Mực đã được tẩy trắng bằng oxy già thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, nhìn rất bắt mắt.
Thời gian gần đây, hoạt động tẩy trắng được giới kinh doanh mực tiến hành bí mật hơn để tránh cơ quan công an phát hiện.
Sau rất nhiều dư luận báo chí và người dân về việc các cửa hàng thủy hải sản sử dụng oxy già để tẩy trắng mực đã ươn, Cục An toàn thực phẩm vừa có thông báo cho biết qua kiểm tra tại chợ Long Biên (Hà Nội), đoàn kiểm tra phát hiện hai cửa hàng có bình đựng oxy già dùng dở, nhưng tại thời điểm kiểm tra không phát hiện họ đang tẩy mực bằng hóa chất này.
Tuy nhiên đoàn kiểm tra vẫn quyết định xử phạt vì cửa hàng giải trình chưa hợp lý lý do có bình oxy già trong cửa hàng!
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết khi gặp các tổ chức cơ thể bị phân hủy (như cá thịt đã ôi thiu, ươn), thì oxy già nhanh chóng làm sùi các tổ chức bẩn, nhớt, ôi thiu ra ngoài và sau đó có thể dễ dàng rửa sạch phần bẩn nhớt này, đánh lừa cảm quan của người tiêu dùng.
Tuy nhiên phần bên trong của cá, thịt ôi thiu thì oxy già không xử lý được, nên người mua dễ bị nhầm khi nhìn thịt cá đã thiu hỏng được xử lý bằng oxy già.
Vị đại diện này cũng cho biết do không biết rõ nguồn gốc oxy già, trường hợp cửa hàng sử dụng oxy già lẫn tạp chất để rửa cá thịt thiu hỏng thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm sẽ tăng lên nhiều lần.
Nếu mực còn tươi ngon sẽ không cần dùng đến oxy già để tẩy trắng, trong trường hợp phải dùng đến oxy già tức là mực đã hư hỏng, ôi, kém chất lượng.
Ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng
Theo khuyến cáo của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, thực phẩm hết hạn sử dụng nếu tìm cách “đánh lận con đen” như dùng hoá chất làm tươi bề ngoài thực phẩm ươn thối thì chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng, bởi thực phẩm đã hỏng thì không thể thu hồi dinh dưỡng lại được, đã vậy hoá chất sẽ đọng lại, ăn phải rất nguy hiểm.
PGS.TS Lê Đức Mạnh -Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công thương) – cho biết, oxy già là hydro peoxide, công thức hóa học là H2O2. Oxy già có tính oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn, việc dùng oxy già để tẩy trắng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất khắt khe.
Nếu sử dụng loại oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng vì trong oxy già công nghiệp có các tạp chất, tuỳ theo các tạp chất trong oxy già là chất gì mà gây nên các bệnh khác nhau như các bệnh về đường ruột, thần kinh, niêm mạc… PGS Mạnh cũng phân tích rằng, nếu mực còn tươi ngon sẽ không cần dùng đến oxy già để tẩy trắng, trong trường hợp phải dùng đến oxy già tức là mực đã hư hỏng, ôi, kém chất lượng.
Theo IARC (cơ quan Nghiên cứu về ung thư quốc tế), oxy già được xếp vào nhóm ba, nhóm các chất không có khả năng gây ung thư.
Ở đây, việc oxy già có tác dụng tẩy trắng và tác dụng đối với sức khoẻ là hai khía cạnh hoàn toàn khác, thậm chí có một số trường hợp tẩy trắng mang nguy cơ cho sức khoẻ do người tiêu dùng khó nhận biết thực phẩm đã hư hỏng.
Thực tế, nếu các loại hoá chất sử dụng là hoá chất công nghiệp thì còn có nguy cơ nhiễm các chất độc khác. Ðiều đáng nói là quy trình tẩy trắng hải sản quá đát bằng hoá chất ngày càng tinh vi, người tiêu dùng không dễ nhận biết nên dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Oxy già hoà tan rất tốt trong nước, dễ bị rửa trôi và sau khi tham gia phản ứng oxy hoá khử, nó tạo thành nước và hầu như không còn tồn dư trong sản phẩm. Nhưng nếu tồn dư lượng lớn trong thực phẩm, ăn phải sẽ tác động đến hệ thần kinh, gây buồn nôn, xây xẩm.
Ngoài ra, nó tác động đến niêm mạc đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Như vậy, oxy già chỉ gây tổn thương nếu chúng ta tiếp xúc với dung dịch nồng độ cao, khi đó có thể nó sẽ gây cháy da, tổn thương niêm mạc… còn trong trường hợp sản phẩm qua xử lý bằng oxy già và không còn tồn dư oxy già, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hay không thì chưa có báo cáo xác nhận.
Về cách nhận diện cá mực bị tẩy trắng bằng oxy già, PGS TS Lê Đức Mạnh cho rằng, mực đã được tẩy trắng bằng oxy già thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, nhìn rất bắt mắt. Đối với mực ống, người tiêu dùng nên chọn con to, có thịt hơi hồng, đầu dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ, đó là mực ống tươi. Mực nang, nên chọn con to, thịt chắc, không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều toàn thân. Mực ôi là mực có mầu xanh nhạt, thịt nhão, đầu không dính với thân.
“Người tiêu dùng cần hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thực phẩm đã qua xử lý bằng hóa chất. Việc rửa bằng dấm, nước muối cũng chỉ loại được một phần chứ không thể loại triệt để vì hóa chất trong oxy già công nghiệp đã ngấm sâu vào cá mực. Dùng lâu dài cá mực bị tẩy trắng bằng oxy già công nghiệp sẽ rất nguy hiểm đến sức khoẻ và sinh ra nhiều bệnh tật”, PGS TS Lê Đức Mạnh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh – Phó trưởng ban quản lý chợ đầu mối Long Biên, việc sử dụng oxy già để tẩy trắng là có thật, trước đây cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý. Giải thích vì sao mực đông lạnh được nhập từ Đài Loan có giá rất rẻ chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/kg vẫn được đưa vào chợ bán, bà Thịnh cho rằng, vì mực vào chợ đều có hoá đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu kiểm dịch…
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra và tuyên truyền để các hộ kinh doanh mực hiểu và không sử dụng hoá chất để tẩy trắng mực. Thời gian gần đây, các hộ kinh doanh sử dụng theo kiểu lén lút, lợi dụng lúc cơ quan chức năng không để ý nên rất khó phát hiện”, bà Thịnh cho biết.
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-02-07 22:40:27
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ne-muc-tay-trang-bang-oxy-gia-cach-nao-a174352.html