Tại hội chợ Tết, rất nhiều đặc sản vùng miền, đặc sản tiến vua được đem ra trưng bày và bán. Nhưng dường như, sức tiêu thụ với các loại sản phẩm này không lớn.
Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015, nhiều đặc sản vùng miền, đặc sản tiến vua được đem đến các hội chợ để phục vụ nhu cầu hàng Tết của người dân. Tại một hội chợ tại khu triển lãm Giảng Võ, những sản phẩm từ đồ tiêu dùng: bàn, ghế; đồ trang sức; cho đến thực phẩm Tết: giò bê, chuối Đại Hoàng, cá kho Vũ Đại, các loại gà đặc sản: gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà 9 cựa (Phú Thọ), gà Hồ (Bắc Ninh) đều được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, khách hàng đến đây dường như chỉ để… ngắm.
Trong khi những quầy bán hàng ăn như xúc xích, bánh mỳ, bắp rang bơ hay một số cửa hàng bán các món ăn đặc sản: bún, miến, bánh cuốn… đông đúc; thì các gian hàng bán “đặc sản tiến vua” lại thưa thớt người.
Tứ quý gà xuất hiện trong hội chợ Tết Hà Nội.
Đi dạo một vòng quanh khu vực bán các loại gà đặc sản, cá anh vũ… lượng người qua đây đi theo từng tốp, họ dừng lại, xem gà, nhìn bảng giá và… đi. Hiếm hoi mới thấy một khách hàng thực sự quan tâm đến các sản phẩm này.
Vắng bóng người đến mua sản vật tiến Vua.
Tại các gian hàng bán đặc sản tiến vua, gần như, người bán chỉ đứng đó để giới thiệu về sản phẩm của mình. Ít thấy cảnh buôn bán, trao đổi tấp nập giữa người mua và người bán. Tình trạng đông người ngắm, thưa thớt người mua cũng có nhiều lý do. Trong đó, giá cả đắt đỏ cũng là một sự cản trở lớn đối để đưa các sản phẩm này đến tay khách hàng.
Chị Huyền (Kim Mã) cho biết: “Nói thật, hội chợ này tổ chức thường niên, năm nào cũng có. Ra cũng được mà không ra cũng xong. Nhưng đọc báo thấy bảo có nhiều đặc sản tiến vua thì mình hiếu kỳ, ra xem cho biết. Chứ ở đây, gần 50 triệu/ 1 con gà “ngoại” có nguồn gốc từ đảo Java, Indonesia. Gà nội thì cũng vài triệu 1 con… cái gì cũng tính ra tiền triệu. Mà giờ người khôn của khó, người bình dân như mình lấy đâu ra tiền mà mua. 5-7 triệu/con gà thì mình cứ gà ta mà ăn, vừa rẻ, vừa ngon, vừa lành lại truyền thống”.
Gian hàng bán các loại gà tiến Vua cũng vắng bóng khách hàng.
“Chị Hoài Hương (Cầu Giấy –Hà Nội) chia sẻ: “Mình đến đây đi xem là chủ yếu, mất có 5000 đồng/ 1 vé, chỉ ngang tiền vé xe. Xong lại được vào đây ngắm nghía nhiều loại sản phẩm độc đáo, lạ mắt. Thôi thì không mua được thì đi ngắm cho đã mắt. Chứ bây giờ kinh tế khó khăn, chi tiêu bị thắt chặt, mình thì chỉ “chuộng” hàng bình dân, đẹp mà vừa túi tiền”.
Không nói đến vấn đề giá thành, nhiều khách hàng còn thấy “khó tin” trước những lời quảng cáo hoa mỹ và chất lượng của sản phẩm.
Dừng trước một khu vực quây nhốt gà, một vị khách năm nay chừng 60 tuổi chỉ vào con gà giống Ayam Cemani, có nguồn gốc từ Indonesia được rao bán với giá gần 50 triệu/con, ông tặc lưỡi: “Loại gà này được quảng cáo là đắt nhất thế giới, được săn lùng như báu vật, nhưng nhìn toàn thân đen sì, lông thì xù, bẩn bẩn, chắc gì đã ngon bằng gà ta”.
Một chủ hàng tại gian hàng Đặc sản tiến Vua cho biết: “Lượng hàng bán ra rất ít. Khách hàng đến tham quan là nhiều. Hoa quả còn bán được một chút chứ gà hay đồ gỗ thì gần như là không”.
Lý giải thêm về tình trạng này, chủ hàng cho hay, những sản phẩm tiến vua hiện cũng đang được rao bán rất phổ biến trên một vài trang web. Trong đó, dịch vụ đặt hàng sản phẩm, mang đến tận nơi đều rất tiện dụng.
Mộc Miên – Xuân Tùng
Clip: Cận cảnh đào tiến vua giá hàng chục triệu
2015-02-10 00:32:19
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-dac-san-co-gia-tien-vua-nen-thuong-de-tho-o-a174556.html