Bộ Công thương cho rằng, dù xếp Uber vào loại hình đơn vị vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi các quy định pháp luật
Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hoạt động của Uber tại Việt Nam. Bộ này cho rằng, dù xếp Uber vào loại hình đơn vị vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trong trường hợp Công ty Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe và vận hành mạng lưới xe, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nên Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ.
Nhiều ý kiến xung quanh tính hợp pháp của taxi Uber:
Trong trường hợp Uber trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh và vận hành mạng lưới xe thì Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Do đó, Công ty Uber cũng phải tuân thủ các quy định trong Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Bộ GTVT cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp.
Bộ Công Thương đề xuất, Bộ Tài chính và Bộ GTVT cần phối hợp nghiên cứu để có phương án quản lý cách tính cước phí của Uber do hóa đơn do Uber phát hành thay cho chủ xe. Mô hình phân chia thu nhập giữa Uber và các đơn vị kinh doanh vận tải đối tác cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý thuế đòi hỏi có biện pháp quản lý phù hợp để duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác.
Một vấn đề lớn khác cũng được Bộ Công Thương chỉ rõ là việc Uber áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ khi ghi nhận giao dịch thanh toán sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như trên; đồng thời có biện pháp quản lý theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn thu tiền khách hàng qua thẻ thanh toán quốc tế
Việc người tiêu dùng cung cấp số thẻ khi đăng ký mở tài khoản trên hệ thống Uber, sau mỗi lần sử dụng dịch vụ, cước phí sẽ tự động ghi nợ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ đang tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Đây cũng là thách thức cho cơ quan chức năng trong việc quản lý giao dịch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về những giao dịch thanh toán thẻ “không cần xác nhận” như trên.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với mô hình hiện nay, Uber đang hoạt động như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Trong khi hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động này vì thế chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự.
Trước những vướng mắc trên, Bộ Công Thương cho rằng, để quản lý một cách toàn diện và hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự đòi hỏi một tư duy quản lý mới và sự phối hợp của các Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương.
Uber muốn được đăng ký cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại VN
Thông tin trên Infonet, đại diện Uber cho rằng hình thức kinh doanh của mình là hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và muốn được đăng ký cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ TT&TT, đại diện Uber cho rằng lĩnh vực hoạt động của công ty là lĩnh vực công nghệ. Hình thức triển khai, cung cấp dịch vụ là Công ty Uber (tại Mỹ hoặc Hà Lan) sẽ ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép vận tải tại Việt Nam (trừ các hãng taxi) với tỷ lệ chia doanh thu là 20/80.
Doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam sẽ nhận được 80% doanh số (trong đó đã bao gồm thuế VAT, thuế nhà thầu…). Hiện nay, Công ty Uber đã ký hợp đồng với 40 – 50 doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.
Về phương thức tính tiền, dựa vào hệ thống định vị vệ tinh GPS và bản đồ của Google để tính khoảng cách, thời gian, trên cơ sở đó, Uber sẽ đưa ra mức cước, số tiền này sẽ được thông báo tự động cho lái xe và khách hàng.
Khách hàng sẽ sử dụng thẻ tín dụng (Visa, Master) để thanh toán trực tiếp với Uber thông qua các công ty thanh toán như PayPal, Visa, Master… Hiện nay, các thông tin, dữ liệu liên quan được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Hà Lan và Mỹ.
Phía Uber cho rằng hình thức kinh doanh của họ không phải là hình thức kinh doanh vận tải vì họ không sở hữu xe cũng như là không thuê người lái xe, mà xe và người lái xe sẽ do các doanh nghiệp vận tải có giấy phép sở hữu.
Trong quá trình lựa chọn đối tác, Công ty Uber luôn kiểm tra chế độ bảo hiểm khách hàng cũng như các yêu cầu bảo hiểm khác của doanh nghiệp vận tải để xem có phù hợp hay không. Khi có rủi ro xảy ra thì đơn vị đối tác bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm, còn Uber sẽ đóng vai trò giám sát quá trình thực hiện của đối tác vận tải để đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ.
Phía Uber cũng thừa nhận hình thức cung cấp dịch vụ của mình là hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bởi vậy, phía Uber kiến nghị được chính thức đăng ký cung cấp dịch vụ chính tại Việt Nam là theo hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Được biết, Uber đã mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ ngày 30/8/2014 theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP.HCM cấp. Nhưng theo giấy chứng nhận này thì ngành nghề kinh doanh là tư vấn quản lý, tiếp thị cho dịch vụ chứ không phải là vận tải. Dịch vụ chính của Uber thì do Uber phía Hà Lan (hoặc Mỹ) cung cấp và thu tiền, sau đó mới thanh toán lại cho các đối tác là doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.
Về đề xuất cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của Uber, đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Hiện nay dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT xây dựng đã có quy định về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhưng chưa được ban hành. Bộ TT&TT đang tích cực kiến nghị để Chính phủ sớm ban hành Nghị định này nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý dịch vụ kiểu như của Uber tại Việt Nam.
Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới Uber là xe cá nhân, chính vì vậy nó còn được gọi là “taxi không biển hiệu”. Khách hàng cần di chuyển sẽ cải đặt phần mềm Uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Phần mềm ứng dụng cung cấp bản đồ vị trí của xe để hai bên chủ động trong vấn đề thời gian và di chuyển. Khi sử dụng Uber khách hàng không cần dùng tiền mặt, sau mỗi chuyến đi kết thúc, số tiền được Uber tự tính và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của cá nhân. Xe tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-14 22:56:21
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/uber-bo-cong-thuong-chua-co-cach-quan-ly-a171135.html