Bầu Đức tiết lộ, ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỷ đồng cũng không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
Trong buổi công bố ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Australia – một sản phẩm mới vừa ra mắt sau 7 tháng hợp tác với Công ty Vissan – vào chiều 4/2, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ với báo chí: “Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh”.
Bầu Đức phân tích, có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, dù vấp phải rất nhiều thách thức. Thứ nhất, nuôi bò giúp doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực đang có (đồng cỏ, nguồn nước, các phụ phẩm nông nghiệp và quỹ đất lớn). Thứ hai, đây là ngành cho doanh thu ổn định, quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng hơn hết, ngành này có thể tạo điều kiện để người Việt được ăn thịt bò Australia chất lượng cao, giá cạnh tranh.
Khi bị chất vấn về mức lợi nhuận cụ thể có thể thu được từ đàn bò, ông Đức từ chối công bố tại buổi ra mắt sản phẩm mới và hẹn sẽ có đáp án rõ ràng từng con số trong dịp Đại hội cổ đông sắp tới. Tuy nhiên, bầu Đức không ngần ngại đặt việc chăn nuôi đàn gia súc này lên bàn cân và khẳng định lợi nhuận từ bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỷ đồng cũng bị ông Đức ví là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
Bầu Đức chia sẻ: “Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh”.
Chính vì thế, 7 tháng trước HAGL công bố phát triển đàn bò quy mô 110.000 con nhưng hiện nay bầu Đức cho hay ông có kế hoạch tăng lên 200.000 con. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò tính riêng tại Gia Lai ước tính cần 4.000 tỷ đồng, chưa kể tại Lào và Campuchia. Vốn đầu tư giai đoạn một trong năm 2014-2015 là 3.100 tỷ đồng trong tổng số hơn 6.300 tỷ đồng.
Sau khi nuôi bò tại Gia Lai, Lào, Campuchia, nhận thấy Đắk Lắk cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành này HAGL đã xin phép lãnh đạo tỉnh phê duyệt một dự án đầu tư nuôi bò quy mô lớn. “Dự án tại Đắk Lắk ước tính cần đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn còn nằm trong kế hoạch”, ông Đức cho hay.
Khi được hỏi vì sao vẫn dùng thương hiệu là bò tơ Australia mà không dùng thương hiệu bò tơ Việt Nam, ông Đức giải thích vì cần phải tôn trọng nguồn gốc, xuất xứ của giống bò này. Ông kỳ vọng, đến năm 2017, HAGL sẽ nhập bò Australia và cả giống bò tốt nhất của Mỹ về nước, cho sinh sản và nuôi lớn bằng nguồn thức ăn Việt Nam. “Lúc đó chúng ta sẽ có thương hiệu bò tơ Việt Nam chất lượng quốc tế đúng nghĩa. Tuy nhiên đây là chiến lược lâu dài. Bây giờ, trước mắt cần phải tập trung phát triển đàn bò và thúc đẩy thị trường này đi lên”, ông Đức nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty Vissan, Văn Đức Mười cho hay, chỉ tính riêng trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết, đơn vị sẽ tiếp nhận khoảng 2.000 con bò từ HAGL để phục vụ thị trường với giá ưu đãi. Sau giai đoạn này, HAGL sẽ tiếp tục cung cấp đàn bò để Vissan giết mổ và bán thịt. Lúc này bò tơ Australia sẽ được xây dựng giá thành mới nhưng vẫn tuân thủ tiêu chí cạnh tranh so với phần còn lại của thị trường.
Ông Mười phân tích, hiện nay trung bình mỗi ngày TP HCM tiêu thụ 600 con bò, còn cả nước là 3.000 con. Cấu trúc tiêu thụ thịt của người Việt hiện nay là 75% thịt heo (lợn), 6% thịt bò và 10% thịt gia cầm. Cách chăn nuôi quy mô và hiện đại của HAGL và một số nhà đầu tư khác (đang có kế hoạch nuôi bò) sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nguồn cung, giá cả và thói quen tiêu dùng thịt bò trong thời gian tới.
Ông nhận định, hiện nay tỷ lệ sử dụng thịt bò đang tăng nhưng nguồn cung vẫn thiếu. Sự ổn định và liên tục về sản lượng thịt bò Australia từ trang trại của HAGL, cũng như sự cạnh tranh về giá sẽ giúp cho thị trường thịt bò phát triển an toàn và bền vững hơn.
Bầu Đức đang để tiền “sinh sản” ở những quốc gia nào?
Không chỉ đầu tư vào những dự án nghìn tỷ ở trong nước, bầu Đức đã chi ra hàng tỷ đô la để đầu tư vào các dự án tại cao su, khai khoáng, bất động sản, nuôi bò… tại Lào, Campuchia, Thai Lan và Myanmar…
Lào
Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào)…
Về lý do chọn Lào là mảnh đất đầu tư, bầu Đức cho biết, thủa ban đầu đi tìm quỹ đất trồng cao su, ông Đức chỉ tìm những vùng đất đỏ bazan. Nhưng khi sang Thái Lan, thấy không phải đất đỏ mà họ vẫn trồng cao su nhiều. Hỏi ra, ông mới biết, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1 m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống. Mảnh đất ở Attapeu, Lào hội đủ các yếu tố này, lại sát với Gia Lai, nơi đặt trụ sở chính của Hoàng Anh Gia Lai và từ đây qua Thái Lan, xứ sở của cao su chỉ mất 240 km. Không còn điểm nào thuận lợi hơn, bầu Đức quyết tâm gây dựng đại bản doanh thứ 2 của tập đoàn ở vùng đất này.
Cụ thể, bầu Đức có ba dự án trồng cao su, trồng mía đường với tổng diện tích lên đến 30.000 ha. Giá trị đầu tư khoảng 210 triệu USD.
Dự án cụm nhà máy gồm nhà máy sản xuất đường 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy ethanol 12.000 tấn/năm và nhà máy phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm tại tỉnh Attapeu có cùng một loại nguyên liệu là cây mía, giá trị đầu tư 100 triệu USD.
Dự án thủy điện Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét có tổng công suất lên đến 400 MW, trị giá khoảng 500 triệu USD.
Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng tại Xê Kông và một mỏ sắt tại huyện Đắc Chưng tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD. Ngoài ra, dự án hai sân bay tại tỉnh Attapeu và tỉnh Hủa Phăn cũng có giá trị khoảng 60 triệu USD.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho hai tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào. Theo bầu Đức, khi kết thúc các dự án đầu tư vào năm 2014, HAGL sẽ tạo ra một kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD/năm cho hai tỉnh nói trên, trong đó Attapeu chiếm 90%.
Không chỉ đầu tư vào những dự án nghìn tỷ ở trong nước, bầu Đức đã chi ra hàng tỷ đô la để đầu tư vào các dự án tại cao su, khai khoáng, bất động sản, nuôi bò… tại Lào, Campuchia, Thai Lan và Myanmar…
Campuchia
Tiếp theo Lào, năm 2008, HAGL thực hiện chiến dịch “tấn công” sang Campuchia. HAGL hiện có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, HAGL còn có hai mot sắt nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách biên giới với tỉnh Gia Lai của Việt Nam khoảng 40km, có trữ lượng ước tính khoảng 30 triệu tấn quặng.
Mỏ sắt thứ hai được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp quyền khai thác cho HAGL, nằm cách mỏ thứ nhất khoảng 20km. Hiện, tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD, trong đó hai mỏ khoáng sản sẽ tiêu tốn khoảng 40 triệu USD, số còn lại được dành cho các nông trường cao su.
Mới đây, bầu Đức tiếp tục mở rộng đầu tư cho bổ sung khoảng 5.000 ha cây bắp tại Campuchia.
Trên thực tế, hiện nay, cây bắp đang trồng thí điểm tại cả Việt Nam và Capuchia rất thành công cho năng suất hiệu quả gấp đôi. Ước tính, mỗi năm tập đoàn có thể trồng từ 2-3 vụ bắp, năng xuất hàng năm có thể lên tới 28 tấn/ha/năm. Theo giá thị trường là 6.000 đồng/kg cùng với vòng quay vốn ngắn trong vòng 4 tháng, thì việc đầu tư vào cây bắp có thể mang lại hiệu quả lớn, doanh thu vào khoảng 168 triệu đồng/ha.
Chính vì thế, rất có thể năm 2014, tập đoàn HAGL sẽ nâng diện tích trồng cây bắp từ 5.000 ha lên 8.000-10.000 ha và ước tính doanh thu lên đến 1.344 tỷ đồng.
Theo báo Đất Việt nhận xét, đây có thể được coi là một chiến lược thông minh của Hoàng Anh Gia Lai, bởi nếu kế hoạch này được thực hiện và thành công trong năm 2014, thì bắp sẽ trở thành một trong những nguồn thu chính của tập đoàn. Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam nhập khẩu tới 2 triệu tấn bắp, vậy nên trong tương lai, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng cho mặt hàng bắp của bầu Đức.
Myanma
Ngày 4/2/2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã bắt đầu một tham vọng lớn, với việc đưa 1.300 tấn máy móc, trang thiết bị xây dựng chuyên dụng từ Việt Nam sang Thành phố Yangon để phục vụ dự án phức hợp 300 triệu USD tại Myanmar.
Theo kế hoạch, dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar Center có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD (tương đương hơn 6 nghìn tỉ đồng) sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện trong 3 năm từ năm 2013 đến 2015 tập trung xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê 1 và khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, vì muốn nhanh chóng khai thác cơ hội tại Myanamr – “mỏ vàng” mới của thế giới, bầu Đức cho hay sẽ tập trung xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 vào quý II-2014.
Các hạng mục trong giai đoạn 1 bao gồm hai tòa cao ốc văn phòng đã xây xong đến tầng 11, dự kiến cất nóc, xong phần thô vào cuối năm 2014. Hạng mục khách sạn 5 sao đã xây dựng xong tầng 5 và trung tâm tiện ích và khu bán lẻ hiện mới đang được thi công.
Hai tòa cao ốc văn phòng đã xây xong đến tầng 11,hạng mục khách sạn 5 sao đã xây dựng xong tầng 5 và trung tâm tiện ích và khu bán lẻ hiện mới đang được thi công.
Trung tâm thương mại cao 5 tầng (38.000 m2), 2 tòa cao ốc văn phòng cao 22 tầng (tổng diện tích kinh doanh lên tới 85.700 m2) và khách sạn 5 sao (480 phòng, 24 tầng).
Khu phức hợp tại Myanmar dự kiến hoàn tất giai đoạn 1 trong quý I/2015 đối với 2 block bao gồm văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại.
Thái Lan
Thái Lan là thị trường ngoài nước thứ 3 của bầu Đức. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Với việc đầu tư mạnh ra nhiều nước trong khu vực, bầu Đức đang chứng tỏ sức mạnh, ảnh hưởng rộng lớn của Hoàng Anh Gia Lai và đồng thời cũng như một sự thể hiện về khối tài sản khổng lồ như ông từng khẳng định: “Tôi không thiếu tiền. Tôi rất nhiều tiền, thậm chí tiền của tôi có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết được tiền. Tôi làm việc gì đam mê”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-02-04 22:32:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bau-duc-lan-dau-tiet-lo-ve-mang-kinh-doanh-sieu-loi-nhuan-a173939.html