một trong những người đề xướng và áp dụng “bê tông dự ứng lực”, “linh hồn” của trường- sau 1945 được Chính phủ Pháp De Gaulle giao cho trọng trách phụ trách toàn bộ công cuộc tái thiết đất nước). Đây là trường trước kia của Hoàng Xuân Hãn, Xuphanuvông…(và cách đây chỉ vài năm thôi một trong 6 giảng đường lớn của trường Cầu đường được gắn tên Hoàng Xuân Hãn để tri ân người học trò kiệt xuất của trường vì thành tựu to lớn ở các lĩnh vực chính trị, khoa học kỹ thuật và công lao đối với nước Pháp!). Phạm Quang Lễ (tên thật của Trần Đại Nghĩa) vừa tốt nghiệp xong, và với bằng này ông có quyền xin học tiếp ở rất nhiều trường khác, lúc này ông học đồng thời ở trường Điện và trường Hàng không. Ông được một “đàn em” cùng trường-sinh viên năm cuối Trần Hữu Phương-mời tham gia cùng với anh em trong trường thành lập ra một sân chơi cho tất cả đồng hương. Gọi là “anh em” chứ tại trường lúc đó mỗi năm chỉ có một sinh viên Việt Nam-dưới năm Phương một năm là Trần Lê Quang, mới vào trường là Nguyễn Hy Hiền. Vì Phạm Quang Lễ quá bận học nên chỉ hứa sẽ cùng tham gia với anh em, thế nên mọi người rủ thêm Trần Văn Du (sinh viên của Alfort-một dạng của Viện vệ sinh dịch tễ). Và thế là ra đời “Hội ái hữu của những người Đông Dương ở Paris”!
Mấy sinh viên trường đó ngoài học cầu đường theo chính khóa còn hay chạy sang học ké thêm ở Sorbonne và College de France thế nên góp tiền nhau, tìm thuê ngay cạnh đó một gian nhà ở tầng một, rộng chỉ sáu bảy chục mét vuông, sơn sửa lại, mua bàn ghế và thậm chí mua cả một cái piano. Tất nhiên trong lúc Đức chiếm đóng, thời chiến như vậy thì Hội ra đời phải xin phép nhà cầm quyền Đức rồi, nhưng khi biết tiêu chí hoạt động của Hội là trợ giúp đồng hương Paris và đấu tranh với Chính phủ Pháp về vấn đề độc lập cho Đông Dương thì Hội nhanh chóng được chấp nhận cho hoạt động.
Với tài tổ chức của Hội trưởng Trần Huy Phương (có những lúc là Trần Văn Du làm thay hội trưởng, nhưng chưa bao giờ là Hoàng Xuân Mẫn như báo chí hay viết vậy) địa điểm này nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của đồng hương Việt Nam ở Paris. Họ thường tụ tập nhau vào chủ nhật hay thứ bảy, góp tiền liên hoan nhẹ, uống trà, trao đổi tin tức quê nhà, bàn chuyện học hành rồi bao giờ cũng đi đến chủ đề chính trị. Sau một thời gian, cũng vì lý do chính trị, Hội đổi tên thành “Hội Ái hữu của những người Việt Nam ở Paris”-tức là các hội viên tự thấy nếu có đấu tranh cho chủ quyền độc lập, thì phải từng nước đấu tranh chứ không thể hô hào cho cả Đông Dương được, và đây chính là tiền thân của các “Hội Việt kiều” ở Paris và Pháp sau này. Võ Quý Huân, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mẫn (cháu cụ Hoàng Xuân Hãn), Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông…là những hội viên tích cực nhất. Sau này có cả anh em lính thợ cũng qua lại Hội, rồi nhiều ông cố đạo người Việt cũng hay đến. Hội bắt đầu đủ mạnh để có thể tổ chức được cả những chương trình văn hóa nhỏ, ví dụ mời danh cầm Thái Thị Liên, vợ của ông Trần Ngọc Danh-sau này là đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp-sang biểu diễn…
Lúc đó ngoài học ra, các nhà trí thức trẻ tất nhiên phải quan tâm đến chiến sự xung quanh. Càng học hành cao, thì họ càng không thể nuốt được cái cảm giác ê chề là dân của nước thuộc địa đồng nghĩa với sự lạc hậu, nghèo hèn (mặc dù quả là đúng như vậy thật!!). Và càng nặng nề hơn nữa khi họ nhìn thấy “mẫu quốc” Pháp là thực dân sừng sỏ ngày nào, giờ đây bị Hitler chia cắt và sẽ nuốt dần thôi. Sau nữa họ lại thấy Liên Xô và quân đồng minh quyết chiến với phát xít Đức như thế nào, trong chiến cuộc đó Pháp chỉ có một vai trò quá nhỏ bé, không tương xứng! Thế mà nước Pháp rệu rã ấy vẫn một mực áp đặt chế độ thuộc địa lên những nước như Việt Nam, quyết không nhả ra! Gần như tất cả hội viên của Hội Ái hữu cảm nhận được rõ ràng và thống nhất rằng PHẢI ĐẤU TRANH MỚI CÓ ĐỘC LẬP-những người yêu nước trẻ tuổi này rất nhanh đi tới kết luận đó và sau này khi có nhiều thông tin hơn thì rất cảm tình với đường lối đấu tranh của Hồ Chí Minh.
Thời đó thủ lĩnh của “cộng sản thứ thiệt” ở Paris là bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, ông là đảng viên cộng sản Pháp từ lâu và cũng là đàn anh của sinh viên lứa những năm 40. Ông đã nổi tiếng học giỏi từ khi còn ở nhà, đã học xong ra đi làm bác sỹ, nhưng chính bản thân lại liên tục đau ốm phải nằm viện liên miên, nên rất ít khi anh em ở HAH thuê xe đón ông từ viện về Hội để gặp gỡ, mà thường có gì cần hỏi thì vào thăm ông Viện ở trong bệnh viện. Cảnh thường thấy là ông Viện nằm trên giường bệnh, ôm quyển từ điển Anh-Pháp đọc liên miên rồi khoe “hôm nay tao học xong chữ O”-tức là ông cứ thế học hết từ này đến từ khác, trang này đến trang khác, thế mà ông nhớ hết và sau này rất giỏi tiếng Anh! (Phải nói thêm là sinh viên Việt ở Pháp thời đó chỉ bắt đầu học tiếng Anh khi Anh bắt đầu tham gia cuộc chiến, và phải nghe đài Anh để có thông tin chính xác về chiến sự toàn châu Âu…). Vậy nên các trí thức, sinh viên người Việt lúc đó chỉ biết đến cộng sản qua hình tượng Đảng cộng sản Pháp là chính, còn biết về Hồ Chí Minh qua đấu tranh giải phóng dân tộc tại quê nhà (cũng có tin tức thường xuyên trên báo Pháp, nhưng anh em phải tìm thêm nhiều nguồn khác nhau để chọn lọc…). Và phải khẳng định rằng từng sinh viên-hội viên của Hội Ái hữu tự tìm hiểu về chính trị chứ không hề có sự tuyên truyền, nhồi sọ, lôi kéo từ bất cứ phía đảng phái nào!
Năm 1945 Đức thua trận, quân đồng minh Anh-Mỹ giao trả nước Pháp cho tướng Le Clerc-tướng bộ binh của De Gaullle, thời kỳ “Cộng hòa thứ tư” bắt đầu. Các tri thức Việt tại Paris đón nhận tin độc lập ở quê nhà 02/9/1945 rất vui mừng, tuy vậy chỉ có thông tin một chiều qua báo Pháp, họ cũng chưa biết được nhân vật Hồ Chí Minh là cộng sản, người của Quốc dân đảng (là của phe đồng minh) hay là một thế lực chính trị nào nữa. Hồi đó báo chí Pháp đưa tin theo chiều hướng: Việt Nam tuyên bố độc lập đối với Nhật (Việt Minh dành lại quyền từ chính quyền Bảo Đại do Nhật dựng lên). Và sau này Pháp (Leclerc) đưa quân vào Sài Gòn với chiêu bài giúp Tây (các lực lượng còn lại trên đất Đông Dương) lập lại trật tự tại cựu thuộc địa của mình (mà trước kia đã bị Nhật cướp một cách bất hợp pháp qua việc dựng nên chính phủ Trần Trọng Kim)…
Ở Paris cuộc sống của các trí thức trẻ người Việt cũng có nhiều xáo động. Đức rút đi vơ vét theo hết sạch lương thực nên cuộc sống khá khó khăn. Tuy vậy Pháp vẫn giữ chế độ học bổng tiếp tục cho các sinh viên đang học, còn ai tốt nghiệp rồi thì có thể học tiếp lên hay đi tìm việc làm cho các công ty Pháp, các bác sỹ thì mở phòng khám…đó là một chính sách khuyến khích ở lại học và làm việc tương đối rõ ràng đối với những người là nguồn chất xám đáng quý ngay cả đối với xã hội Pháp. 1945 hầu như không có ai về Việt Nam cũng vì lý do tình hình ở nhà chưa rõ ràng đối với những kẻ xa nhà (mà người ít nhất cũng đã ra đi cách đây 6-7 năm rồi!).
1946 đoàn Việt Nam sang hội nghị Fontainebleau là một sự kiện lớn, được giới trí thức người Việt ở Paris và Pháp rất trông đợi. Hội Ái hữu là một trong những tổ chức tích cực đón tiếp, giúp đỡ đoàn nhất trong suốt thời gian đoàn ở Paris. Pháp đã công nhận Hồ Chí Minh là Chủ tịch hợp hiến, tuy vậy chỉ đối với phần Bắc kỳ thôi, chứ không phải của toàn Việt Nam thống nhất (và đó cũng là chủ đề chính của hội nghị Fontainebleau!). Đoàn gồm: chủ tịch Hồ Chí Minh (thực ra đi đoàn riêng), ông Phạm Văn Đồng-Phó thủ tướng (cụ Hồ kiêm Thủ tướng), Tạ Quang Bửu-bộ trưởng quốc phòng, Vũ Đình Huỳnh-bộ trưởng bộ Lễ nghi, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Dương Bạch Mai, Nguyễn Mạnh Hà… Nhân vật đặc biệt: ông Đỗ Đình Thiện-trợ lý chủ tịch, nhưng thực ra cụ Thiện là “nhà tài trợ” cho chính phủ, mọi chi phí-rất nhiều đấy-cho chuyến đi lịch sử này đều do một tay cụ cống hiến, một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng quý! Cụ Hồ thì ở nhà riêng của Aubrac-lãnh tụ kháng chiến của phe Đảng cộng sản (họ chống Đức ngay trên đất Pháp, đối nghịch với phe De Gaulle-sang Anh để chống Đức), còn cả đoàn thì ở khách sạn hạng sang mấy tháng trời. Hội nghị Fontainebleau đi vào bế tắc, 2 điều khoản không thể chấp nhận được là:
-Pháp đòi hỏi Hồ Chí Minh chỉ làm chủ tịch của Bắc kỳ, còn Trung kỳ và Nam kỳ thuộc sự cai quản của Bảo Đại. (Bảo Đại sau này lại mời Diệm đứng ra lập chính phủ, mà Diệm lúc đầu được Mỹ hậu thuẫn, mà đồng minh Anh-Mỹ lại không ủng hộ Mao, đứng chung với Tưởng Giới Thạch ở Hội đồng bảo an LHQ-thế nên mọi chuyện càng rối như canh hẹ! Cũng phải hiểu rõ rằng chính quyền của Bắc kỳ lúc này KHÔNG được sự ủng hộ của Stalin, chứ không thì Pháp đâu có dám ép Việt Nam nhiều như vậy, cũng chả cần gì hội nghị Fontainebleau, “kẻ chiến thắng” mà chỉ “hừ” nhẹ một tiếng thì cái đám quân thất trận như Pháp đời nào dám trái ý!).
-Pháp bắt bí bằng cách đòi đền bù cho các công ty, tài sản của mình nếu Việt Nam cứ đòi độc lập! Ví dụ rõ nhất là đòi đền bù mỏ than Hòn Gai, trước kia triều Nguyễn bán cho Pháp chỉ 10 quan!!! Nay Pháp đòi một cái giá thị trường mà cả chính phủ Việt Nam lúc đó nằm mơ cũng chả có được!
Tất nhiên người Việt ở Pháp càng thấy được bộ mặt trơ trẽn của tên thực dân mới là Pháp, qua đó càng thêm có cảm tình với chính phủ Hồ Chí Minh. Và cũng phải nói Hồ Chí Minh là một chính trị gia kiệt xuất, rất phong độ, uyên thâm và cảm phục được đa số bà con ta ở Pháp lúc đó!
Tạ Quang Bửu trước tốt nghiệp Trung tâm kỹ nghệ Paris, và lần này ông sang là lần thứ hai sau độc lập, lần trước ông đi cùng đoàn Quốc hội với các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng với nội dung chính là “hữu nghị”, cũng đã tiếp xúc nhiều với kiều bào. Với sự giúp đỡ của Trần Ngọc Danh ông đã tiếp xúc với một số trí thức trẻ để đề nghị họ về nước giúp đỡ chính phủ kháng chiến chống Pháp-vì với kết quả hội nghị như thế này, muốn giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc thì chỉ có cách là kháng chiến chống Pháp thôi! Tất nhiên đường lối đó phải được Hồ Chí Minh đồng ý, Bác Hồ có nói chuyện với vài vị, nhưng cứ nói một cách sáo rỗng như báo chí sau này “các trí thức nghe theo lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, về nước kháng chiến” thì e rằng bỏ qua hết tài tổ chức cũng như công sức của bác Bửu và lòng hảo tâm của bác Thiện! Và trước nhất, họ tự nguyện quay về theo tiếng gọi của núi sông!
Không có cuộc “tuyển mộ” ầm ĩ nào, mà qua sự giới thiệu của Nguyễn Khắc Viện, Trần Ngọc Danh ông Bửu đã tiếp xúc với một số người theo ông đánh giá là cần thiết cho kháng chiến sau này, và hội tụ điều kiện để có thể về đợt này. (Trần Ngọc Danh hồi đó là đại sứ ta tại Pháp-chưa có tòa đại sứ, nhân vật đối với kiều bào Paris cũng gây rất nhiều đồn đoán mà không có giải đáp, ví dụ “là em của Trần Phú, người của Quốc tế cộng sản do Nga cử sang…”; sau này ông bị kỷ luật ra khỏi đảng, thực hư không biết thế nào!?). Điều kiện: đó là nhiều người muốn về nhưng đang “kẹt”, và có nhiều người chưa muốn về ngay-không phải ai cũng có đủ số tiền mua vé tàu về nước, và tuy ở Pháp khó khăn, nhưng tình hình ở trong nước vừa qua nạn đói năm Ất Dậu nghe nói còn khủng khiếp hơn nhiều!
Tất nhiên “Hội ái hữu” là nhóm mà ông Bửu quan tâm tới đầu tiên. Chủ tịch Hội những người An Nam tại Paris lúc đó là Trần Hữu Phương-người Sài Gòn-rất có cảm tình với chủ tịch Hồ Chí Minh-nhưng anh không thể về được vì mới cưới vợ là một cô đầm dòng dõi quý tộc, nên bắt buộc phải theo đạo cùng dòng tu với nhà vợ, không theo kháng chiến được (sau này ông về miền Nam và làm Thống đốc một Ngân hàng). Nguyễn Hy Hiền nhận nhiệm vụ ông Phạm Văn Đồng giao, sang Pháp học thêm về thủy lợi, về sau. Trần Lê Quang chưa về ngay được, vì có về thì anh phải về với gia đình ở Sài Gòn (sau này ông về Nam, làm bộ trưởng bộ giao thông của miền Nam, có hai chị và em gái hoạt động cách mạng nội thành, còn người em trai được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang”; năm 1975 ông là chuyên viên Liên hiệp quốc tại Beirut). Lê Văn Thiêm còn phải sang Đức bảo vệ nốt luận án tiến sỹ, Trần Đức Thảo và Phạm Huy Thông chưa thi xong thạc sỹ (Agrege-còn khó và quý hơn tiến sỹ)…Nhiều bác sỹ đang mở phòng mạch hay kỹ sư đang làm cho hãng Pháp không dễ bỏ ngang (và cũng phải đấu tranh tư tưởng lắm chứ!). Để từ bỏ “kinh đô ánh sáng” mà về bưng biền kháng chiến thì hành động này cũng đòi hỏi rất nhiều lòng dũng cảm, đó vừa là trách nhiệm cao cả (một đi không trở lại) lại vừa là một vinh dự to lớn (được chính phủ đài thọ vé về nước-đó cũng là một khoản tiền lớn thời bấy giờ!). Anh em hồi đó cứ đùa: “giá cụ Thiện có đủ tiền thì tốt nhất mang được hết số lính chiến người Việt về-mấy chục ngàn lính giúp cụ Hồ đánh Pháp thì chắc là kháng chiến sẽ mau chóng thành công…”
Cuối cùng 4 người được Tạ Quang Bửu giới thiệu để đi cùng tàu, theo đoàn với Bác Hồ về nước năm 1946 (sau hội nghị Fontainebleau) trên chiếc tàu “Dumont d’Urville” là:
-Trần Đại Nghĩa-lúc này vẫn tên Phạm Quang Lễ-về nhận chức thiếu tướng quân đội, cục trưởng Cục Quân giới-là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông đã giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong quân đội cũng như ngạch giáo dục, quản lý khoa học-kỹ thuật. Công lao rất lớn của ông là một “nhà quản lý” rất giỏi, trong những điều kiện khó khăn nhất mà phát huy tối đa được sức mạnh tập thể, thế nhưng báo chí sau này cứ hay ca ngợi ông như một “nhà chế tạo vũ khí”, “nhà phát minh”-dễ gây hiểu sai cho vai trò và đóng góp của ông trong lịch sử nước nhà!
-Võ Quý Huân-kỹ sư đúc, chia tay con gái nhỏ với người vợ đầm (gốc Nga-gia đình quý tộc đã lưu vong sau 1917). Người đi đầu trong công cuộc phát triển ngành đúc-luyện kim cho miền Bắc.
-Võ Đình Quỳnh-con đại tư sản miền Trung, kỹ sư mỏ-anh của Võ Đình Bông. Ông về rồi vào Nam, bị kẹt luôn ở đó sau toàn quốc kháng chiến, trở thành ông trùm về gang thép tuy nhiên cự tuyệt không làm gì cho chính quyền miền Nam. Thế nhưng người em ruột lại khéo đổi tên, sang được Pháp, trở thành đảng viên đảng cộng sản Pháp, rồi đến 1952 lại từ Pháp trở về miền Bắc, sau này cống hiến rất nhiều cho ngành điện-than.
-Trần Hữu Tước-người “nổi tiếng” vì đi đâu cũng dẫn theo con chó, phong thái giống dân Tây- bác sỹ tai-mũi-họng lâu năm ở Paris, đã tốt nghiệp đi làm từ lâu-đi về cùng để dọc đường chăm sóc sức khỏe cho đoàn. Sau này sáng lập ra ngành tai-mũi-họng của miền Bắc Việt Nam.
Theo sự sắp xếp của ông Phạm Văn Đồng, sau đó vài tháng 5 trí thức Paris khác đã về theo tàu “Félix Roussel” (tổ chức mua vé, cho mỗi người 3000 quan để mua áo quần, đồ đạc) về Sài Gòn rồi sau đó được đưa vào chiến khu. Tàu đi đến Singapore thì nghe được tin “toàn quốc kháng chiến”. Gồm có:
-Hoàng Xuân Nhị-em út của cụ Hoàng Xuân Hãn-Sorbonne (tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp)-rất giỏi ngoại ngữ, đã dịch Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… và in ở Paris (cũng như dịch, in Gorky, Mayacovskiy sang tiếng Pháp)! Sau này làm ủy viên phụ trách giáo dục & văn hóa trong Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Sau 1954 làm Chủ nhiệm khoa ngữ văn ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
-Nguyễn Ngọc Nhật- tốt nghiệp Trường Trung tâm Cơ khí Paris, về cùng người vợ đầm. Sau này làm ủy viên phụ trách tôn giáo, mặt trận (bố là lãnh tụ Cao Đài ở Bến Tre, đã tặng hết tài sản cho kháng chiến). Nguyễn Ngọc Nhật chết trong tù tại Sài Gòn, người vợ sau đó quay lại Pháp. (Ông đã chết rất anh dũng, tôi đã có riêng một status về ông!)
-Trần Văn Du-bác sỹ thú y (tốt nghiệp trường Alfort-trường dược và thú y lớn nhất của Pháp-như kiểu Viện Pasteur ở nhà mình). Trong chiến khu ông làm giám đốc một quân y viện của Nguyễn Bình, bị Tây nhảy dù, bắt về Sài Gòn, bị bắt buộc làm việc cho Tây nhưng ông kiên quyết không chịu. Tuy vậy Tây phục tài ông nên cũng không làm khó dễ nhiều, cho ra ngoài làm riêng. Mới mất cách đây mấy năm, trước khi mất ông đã di chúc tặng lại Thành phố HCM cả một cơ sở thực nghiệm và chế biến vắc xin của mình! Ông lấy con gái của ông Thái Văn Toản-thủ tướng thời Khải Định-Bảo Đại, bà là công dân Mỹ nên có thể vì thế Tây phải nể nang mấy phần…
-Nguyễn Văn Thoại-bác sỹ dinh dưỡng, tiến sỹ sinh hóa, có thời gian giúp đỡ cho Bửu Hội (Bửu Hội là nhà bác học Việt Nam có nhiều nghiên cứu về ung thư, có thể nói là nhà bác học Việt Nam nổi tiếng nhất thời đó tại Pháp)-xin về để nghiên cứu về hoạt động của anh em trí thức ở chiến khu như thế nào. Về Nam, ông có đi thực tế một thời gian, nhưng sức khỏe yếu nên xin về. Muốn được đi cùng đoàn từ chiến khu miền Nam đi ra tận miền Bắc, vì theo lời đồn (có thể là ý kiến của ông Bửu Hội) trên đường Trường Sơn có một loại cây rất quý để chữa ung thư, nhưng sức yếu nên không đi được. Sau này quay lại Pháp sống và làm việc, sau 1975 ông thỉnh thoảng về Hà Nội chơi, và có kể là đã có người tìm ra loại cây quý kia, ông đã có mẫu vật trong tay, ở bên Pháp đang tiếp tục nghiên cứu. Kết quả chưa thấy được công bố…
-Nguyễn Hy Hiền-Đại học Cầu đường Quốc gia Paris, về chiến khu đổi tên thành Lê Tâm, nhận chức đại tá quân đội. Kỹ sư quân giới dưới quyền của tường Nguyễn Bình, tác giả súng không giật SS chế tạo tại rừng Sác. Sau khi tập kết ra Bắc ông chuyển sang ngành giáo dục đào tạo, rồi sau đó sang quản lý khoa học-kỹ thuật, và như một cơ duyên, ở nhiều cương vị ông đã song hành cùng người anh cùng trường đại học Cầu đường Paris, người thủ trưởng trực tiếp ở nhiều cơ quan là Trần Đại Nghĩa: Cục Quân giới, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Ủy ban Khoa học nhà nước…
-Lê Văn Võ: tốt nghiệp khoa hóa ở cao đẳng Grenoble (giống Võ Quý Huân). Sau này về Ban quân giới ở chiến khu Nam Bộ cùng Lê Tâm, phụ trách chế tạo thuốc súng. Sau khi tập kết ra Bắc làm kỹ sư trưởng của Nhà máy bia Hà Nội-trong vị ngon của bia Hà Nội ngày nay chắc cũng có đóng góp của ông.
Sau 2 đợt các trí thức về nước năm 1946 thì vẫn có lác đác những trí thức hàng đầu thu xếp xong công việc riêng để về, trong hoàn cảnh chiến sự ở nhà đang rất nóng bỏng. Không thể không nhắc tới 3 vị sau:
-Lê Văn Thiêm: cử nhân trường đại học Sư phạm Paris (khoa toán), sau đó làm luận án tiến sỹ và phải sang Đức để bảo vệ. 1948 ông bảo vệ luận án tiến sỹ quốc gia tại Pháp, rồi 1949 ông từ Pháp về Bangkok-rồi đi đường bộ thằng về chiến khu trong bưng biền không qua Sài Gòn, sau đó lại quay lại Bangkok-Bắc Kinh, từ Bắc Kinh quay về Nam Ninh để cùng phụ trách giáo dục cho trường Khu Học Xá là nơi sơ tán và đào tạo con em cán bộ cách mạng miền Bắc qua (cùng các ông Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển). Sau hòa bình ông là viện trưởng Viện Toán đầu tiên, và có công lớn sáng lập ra những trường đại học đầu tiên của miền Bắc.
-Trần Đức Thảo: cử nhân và thạc sỹ của trường đại học Sư phạm Paris (khoa triết). Ông được chính chủ tịch Hồ Chí Minh mời về nước từ đợt 1946, nhưng ông xin hoãn lại để hoàn thiện luận án tiến sỹ, đồng thời nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Marx-Lê, rồi 1952 mới về. Về số phận vinh quang và cay đắng của ông đã có rất nhiều bài viết…Hãy nhớ, Thảo là nhà triết học đúng nghĩa duy nhất mà Việt Nam ta đã từng có!
-Phạm Huy Thông: nói về các trí thức từ Paris về, không thể bỏ qua ông. Ông sang Pháp năm 1937 để học trên đại học, con người rất tài hoa, nhà thơ mới (ví dụ tác phẩm “Tiếng địch sông Ô”), đã trở thành luật sư từ năm 21 tuổi. Sang Pháp, chắc là về học hàm học vị trong số người Việt không ai nhiều như ông. Là người có uy tín và tích cực bậc nhất tại Hội Ái hữu, năm 1946 ông cùng Hội Ái hữu được cụ Hồ chọn làm những người trợ giúp cho đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, và ông đã quyết định chọn cho mình con đường đấu tranh như con đường của cụ Hồ. Tuy vậy vì lấy vợ đầm nên ông chưa về ngay được, ông chọn con đường đấu tranh vì độc lập ngay trên đất Pháp. Rất có tài tổ chức, ông phụ trách Việt kiều hải ngoại (bây giờ mới có từ Việt kiều), làm giới chức Pháp khá đau đầu, chúng trục xuất ông về Sài Gòn năm 1952, vợ và con cũng theo ông về Việt Nam. Ông tham gia đấu tranh cùng với Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát…rồi bị địch bắt. Cũng như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Hữu Thọ… ông đã được trao đổi tù binh và ra miền Bắc năm 1955. Sau này người ta nhớ nhất về ông là Hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội và Viện trưởng Viện Khảo cổ, tuy nhiên tài tổ chức và uy tín của ông có lẽ chưa được tận dụng hết!
Ngoài các vị kể trên thì cũng rất nên nhắc tới 2 trí thức từ Pháp về khác:
-Nguyễn Như Kim: “tri thức Việt kiều bất đắc dĩ”. Học trong nước, khi từ chiến khu Việt Bắc được giao mang 18kg vàng sang Thái Lan để mua khí tài cho miền Bắc và chở về bằng tàu biển, ông bị Pháp bắt cho vào tù, và khi thấy ông là tri thức, Pháp đưa cho ông 2 lựa chọn: hoặc bị xử (chắc chết) hoặc “phải” sang Pháp học, và tất nhiên ông phải chọn phương án 2 (chứ không phải như người ta hay viết, trong tù nhưng vẫn “xin ý kiến tổ chức” và “tương kế tựu kế, sang Pháp trau dồi kiến thức và chờ lệnh”-cuộc sống nhiều khi có những lý lẽ khác với người đời tô vẽ!). Ông học về điện và vô tuyến điện (có thể nói ông là người đầu tiên được học bài bản về vô tuyến điện thời đó). Quả là lòng yêu nước vẫn không nguôi ngoai trong ông, nên sau 1954 khi được ông Tạ Quang Bửu gửi lời mời, ông đã thu xếp để đưa cả vợ con về nước. Ông làm chủ nhiệm khoa Cơ-Điện đầu tiên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội (sau là khoa Điện-Điện tử) và sau là viện trưởng Viện Thông tin…
-Lê Bảo: học trường Hàng hải tại cảng quân sự Toulon (cũng là một trường rất nổi danh ở Pháp)-có thể nói là người được đào tạo bài bản nhất về đóng tàu. Sau 1954 ông đã về miền Bắc và khi đó khoa Cơ-Điện của ĐH Bách khoa được tách ra, ông làm chủ nhiệm khoa Cơ khí, tuy vậy sau này ông chưa có dịp áp dụng kiến thức về bộ môn đóng tàu…
Nhìn lại tiểu sử tóm tắt của các tri thức quay về từ Pháp, ta có thể thấy mấy điểm chung sau:
-họ là những NGƯỜI YÊU NƯỚC, họ tự nguyện về nước, biết trước sẽ vô cùng gian khổ, xuất phát từ ý nguyện “đáp lời sông núi”, đa số chỉ trở thành đảng viên sau này.
-không có ai trở thành cán bộ lãnh đạo ở những cương vị chủ chốt cao nhất, tuy vậy tất cả họ đều đã áp dụng vốn kiến thức được học bên Pháp trên mọi cương vị. Đất nước chưa tận dụng hết khả năng của họ (cũng như chưa thu hút được hết trí thức giỏi khác từ Pháp về), khá đáng tiếc!
-6 người trong số họ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về thành tựu khoa học-kỹ thuật: Lê Văn Thiêm,Trần Đại Nghĩa, Lê Tâm, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước.
-là những tri thức thự thụ, họ đã sống hết mình và không có kẻ nào luồn cúi cầu vinh, cầu lợi. Họ xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo!
P.S.
Căn nhà của Hội Ái hữu- đ/c 11 Rue Jean de Bauvais, quận 5 Paris-được các hội viên góp tiền mua lại năm 1942. Người đóng góp nhiều nhất-40% giá tiền mua- là Lâm Ngọc Huấn-một người Tàu Chợ Lớn, sang Paris chả học gì, chủ yếu ăn chơi thôi, tuy vậy rất ủng hộ Việt Minh và cụ Hồ (sau này về miền Nam làm Sở Mật vụ thì phải?!), và anh Tuyên, con một địa chủ miền Nam. Bây giờ vẫn là trụ sở của Hội Việt kiều yêu nước tại Paris.
Chưa từng có cuộc gặp lại nào có tương đối đầy đủ những tri thức từ Pháp về.
Các nhân vật của status này đại đa số đã thành người thiên cổ, theo tác giả thì hiện nay chỉ còn 3 cụ đều đã ngoài 90: Lê Tâm (tức Nguyễn Hy Hiền), Lê Bảo (cả hai đều ở Hà Nội) và Trần Lê Quang (Mỹ).
Chắc bài viết mang tính chủ quan, còn có nhiều sai sót, xin ACE lượng thứ và góp ý thêm!
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo