Mức thưởng Tết Âm lịch 2015 tại Hà Nội cao nhất thuộc về khối DN FDI với 85,6 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Thông tin trên báo Hải quan, theo thống kế của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 9/1, doanh nghiệp (DN) có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 85,6 triệu đồng/người.
Mức thưởng Tết của DN được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội thống kê thành 4 nhóm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; DN có vốn góp của Nhà nước; DN tư nhân; DN FDI.
Theo đó, khối công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có mức thưởng Tết Âm lịch trung bình là 3.300.000 đồng/người, tăng 5,7 % so với năm 2014. Mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người. Mức cao nhất là 25.000.000 đồng.
Khối DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước có mức thưởng Tết cao nhất là 25.000.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch trung bình là 3.450.000 đồng/người, tăng 10,2 % so với năm trước.
Mức thưởng Tết Âm lịch 2015 cao nhất thuộc về khối DN FDI với 85,6 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất là 500.000 đồng/người. Tính trung bình, khối DN này có mức thưởng tết Âm lịch là 3,75 triệu đồng/người, tăng 1 % so với năm 2014.
Với khối DN tư nhân, với mức thưởng cao nhất được thông báo là 13,94 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch trung bình của khối này đạt 3,7 triệu đồng/người, tương đương với mức thưởng của năm 2014. DN có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Khảo sát về mức thưởng Tết Âm lịch của Sở LĐ-TB&XH được thực hiện trên 563 DN thuộc nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, khối các DN tư nhân chiếm hơn 400 DN. Số lượng lao động làm việc trong các DN có báo cáo mức thưởng khoảng 60.000 người.
Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), mức thưởng Tết Âm lịch trung bình trên địa bàn Hà Nội của năm 2015 cũng ngang bằng với mức thưởng năm 2014.
Mức thưởng Tết Âm lịch 2015 cao nhất thuộc về khối DN FDI với 85,6 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Giảng viên lĩnh trăm triệu, Petrolimex không thưởng Tết?
Năm nay, một số trường có mức thưởng Tết cho giảng viên khá cao. Đến thời điểm ngày 7/1, mức thưởng Tết cao nhất lên đến hơn 100 triệu đồng/người thuộc về Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Một cán bộ của trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết trên Dân Việt: “Mức thưởng của trường dịp cuối năm chia làm 2 đợt là vào lúc tổng kết năm học (tháng 11) và Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi đợt từ 1 – 3 tháng lương hoặc cao hơn nữa với những cán bộ giáo viên (CBGV) có đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục đào tạo nhà trường”.
Được biết, với những CBGV ở vai trò quản lý thì mức thưởng 2-3 tháng lương, giá trị có thể lên tới hơn 100 triệu đồng. Ngoài thưởng tết, nhà trường còn tặng quà Tết và hỗ trợ xe cộ về quê cho CBGV.
Không kém phần, mức thưởng cuối năm của cán bộ, giáo viên Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cao nhất lên tới 60 triệu đồng.
Ông Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mức thưởng Tết dành cho tập thể CBGV toàn trường dao động từ 6 – 60 triệu đồng, tùy theo vị trí công tác và thành tích thi đua trong năm, với mức cao nhất là 1,3 tháng lương và thấp nhất là 0,5 tháng lương. Chúng tôi xác định mức thưởng sẽ xứng đáng với công sức cống hiến của các thầy cô”.
Ngoài ra, dù tình hình tuyển sinh những năm gần đây khá khó khăn nhưng các trường ở khối các trường Cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM vẫn cố gắng thưởng Tết cho CBGV để động viên, mức thấp nhất là tháng lương thứ 13.
Riêng ở khối các trường công lập, dự kiến mức thưởng Tết của trường năm nay vẫn duy trì như mọi năm.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, mức thưởng Tết dao động từ 10 – 20 triệu đồng, tùy theo cấp bậc và cống hiến của từng CBGV.
Ông Phạm Thái Sơn – Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết trên Dân Việt: “Ngoài tháng lương thứ 13 theo quy định, nhà trường còn có tiền thưởng tết dành cho CBGV tùy theo cấp bậc thi đua. Vì vậy mức thưởng thấp nhất với một GV cơ hữu là trên 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng có một phần quà tết cho mỗi CBGV và lì xì đầu năm cho mỗi người”.
Ông Sơn cho biết thêm: “Ngoài thưởng Tết cho CBGV, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không về quê ăn tết. Các em này nếu muốn về quê sẽ được nhà trường hỗ trợ vé xe; hoặc nếu ở lại thành phố thì sẽ nhận được phần quà tết và lì xì 500.000 đồng”.
Tại ĐHQG TP.HCM dù chưa công bố chính thức nhưng mức thưởng Tết của các trường thành viên dành cho đội ngũ CBGV năm nay cũng tương đương với năm ngoái, dao động khoảng 8 – 10 triệu đồng.
Trong khi các công ty, tập đoàn nhà nước hay các trường Đại học – Cao đẳng trong ngành giáo dục “rộn ràng” đưa ra mức thưởng Tết thì một số ngành nghề, doanh nghiệp khác lại “trầm ngâm”.
Trong lần công bố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2014 và thưởng Tết 2015, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết trên Tiền phong rằng, truyền thống của ngành xưa nay không thưởng nhiều cho người lao động. “Vì truyền thống rồi nên cũng chỉ được đôi ba triệu gọi là hỗ trợ anh em ăn Tết thôi”.
Cũng vậy, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, dự kiến ngày 15/2 tập đoàn mới có báo cáo tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm này, so với kế hoạch, chắc chắn sẽ bị thua lỗ. “Đã lỗ thì làm gì có thưởng”.
An Nhiên (Tổng hợp)