Sự thật ấn Đền Trần ở Thái Bình
Monday, March 2, 2015 21:28
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Sự thật ấn Đền Trần ở Thái Bình |
Ấn Đền Trần ở Hưng Hà, Thái Bình không phải là ấn của Vua Trần. Đó chỉ là một phiên bản ông chằng bà chuộc, có khả năng phát xuất tận xứ Tàu!
“Ấn đền Trần” ở Hưng Hà, Thái Bình; Bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” trên ấn đền Trần ở Hưng Hà;
Bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” theo lối Tiểu triện
(Từ trên xuống dưới, từ phải qua trái)- Ảnh: TL, Thiên Hỏa..
|
Gần đây, việc khai ấn đầu năm ở các miếu đền có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với hiện tượng đó có không ít chuyện bất cập. Đầu xuân năm nay, ngoài đền Trần ở Nam Định, tại đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình cũng có lễ khai ấn.
Lễ khai ấn tại đền Trần Hưng Hà bắt đầu vào ngày 13 tháng Giêng, được tổ chức khá quy mô, với sự tham dự của hàng vạn người dân. Đồng thời trong dịp khai ấn này, đã có hàng vạn bản ấn được đóng, phát/bán cho nhân dân. Đối với lễ khai ấn ở ngôi đền này, sự bất cập thể hiện ngay ra ở chính quả ấn được đóng.
Bìa cuốn sách “Từ Tam Canh ấn phổ”. |
Quả ấn ở trong chum cổ?
Được biết, quả ấn trên vốn được ông Trần Độ – một nghệ nhân gốm ở Bát Tràng cung tiến. Ông Phạm Minh Trọng – Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho phóng viên tờ Văn hóa biết “chính ông là người đã tiếp xúc với ông Trần Độ, … để vận động ông này cung tiến chiếc ấn cho khu di tích đền Trần”.
Khi được phóng viên hỏi về nguồn gốc quả ấn, ông Độ cho biết ông được nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Thái – một nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở Hà Nội. Ông Độ thuật lại, nhân khi ông đến nhà ông Thái “thấy một món đồ được ông Thái để dưới gầm tủ. Hỏi cái gì, ông Thái trả lời rằng đó là chiếc ấn của vua Trần. Cả bà vợ ông Thái cũng nói như chồng”. “Ấn của vua Trần” mà ông Thái lại để ở “gầm tủ”?!
Về gốc gác quả ấn, ông Thái cho biết: “Tôi có nó đã hơn chục năm rồi. Lúc ấy nghe tin ở Hòa Bình đào được một cái chum cổ, tôi lên ngay, mua cả chum mang về. Đập chum ra, thấy bên trong có đất, một ít tiền cổ và chiếc ấn này”.
Cả người bán và người mua đều không biết trong chum có vật gì mà vẫn có giao dịch? Không biết trong chum cổ có vật gì, nhưng ông Thái vẫn mua về để… đập, sau khi đập chum ra, ông có được “ấn của vua Trần”(?!).
Đó là chưa kể, thật khó hiểu vì sao mà ấn lại chui vào chum? Và chum thế nào mà lại không lấy được ấn ra theo cách bình thường, mà phải đập?
Khi được hỏi: “… Ông có thể cho biết ông đã mua được chiếc chum đó ở địa phương nào ở Hòa Bình, và người bán cho ông tên gì không?”. Ông Thái đáp rằng: “Thú thật là tôi không nhớ nữa. Tôi chỉ biết ở Hòa Bình, gốm Lý, gốm Trần rất nhiều…”.
Như vậy, có thể thấy rằng nguồn gốc của quả ấn đền Trần tại Hưng Hà – Thái Bình hiện vẫn còn nhiều điểm bất minh. Rất lạ là dù chưa qua giám định của chuyên gia về ấn chương, lễ khai ấn vẫn được tiến hành, quả ấn đã được đem in và phát tán rộng rãi cho nhân dân.
Ấn “Thượng nguyên Chu thị”, trang 20, Sách “Từ Tam Canh ấn phổ”. |
Hoang mang vì chữ trên ấn
Trên mặt ấn đền Trần tại Hưng Hà khắc bốn chữ. Được biết, trong buổi làm việc tại Sở Văn hóa thể thao du lịch và Bảo tàng tỉnh Thái Bình ngày mồng 7 tháng 4, một phóng viên “có hỏi nhiều cán bộ có trách nhiệm về nghĩa của những chữ này thì ai cũng lắc đầu không dám khẳng định bất cứ nội dung nào được nêu ra”(?!).
Ông Vũ Đức Thơm – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình – cho rằng đó là bốn chữ “Thiên nhân hộ quốc”. Ông cho “Hai chữ “thiên nhân” dễ nhận ra”, còn hai chữ “hộ quốc” là do ông “đoán vậy”.
Ông Thơm nói rằng ông cũng đã thông qua một cán bộ ở Bộ Công an, “nhờ GS Vũ Khiêu đọc giúp, và GS trả lời rằng đó là bốn chữ “Quốc vương thiên nhân”.
Ông Phạm Minh Trọng – người vận động ông Trần Độ cung tiến quả ấn – thì thừa nhận rằng ông “không biết chính xác nội dung bốn chữ đó”, ông chỉ được nghe người ta nói lại nội dung bốn chữ đó nhưng ông cũng không dám chắc nó có nghĩa gì!
Cụ Nguyễn Tiến Đoàn, nhà nghiên cứu văn hóa, người rất giỏi chữ Hán, đã phủ nhận cả hai cách đọc “Thiên nhân hộ quốc” và “Quốc vương thiên nhân”, khẳng định đó là “kiểu chữ triện”, “chữ trong lòng ấn lại khắc ngược, muốn đọc nó, phải nhìn chiều trái phía sau tấm lụa đóng ấn”.
Theo cụ: “Nhìn chiều trái đằng sau, thì bốn chữ ấy là “Chu thị Thượng nguyên”, còn nhìn chiều phải, nó là “Thượng nguyên Chu thị”, có nghĩa là “Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu”, vậy thôi”. Khi được hỏi “Phải chăng đây là ấn riêng của nhà họ Chu nào đó?”, cụ cho rằng “Điều này còn phải nghiên cứu thêm”, nhưng theo cụ, đây “khó có thể là ấn của vua được”.
Như vậy, chỉ với bốn chữ trên quả ấn đền Trần tại Hưng Hà, hiện ít nhất đã có ba cách đọc khác nhau. Vấn đề được mọi người quan tâm là rốt cục bốn chữ khắc trên ấn đền Trần Hưng Hà là những chữ gì? Tại sao lại khắc những chữ đó? Nội dung của nó có phù hợp với đền Trần không?
Văn bản của Cục Di sản văn hóa gửi Bộ trưởng (trích) khẳng định rõ bản chất của “ấn đền Trần” ở Thái Bình.
Nhái mẫu ấn trong sách
Có thể dễ dàng khẳng định quả ấn được khắc bốn chữ, đó là thể chữ Triện, vốn thông dụng từ thời Chiến quốc cho đến thời Tần.
Bốn chữ này khắc nổi (dương văn), và đúng như cụ Nguyễn Tiến Đoàn đã khẳng định, chúng đã bị “khắc ngược” (vì bốn chữ này được khắc xuôi trên ấn, nhưng khi đóng ấn, chúng sẽ thành ngược, trái với thông lệ).
Trong ba cách đọc nêu trên, không quá khó để khẳng định cách đọc của cụ Nguyễn Tiến Đoàn mới là chuẩn xác.
Đây là bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” theo lối chữ Tiểu triện tiêu chuẩn, và bốn chữ với nội dung tương tự trên ấn đền Trần ở Hưng Hà:
Tuy đọc đúng bốn chữ khắc trên quả ấn, song cách cụ Nguyễn Tiến Đoàn dịch “Thượng nguyên Chu thị” là “Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu” tuy đã khá dễ hiểu song thực ra cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Cứ coi các chữ ở đây dùng với nghĩa thông dụng nhất (“Chu thị” là “Họ Chu”, “Thượng nguyên” là “tiết Thượng nguyên”), thì theo cú pháp Hán văn, cần dịch là “Họ Chu [của] tiết Thượng nguyên”.
Tuy nhiên, dẫu dịch như vậy thì bốn chữ này vẫn tối nghĩa và trái với logic thông thường. Bỏ qua nhiều yếu tố bất cập khác của quả ấn, riêng xét nội dung bốn chữ được khắc trên ấn, dẫu hiểu cách gì đi chăng nữa thì chúng cũng không có nghĩa nào phù hợp với di tích thờ các vị vua sáng tôi hiền thời nhà Trần.
Vậy gốc gác bốn chữ kia từ đâu mà ra? Rốt cục ý nghĩa đích thực của nó là gì?
Trong nghề làm dấu (ấn chương), thợ khắc thường lấy mẫu chữ trên ấn chương của các danh gia thời trước (hoặc các chữ mẫu nói chung), khắc xuôi chiều lên con dấu. Với cách khắc như vậy, để biết nội dung con dấu, người đọc/xem chỉ cần coi trực tiếp trên quả ấn. Kiểu khắc này chủ yếu để trang trí, trưng bày, vì nếu đem đóng thì chữ sẽ bị ngược.
Tìm hiểu theo hướng này, xem tác phẩm ấn chương của danh gia triện khắc các đời để lại, kết quả cho thấy quả ấn đền Trần ở Hưng Hà lấy mẫu từ chiếc ấn khắc bốn chữ tương tự do Từ Tam Canh, một nghệ thuật gia nổi tiếng về thư pháp và triện khắc cuối thời nhà Thanh ở Trung Quốc sáng tác.
Muốn kiểm chứng, ta có thể xem các sách tập hợp tác phẩm của Từ Tam Canh, chẳng hạn sách Từ Tam Canh ấn phổ, do Thượng Hải Thư tịch xuất bản năm 1993. Trong sách này, ấn “Thượng nguyên Chu thị” ở trang 99. Hoặc xem Tăng bổ Từ Tam Canh ấn phổ, bản in ảnh ấn của Vũ Hán Cổ tịch thư điếm năm 1990. Trong sách này, ấn “Thượng chương Chu thị” ở trang 20.
Từ Tam Canh (1826-1890), tên tự là Tân Cốc và Sân Quách, hiệu là Toàn Lôi, Tỉnh Lôi, Kim Lôi đạo nhân, v.v… người ở Đại Cần, Chương Trấn, Thượng Ngu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
“Thượng nguyên Chu thị” là ấn chương do Từ Tam Canh khắc theo yêu cầu của một người họ Chu tại huyện Thượng Nguyên đương thời (huyện Thượng Nguyên có từ thời Đường, sau nhiều lần thay đổi, đến năm 1912 sáp nhập vào huyện Giang Ninh, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Do vậy, bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” (viết đúng chính tả là “Thượng Nguyên Chu thị”), có nghĩa là: “[Ấn chương] của [người] họ Chu ở huyện Thượng Nguyên”.
Từ Tam Canh sinh năm 1826, mất năm 1890. Thấy ngay quả ấn “Thượng Nguyên Chu thị” đến nay mới chỉ có niên đại chưa đến hai trăm năm. Ấn do Từ Tam Canh khắc, theo bản in, vốn là ấn tên riêng (danh chương), chữ khắc chìm (âm văn), khi in thì đường nét chữ hiện màu trắng (cho nên còn gọi là “bạch văn ấn”).
Ấn đền Trần ở Hưng Hà khắc nổi (dương văn), khắc bị ngược. Còn con rồng trang trí trên ấn mang phong cách thời Hán, là vì Từ Tam Canh khi làm ấn thường phỏng theo phong cách ấn chương thời Tần – Hán, nên người đời sau khi mô phỏng ấn chương của ông cũng cố gắng học theo.
Từ đó mà suy, ấn đền Trần ở Hưng Hà có dấu hiệu chỉ là một phiên bản “ông chằng bà chuộc” phỏng theo một cái danh chương cá nhân của một người họ Chu ở huyện Thượng Nguyên, Trung Quốc không hơn không kém, hoặc có thể là sản phẩm mĩ nghệ, ấn trưng bày, ấn mẫu của một cửa hàng khắc ấn nào đó ở Trung Quốc (?).
Đem ấn chương “nhái”, mô phỏng theo bản ấn do Từ Tam Canh người cuối thời Thanh khắc (bị khắc ngược) về đóng ở đền thờ các bậc vua sáng tôi hiền nhà Trần, phát tán cho hàng vạn dân, tự “nhận vơ” là ấn cổ, ấn quý, “ấn vua Trần”,… việc làm u tối, hồ đồ và tắc trách như vậy phải chăng không chỉ liên quan đến sự hạn chế về nhận thức mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa?
Thử hỏi những người dân đã đến đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình xin ấn với biết bao ước muốn giờ đây sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi biết rằng bản ấn mà họ đã xin, mua được thực chất chỉ là bản ấn được in ra từ một quả ấn rởm, khắc ngược…chứ hoàn toàn không phải là “ấn vua Trần”?
Trường Phong (Tiền Phong)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo