ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: yellow_lotus
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Văn hóa – Ước gì tôi có thể tự hào!
Tuesday, January 20, 2015 20:25
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Văn hóa – Ước gì tôi có thể tự hào!

Lâu lắm tôi mới xem truyền hình, sáng hôm rồi, khi ở lại nhà cô bạn thân trong chuyến công tác. Chưa kịp mở mắt tôi đã nghe tiếng tivi véo von cái gì đó, lặp đi lặp lại cụm từ “Tôi tự hào là người Việt Nam.” Bất giác tôi thở dài. Tôi ước chương trình đó được phát thật lâu, đủ cho những người có mặt trong clip, mỗi người đủ thời gian để nêu lên một lý do, rằng họ tự hào về điều gì, lý do gì khiến họ tươi cười rạng rỡ nói rằng “tôi tự hào là người Việt Nam”? Tôi thật sự muốn nghe, muốn biết những lý do đó? Tôi thật sự muốn biết nguyên do làm sao mà tôi lại không thể có được cái cảm giác như họ đang có, cái cảm giác tự hào, tươi cười nói với mọi người xung quanh rằng tôi tự hào? Nói như Bá Dương trong cuốn Cái Vại Tương: “Mỗi khi nghe những người Trung Quốc tự hào về những nét đẹp của người Trung Quốc, tôi bực bội vì cảm thấy không được dự chút phần nào vào cái niềm vinh dự và tự hào to lớn đó.”

Chẳng lẽ tâm hồn tôi chai đá không biết cảm nhận, hay do môi trường đã thay đổi mà tôi không kịp thích nghi? Ồ không, nhớ lại thì trước đây tôi cũng tự hào về nhiều điều lắm chứ. Tự hào về đất nước anh hùng, vì đã có được hai chiến thắng thần thánh đánh cho bọn đế quốc khổng lồ chạy té khói, tự hào về một đất nước giàu đẹp, đầy ú tài nguyên, đậm đà bản sắc văn hóa, tự hào về cái nguồn gốc con rồng cháu tiên dù chẳng tí nào tin mình có chút máu rồng tiên nào trong người cả. Rồi cụ thể hơn, tôi cũng từng tự hào lắm, rằng người Việt Nam được cả thế giới yêu mến, tự hào rằng có cả mớ các nước xếp hàng sau Việt Nam, tự hào là đất nước yên bình nhất, hạnh phúc nhất. Tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, xuất khẩu cafe đứng thứ ba vân vân và vân vân. Ôi, nhớ lại những ngày xưa tôi có nhiều cái để tự hào thế cơ mà, thật là hạnh phúc.

Còn bây giờ. Tự hào ư? Tôi không thể. Tại sao tôi lại không được dự phần vào cái sự tự hào của mọi người như trước nữa? Tại sao? Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi xuất khẩu gạo nhiều nhất nhưng dân tôi vẫn còn người chết vì đói, tự tử vì không muốn con mình bị chết đói. Có lẽ từ khi tôi nhận ra nước tôi xuất khẩu cafe hàng đầu nhưng dân tôi uống cafe bẩn nhất. Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi 70% làm nông nhưng gà nhập, heo nhập, rau nhập, trái cây nhập, nói như Tony đến tăm xỉa răng cũng phải nhập. Trong khi ấy, người nông dân nước tôi đổ nông phẩm được mùa cho bò ăn, đổ hoa màu rau củ xuống sông vì không có người thu mua, vì bị ép giá, vì trăm ngàn lý do khác mà hàng ngàn thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ đang ngồi không đợi việc không mấy ai chịu tìm ra cách cứu vãn người dân nước mình, cữu vãn tình trạng thất nghiệp của mình. Từ khi tôi nhìn thấy hàng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau chở những thân cây khổng lồ, chở tài nguyên, quặng mỏ rời khỏi đất nước. Và lại chở về đây nào nội tạng thối, nào rác thải công nghiệp, quần áo si-da… Từ khi tôi được nghe rằng người dân tôi đi ra nước ngoài bị đối xử, bị ghét bỏ, bị xa lánh. Vì những người cùng dòng máu rồng tiên khác vì chút lợi hèn mọn mà đang tâm làm hoen ố hình ảnh của cả một quốc gia, khiến cả một dân tộc bị đối xử như những người tệ hại.

Tôi tự hào nổi không khi khắp phố xá nước tôi toàn bảng hiệu tiếng nước ngoài, còn tiếng nước tôi được trang trọng đặt trên những bảng cảnh báo, cảnh báo ăn trộm, cảnh báo trốn vé, cảnh báo lấy quá nhiều đồ ăn… Tôi tự hào được không khi những nước xuất phát sau nước tôi, như Cambodia, giờ đang vượt mặt nước tôi mọi lĩnh vực. Họ sản xuất được xe hơi riêng cho dân họ rồi, họ xuất khẩu gạo đi các thị trường khó tính nhất rồi, còn nước tôi, xe đạp xe máy đều nhập, xe hơi là thứ phương tiện an toàn, văn minh thì bị tìm mọi cách để hạn chế, bằng thuế phí, bằng hạ tầng còn gạo nước tôi xuất nhiều nhưng chỉ xuất đi các nước trong khu vực hoặc qua Châu Phi?

Tôi tự hào nổi không nền văn hóa ngàn năm văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc đang ngày càng nát bét và xuống dốc thảm hại. Văn hóa ư? Văn hóa lúa nước, văn hóa xe máy, văn hóa lũy tre làng, văn hóa tiểu nông, nói toẹt như Đinh Tấn Lực đăng trên góc nhìn Alan, chúng ta là cường quốc văn hóa, văn hóa nhậu, văn hóa đi đêm, văn hóa tự xử, văn hóa phao, văn hóa mặc kệ… Chọn một cái để tự hào về văn hóa thì chọn cái nào đây? Cần cù chăm chỉ siêng năng ư? Thế mà tôi thấy bài viếtĐất nước của những kẻ lười biếng của Lục Phong trên Triết Học Đường Phố được ủng hộ và chia sẻ nhanh quá quá chừng.

Hiếu học ư? Hiếu học mà không hiếu hành thì tác dụng gì? Hùng cường mạnh mẽ, hiên ngang bất khuất ư? Ngoại trừ những ngư dân đương đầu với tàu Trung Quốc ngoài biển để cố giữ biển, giữ nước thì còn ai làm được điều đó? Dũng cảm gan dạ ư? Đến nói không thích một thế lực hắc ám còn sợ hãi như sợ Voldermort thì dũng cảm chỗ nào? Chân Thiện Mỹ ư? Đâu, chỗ nào? Thật thà chân thực ư? Có không ở thời này, từ trung ương đến địa phương, từ sách vở tới đời sống? Đoàn kết ư? Nếu dân tộc tôi đoàn kết thì chẳng cần gì phải hô mãi khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, thì bà chị Hoa chẳng thể dám mang một cái tăm qua nước tôi chứ đừng nói tới hàng hóa độc hại, cái học viện bị thế giới tẩy chay hay một cái hạm to chù ụ như cả hòn đảo vô tư đi lại trên biển nước tôi như đi bát cảnh như thế. Thì người dân nước tôi đã chẳng chửi bới nhau trên mọi diễn đàn, thì các thế lực hắc ám chẳng thể ngang nhiên lộng hành đến thế này…

Ông Dương Trung Quốc mới đây đã nói nền văn hóa này đang kéo dân tộc chúng ta tới bờ vực thẳm. Thế thì rõ ràng văn hóa không thể dùng làm lý do để tự hào rồi. Hòa bình và hạnh phúc nhất ư? Có đáng để tự hào khi số người chết vì tai nạn và bệnh tật hàng đầu thế giới, có đáng để tự hào khi ai mở miệng trình bày một quan điểm trái với sự định hướng là sẽ bị mọc đuôi hoặc quản chế liền? Sau cùng là hai cuộc chiến thần thánh, tôi cũng từng tự hào về nó đấy, nhưng là cái thời ngu muội chỉ biết nghe và tin thôi, còn khi tự mình tìm hiểu thì tự hào ư? Tôi không dám nhắc về hai chữ ấy.

Như một câu chuyện vui không biết có thật không mà tôi mới đọc đây sẽ giải thích điểm này cho những bạn vẫn chưa chấp nhận. Một vị lãnh đạo trong chuyến công tác ngoại giao đã nói: “Tôi tự hào dân tộc tôi đã giành chiến thắng lừng lẫy trong hai cuộc chiến với bọn đế quốc thực dân.” Đáp lại lời ông, vị lãnh đạo nước kia trả lời: “Tôi thì tự hào vì dân tộc tôi không phải trải qua cuộc chiến nào cả.”… Vậy thì, trong cái niềm tự hào to lớn được phát trên ti vi kia? Ai đó có thể cho tôi biết điều gì khiến họ tự hào?

Không biết mọi người đang nghĩ gì, dân tộc tôi đang cảm thấy sao, các bạn trẻ quanh tôi đang nghĩ như thế nào, còn tôi, tôi chán lắm rồi. Chán lắm lắm rồi.

Sống trong một thành phố nhỏ xinh đẹp trong lành, tôi chán nhìn những đoàn xe chở quặng boxit đi qua đây về Trung Quốc mỗi ngày. Tôi chán cảnh người ta đào tung nhổ hết những cột đèn giao thông vẫn hoạt động ngon lành để thay bằng những cột mới chẳng khác gì chỉ là to hơn một chút. Cả thành phố mấy chục cột như thế, để làm gì, tác dụng gì? Việc đó tốn kém bao nhiêu? Trong khi cũng khắp cả thành phố, tôi kiếm không ra một cái thư viện công cộng nhỏ? Tôi chán cái tuần lễ văn hóa trà không một hoạt động nào liên quan tới trà, ngoài một bài hát có tên đi hái trà gì đó trong đêm văn nghệ, một vài gian hàng bán đồ phong thủy tiểu cảnh và đèn đóm thắp nhiều hơn một chút cùng tấm bảng chào mừng rất to. Tôi chán những cái cổng khu phố văn hóa, bản làng văn hóa, gia đình văn hóa ở khắp mọi nơi. Chán những câu biểu ngữ phát động phong trào hết sức ngô nghê, sai chính tả, vô nghĩa hoặc không tác dụng gì với ai cả treo khắp mọi ngóc ngách phố phường… Đấy là mới ở cái thành phố nhỏ này thôi.

Rộng hơn ư? Tôi chán những công trình ma, công trình dang dở hay những công trình chưa xong đã sập ở khắp mọi nơi. Chán sự lười biếng của tuổi trẻ. Chán thứ tình yêu mù quáng của những phụ huynh. Chán nền giáo dục. Chán những câu hứa lèo, những phong trào sớm nở tối tàn, những phát ngôn của người nổi tiếng. Chán từ giá cả xăng dầu, giá trị đồng tiền Việt cho tới cái đường truyền internet tệ hại chỉ cần một con cá mập để đổ lỗi là xong. Tôi chán sự thờ ơ của mọi người đối với đồng bào, đối với dân tộc. Chán cả ngành truyền thông chỉ biết đến chiêu trò và quảng cáo. Truyền hình thì toàn cảnh lố lăng, báo chí thì cướp hiếp giết tin sốc, lộ hàng. Âm nhạc phim ảnh nước ngoài được giới trẻ yêu mến gấp vạn lần trong nước. Nghệ sĩ thì chiêu trò. Kinh tế thì tụt dốc. Chán cái nợ công, cái chính sách nhún nhường, cái văn hóa xe máy. Chán những “đầy tớ giàu sụ” và những “người chủ sống bần cùng”. Chán cái trang Chân Dung Quyền Lực dám bóc mẽ những sự thật xấu xa. Chán khủng khiếp nhất là thái độ của mọi người về tất cả những thứ đó, một sự cam chịu, thờ ơ, câm lặng hoặc bàng quan đến rợn người… Kể cho hết những cái chán thì không biết bao giờ mới hết được đây.

Này, đừng ai nói rằng vẫn có chỗ tốt, rằng không phải ai cũng xấu, rằng có người này người kia… Chả lẽ tôi lại không biết à? Nhưng rồi sao? Một vài người không như thế có làm cho cả xã hội không như thế? Xã hội mà chỉ có một điều tốt bị vây quanh bởi một trăm điều xấu vẫn đáng để tự hào ư? Một ai đó đang cố gắng thì liệu có tạo nên thay đổi gì cho cả xã hội?

Tôi chán lắm rồi khi cầm hộ chiếu du lịch bị giữ lại rất lâu ở hải quan, tôi còn nghe kể có những trường hợp chỉ cần là con gái Việt qua Sing sẽ bị từ chối ngay không cần lý do nữa. Tôi chán lắm rồi khi nghe chính bạn tôi sống tại Hàn kể về cách thức người Việt tại đó trộm đồ siêu thị rồi vội vàng phi tang khi bị kiếm tra. Tôi chán lắm rồi khi nghe nói người Cambodia xa lánh người Việt, một hội chợ bên Âu từ chối người Việt tham quan, hải quan Thái tỏ thái độ với hộ chiếu Việt, người Hàn người Đài xem nước Việt như cái chợ chọn vợ khi họ không thể lấy ai ở chính nước của họ. Tôi chán kinh khủng khi đọc những dòng cảnh báo bằng tiếng Việt trên khắp thế giới. Có lẽ nào địa vị nước tôi, văn hóa nước tôi lại tồi tệ đến như thế sao?

Tôi thèm được ngẩng cao đầu khi ra nước ngoài, thèm được cầm hộ chiếu một cách nâng niu, tôi thèm tên Việt Nam được vinh danh trên các đấu trường, người Việt được yêu quý và tiếng Việt được nhiều người muốn học. Thèm lắm chứ. Nhưng tại sao tôi không thể? Có cách nào để tôi cùng được dự phần tự hào với những người đang tươi cười trên tivi kia không?

Sẽ có người cho rằng tại sao tôi không nhìn vào mặt tốt mà chỉ nhìn vào mặt xấu, rằng than thở thì có ích gì, rằng tôi đã làm được gì cho đất nước chưa? Tôi xin trả lời rằng tôi phát chán luôn cả họ.

Đến bao giờ người ta mới chịu nhìn vào lỗi để mà sửa, nhìn vào nhược điểm để mà thay đổi, nhìn vào yếu kém để mà đấu tranh? Đến bao giờ mọi người mới chịu thôi tự hào để thay vào đó là trạng thái xấu hổ để mà tiến lên? Đến bao giờ người ta mới chịu bắt bệnh để mà chữa bệnh chứ không đợi bệnh quá nặng mới vội vàng chạy chữa trong vô vọng? Đến bao giờ người ta mới nhận ra văn hóa của chúng ta đang đậm mùi chứ không phải đậm đà? Đến bao giờ người ta mới chủ động tìm kiếm giải pháp và thực hiện thay vì chỉ trích nhau, chỉ trích những người dám đứng ra chỉ trích?

Mỗi ngày được tiếp xúc với thông tin, kiến thức về thế giới ngoài kia bao nhiêu tôi lại càng chán bấy nhiêu. Bạn có thật sự vui không khi nghe báo chí hôm nay ca tụng văn hóa Nhật Bản, ngày mai tôn vinh những gì Israel làm được, ngày mốt ngợi khen thành quả của Singapore, Hàn Quốc hay thậm chí cả bạn hàng xóm Cambodia. Bạn có hạnh phúc không khi một bản nhạc hot Hàn Quốc vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm, những bà nội trợ khóc lên khóc xuống cùng những đau khổ của các nhân vật trong phim Hàn, phim Đài? Giới trẻ hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Và mới đây là facebook ngập tràn người muốn hóa thân thành Võ Tắc Thiên… Nói về đất nước mình chán một thì khi nghe về sự tiến bộ của nước người tôi lại càng chán hơn. Nếu văn hóa nước tôi đủ đậm đà, đủ đẹp và đủ mạnh liệu nó có dễ dàng để cho văn hóa ngoại len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống và được người dân tôi yêu mến đến thế?

Bạn nghĩ tôi bi quan ư? Không, bạn không biết được cuộc sống riêng của tôi đang ổn và lạc quan đến mức nào. Đặc biệt từ khi tôi từ chối xem các chương trình truyền hình, từ chối các kênh tin tức nóng mỗi ngày, từ chối dự phần các trào lưu của giới trẻ. Tôi đang sống rất hạnh phúc. Vậy mà vẫn không cảm thấy tự hào, là nghĩa làm sao? Vì tôi không muốn sống mãi trong cái xã hội như thế, tôi không muốn bạn bè tôi, anh em tôi không được hạnh phúc như tôi vì họ vẫn mê mải trong cái ma trận văn hóa giả tạo. Tôi không muốn dân tộc tôi suốt ngày đi ca tụng văn hóa nước ngoài, dù chính tôi cũng ca tụng nó. Tôi không muốn con cái tôi sống trong bối cảnh văn hóa tệ nạn mục nát như thế này. Tôi thật sự không muốn. Tôi cũng chắc chắn rất nhiều người cũng không muốn những điều đó như tôi, nhưng làm sao đây?

Tôi ước gì mình có thể tạo ra sự thay đổi chỉ bằng cách vào tủ điện thoại yêu cầu của Doremon. Tôi ước mình có đủ sức mạnh và tài trí để tác động lên ý thức của mọi người. Tôi ước mình tài giỏi và xinh đẹp như người nổi tiếng để lời nói của tôi được quan tâm hơn. Tôi ước mình là một thương nhân giàu có để thật nhiều người vì thích tài sản của tôi mà lắng nghe tôi nói. Tôi ước gì mình có đủ thời gian để thuyết phục từng người một. Ước gì mình không cứ mãi ngô nghê thế này để mong mỏi một điều vô tưởng xảy ra. Ấy vậy mà tôi vẫn mong, tôi vẫn ước.

Tôi ước cả dân tộc tôi đồng lòng tạo ra sự thay đổi. Vì tôi biết rằng sự thay đổi được tạo ra từ chỉ ba yếu tố thôi: Một ý tưởng lớn, thật nhiều người cùng đồng lòng tham gia và hành động. Không thể thiếu một trong ba. Không thể. Nhưng nếu đủ cả ba yếu tố, nhất định một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra. Vậy thì, ý tưởng thay đổi, cải tổ văn hóa, làm sống lại cái hồn dân tộc liệu có đủ lớn? Nếu đủ rồi thì bao nhiêu người sẵn sàng tham gia cuộc cải tổ này. Đồng ý tham gia rồi đấy nhưng mọi người có sẵn lòng hành động? Mọi người có sẵn sàng đánh đổi những giờ đọc tin tức, xem gameshow để đọc sách? Mọi người có sẵn sàng bỏ thời gian làm việc kiếm tiền để dạy dỗ giáo dục con cái mình thay vì nhường mọi trách nhiệm cho nhà trường? Mọi người có sẵn lòng cư xử lịch thiệp với nhau. Sẵn lòng cảm ơn và xin lỗi ngay trước khi người kia mở lời? Mọi người có dám đánh đổi những giờ nhậu nhẹt, buôn dưa để tăng gia sản xuất. Mọi người có sẵn sàng tiêu thụ nông sản Việt thay cho nông sản Tàu? Mọi người có chịu tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của cuộc sống thay vì tuyên truyền rầm rộ cho những tin tức hở ngực lộ hàng? Mọi người có đủ sức rời xa những trang tin lá cải tiêu cực, có chịu giữ lại rác bên mình cho tới khi kiếm được thùng rác, có rủ nhau tham gia những hội trồng cây, hội đọc sách thay vì rủ nhau đi chơi game hay cafe tán gẫu? Mọi người có chịu nói về ý tưởng và tương lai thay vì chuyện yêu đương, trai gái và chuyện quá khứ ngàn đời? Mọi người có chịu tăng hiểu biết của mình về thế giới thay vì hiểu biết về cô này anh kia trên facebook?

Tôi ước chúng ta có một hệ thống quy chuẩn đạo đức, cách thức ứng xử đầy tiến bộ và nhân văn để mỗi người dân Việt Nam đều biết, đều ghi nhớ và quyết tâm làm theo. Một kiểu quy tắc hành xử rõ ràng kiểu “không xả rác nơi công cộng, không nói quá to, xin lỗi ngay cả khi lỗi vô tình…” thay vì những lời hô hào sáo rỗng như “văn minh, đoàn kết, yêu thương…”

Mỗi ngày trăm ngàn cái hội ghét người này, yêu cái kia lập trên facebook, thiết nghĩ nếu như có một nhóm lập hội những người quyết tâm hành động xây dựng một nền văn hóa mới, đi đầu trong việc làm gương, chịu phần thiệt ban đầu về mình nhằm lan truyền cái tinh thần tốt đẹp này thì tôi tin mọi thứ sẽ dần thay đổi thôi. Không có gì là không thể khi ý chí con người đủ lớn mạnh và được hỗ trợ bằng sự đồng lòng. Có lẽ tôi còn quá trẻ, đủ để vẫn còn trí tưởng tượng phong phú tới mức dám mơ ước về một thế giới như thế. Thế giới mà đa phần người ta không thể hình dung chứ đừng nói tới việc mình là một phần trong nó.

Thậm chí tôi còn tưởng tượng thêm nữa, về một biểu tượng kiểu dấu ấn về những người văn hóa mới. Để chỉ cần nhìn thấy dấu ấn đó trên ai, thì người ta biết ngay rằng đó là người văn minh lịch sự, người có thể tin tưởng được. Như Tony Buổi Sáng hay Alan Phan đã gần như trở thành những dấu ấn kiểu mới. Bạn trẻ nào yêu thích và làm theo lời Tony thì rất có thể người đó sẽ có một lý tưởng sống tốt đẹp, thích hành động cụ thể hơn chỉ nói. Bạn trẻ nào là tín đồ của Alan thì rất có thể sẽ là những người hiểu biết và yêu thích kiến thức hơn thông tin hổ lốn trên thế giới mạng. Tôi mong muốn có một kiểu dấu ấn như thế cho những người thật tâm mong muốn thay đổi nền văn hóa này, xã hội này, dân tộc này. Họ sẽ nhận ra nhau và có thể cùng nhau chung sức tạo nên một xã hội mới nhân văn với đầy đủ ba yếu tố chân thiện mỹ.

Đa phần mọi người sẽ cho rằng đây là chuyện nhảm nhí, viễn vông. Đa phần mọi người có thể sẽ cho rằng thay đổi văn hóa là việc họ không liên quan, không thể làm gì, không thể mong chờ gì hoặc chưa đến lúc. Này, bạn đừng quên, một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây bão lớn ở Texas, đừng quên sức mạnh của ý chí và quyết tâm là điều có thể nhìn thấy được, hoàn toàn cảm nhận được và chính xác là đã được ghi lại rất nhiều lần trong lịch sử loài người. Israel đồng lòng xây dựng đất nước từ hỗn loạn và chia ly. Nhật Bản đồng lòng góp sức xây dựng nền văn hóa cả thế giới ngưỡng mộ. Cambodia đồng lòng phát triển đất nước từ một xuất phát điểm thua cả chúng ta… Thế thì tại sao dân tộc ta không thể đồng lòng làm nên điều tương tự?

Văn hóa là cái hồn của dân tộc, là thứ làm nên dân tộc tính, là thứ quyết định hình ảnh, thể diện của quốc gia và tạo thành nhân sinh quan cho mỗi người sống trong nó. Văn hóa là thứ định hình lối sống, phong tục và tạo ra các nền văn minh. Văn hóa thì có thể thay đổi chứ không vĩnh cữu và bất biến. Văn hóa tạo nên con người nhưng cũng chính con người kiến tạo ra nền văn hóa. Văn hóa không phải khi nào cũng đáng được tự hào. Đặc biệt là khi nó đã xuống cấp, không phù hợp với thời đại, cản trở sự phát triển, sự tiến bộ và con đường đi đến văn minh.

Một người trẻ nông cạn như tôi còn nhận rõ điều đó chẳng lẽ lại không ai khác nhìn ra sao? Hay mọi người đều nhìn ra nhưng không một ai thèm nhắc đến vì chưa phải lúc, vì không phải chuyện của mình? Cứ cho cuộc đời mỗi chúng ta chưa cần hay chẳng mong được sống trong một nền văn hóa tốt hơn. Vậy con cái chúng ta thì sao? Bạn đang tâm để nó sống trong cái xã hội tệ nạn từng ngóc ngách như thế này à? Bạn mặc kệ nó cầm tấm hộ chiếu in cờ dân tộc mà cúi gằm mặt xuống hay sao? Hay bạn lại cũng như bao nhiêu thế hệ đi trước, cho rằng: Tương lai đất nước này phụ thuộc cả vào con. Trọng trách này ta không chịu nổi xin giao lại cho con… Nếu như thế hệ nào cũng đùn đẩy cho nhau chỉ bằng một câu nói giản đơn như thế, thì cái giả thiết dân tộc ta bị đày có lẽ cũng là có cơ sở.

Nãy giờ ước nhiều quá rồi. Nhưng nếu chỉ cho thêm một điều cuối cùng, tôi ước một ngày kia tôi chính là người đang cười toe miệng trên tivi và hét thật to với thế giới rằng: TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.

 

 

 

Theo triethocduongpho.com

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.