Cách đây 4 năm, trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản đã cướp đi những người thân yêu nhất của Sayaka Sugawara.
4 năm sau thảm họa kép ở Nhật, cô gái ngày nào đã cố gắng vượt qua nỗi đau và lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, cái ngày định mệnh ấy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của cô.
Vào buổi sáng, Sayaka, khi đó 15 tuổi, đã có linh cảm rằng “hôm nay sẽ là một ngày đặc biệt mà tôi sẽ nhớ mãi”.
Hôm đó, Sayaka Sugawara đi dự lễ tốt nghiệp cấp hai cùng các bạn ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Khi buổi lễ kết thúc, cô chào tạm biệt các bạn cùng lớp rồi trở về nhà. Sau đó, mặt đất bắt đầu rung chuyển. “Ngày đặc biệt” ấy chính là ngày 11/3/2011.
Sugawara cảm thấy cô đã mất tất cả vào ngày hôm đó, khi cơn sóng thần gây ra bởi trận đất động đất mạnh 9 độ Richter đã phá hủy nhà cửa và cướp đi sinh mạng của mẹ, bà và cụ.
Hiện giờ, Sugawara đã 19 tuổi và không còn quá đau đớn hay mang cảm giác trống rỗng, thiếu tình thương từ những người thân yêu khi cô trở lại với sở thích viết lách.
Hồi học lớp 3, Sugawara từng đạt giải với bài văn viết về sở thích làm đồ gốm của ông nội. Năm học cấp hai, Sugawara từng đặt hết tâm huyết, suy nghĩ của mình trong một bài phát biểu và trở thành phó chủ tịch hội học sinh của trường. Tuy nhiên, trận thảm họa năm ấy đã cướp đi mọi thứ.
Tháng 5/2011, Sugawara vào trung học ở Sendai. Bạn cùng lớp với Sugawara, những người không bị ảnh hưởng bởi trận động đất, sóng thần năm đó, cho rằng, cô gặp hoàn cảnh như vậy là do sống gần biển.
Không thể tập trung vào việc học, kết quả học tập của Sugawara ngày càng tụt dốc. Mặc dù sống trong ký túc xá nhưng Sugawara chẳng có ai để tâm sự bởi những học sinh khác chỉ biết học.
Những lúc Sugawara cảm thấy mình trở nên ngày càng nhỏ bé, ông cô lại khích lệ: “Cháu có thể lại được sống cùng tất cả mọi người khi cháu chết đi. Hãy làm những gì chúng ta có thể ngay bây giờ”. Được biết, ông của Sugawara đã thoát được thảm họa bởi hôm đó ông đang ở nơi làm việc.
Tháng 6/2011, Sugawara viết một bài luận nói về trải nghiệm của cô trong thảm họa.
“Trong mắt nhiều người, có thể tôi là một nữ sinh trung học đáng thương, nhưng tôi không cảm thấy như vậy”, Sugawara viết.
Sayaka Sugawara đã mất đi mẹ, bà và cụ trong thảm họa kép ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011.
Trong bài viết, Sugawara miêu tả lại cảnh phải ngâm mình trong dòng nước đen ngòm, lạnh buốt như thế nào. Nước tràn vào đã nhấn chìm ngôi nhà và cô không biết mình phải chịu đựng hoàn cảnh ấy bao lâu.
Sugawara cố gắng tìm đường sống sót bằng cách bám vào một mảnh vỡ. Không lâu sau, dòng nước đưa mẹ của Sugawara trôi vào cùng chỗ với cô nhưng bà bị kẹt dưới đống đổ nát.
Cô con gái tuyệt vọng khi muốn giải thoát cho mẹ nhưng đống đổ nát quá nặng khiến Sugawara không thể nhấc nổi để cứu mẹ. Nghĩ rằng một cơn sóng thần thứ hai có thể ập đến bất cứ lúc nào, Sugawara chỉ biết nói “Mẹ ơi, con yêu mẹ” rồi trôi theo dòng nước. Bà và cụ của Sugawara cũng chết trong ngôi nhà ấy.
Tuy nhiên, bài viết của Sugawara không chỉ tập trung nói về nỗi mất mát. “Sau trải nghiệm ấy, tôi đã có nhiều cơ hội mới”, Sugawara viết.
Một trong số đó là cơ hội được nói về những gì đã trải qua trong thảm họa ở nước ngoài. Chính lần ấy đã giúp Sugawara tìm thấy mục tiêu trong cuộc sống.
Tại sự kiện Summer Davos dành cho những người trẻ do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức năm 2011, Sugawara đã gặp một sinh viên cũng sống sót sau trận động đất năm 2008 ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
“Nhật Bản may mắn vì công cuộc tái thiết đang diễn ra nhanh chóng, sinh viên Trung Quốc nói với Sugawara.
Sau đó, Sugawara nhận ra rằng, mọi người khắp thế giới đang sống ở nơi còn lạnh hơn những căn nhà tạm dành cho người đi sơ tán ở vùng Tohoku.
Cô cũng muốn các nạn nhân thiên tai ở Nhật Bản và nước ngoài làm quen và tìm cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau.
Không lâu sau, Sugawara tham gia thành lập nhóm Hand Down Tohoku cùng nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học khác, những người từng trải qua thảm họa kép năm 2011. Mục tiêu của nhóm là chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Trong vòng ba năm qua, Sugawara đã nói về trải nghiệm của mình khoảng 60 lần. Tuy nhiên, cô cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới sau những bài phát biểu này.
Một giáo sư đại học từng nghe Sugawara phát biểu đã hỏi cô: “Tôi thấy bài nói chuyện này là về quản lý thảm họa nhưng bạn đã nghiên cứu bản đồ rủi ro chưa?”.
Sugawara cho biết, cô có ý định nghiên cứu những chủ đề như vậy sau khi cô vào đại học vào mùa xuân năm nay. Sugawara cho rằng, kiến thức hiện tại của cô có thể chưa đủ để giúp người nghe có được những thông tin cụ thể và hữu ích về kỹ thuật quản lý thảm họa.
“Bởi vì người Nhật Bản rất nghiêm túc, mỗi cá nhân đều tìm kiếm sự hoàn hảo. Tuy nhiên, mỗi người lại có thể làm và làm tốt những điều khác nhau. Dù là người lớn hay trẻ em, nếu cùng hợp tác, họ có thể làm được nhiều điều”, Sugawara nói.
Sau khi nghe bài phát biểu của Sagawara, nhiều người đã cảm nhận được nỗi mất mát mà cô đã trải qua cũng như biết trân trọng hơn những khoảnh khắc quý giá bên người thân yêu.
“Tôi sẽ không bao giờ khiến mẹ tôi phải buồn nữa”, một người nói.
Sugawara cảm thấy buồn vì mẹ, bà và cụ sẽ không thể bên cạnh trong những sự kiện quan trọng diễn ra trong đời cô như vào đại học, tìm việc làm và kết hôn. Dù vậy, quyết tâm mà Sugawara đã thể hiện trong bài viết 3 tháng sau thảm họa vẫn không thay đổi.
“Trong phần đời còn lại, tôi muốn gặt hái được thành quả bằng với những gì tôi đã mất”, Sugawara chia sẻ.
Thiên Bình (Theo Asahi Shimbun)
2015-03-13 15:40:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ky-uc-cua-co-gai-song-sot-ky-dieu-sau-tham-hoa-kep-o-nhat-a177933.html