Tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”
Monday, March 23, 2015 18:53
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Chiều ngày 23/3, tại khách sạn Cầu Giấy – Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” do Trung tâm con người và thiên nhiên cùng Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng tổ chức.
Diễn giả là các nhà khoa học có uy tín:
1, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
2, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm môi trường và đô thị công nghiệp
3, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam
4, TS Nguyễn Tiến Hiệp – Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam
5, TS.KTS Phó Đức Tùng, Đại học Lâm nghiệp
6, Kỹ sư cao cấp lâm nghiệp đô thị Phan Thanh Giang
7, Luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội.
Ban Tổ chức có mời đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng Sở Xây dựng Hà Nội nhưng lãnh đạo thành phố vắng mặt.
Dù bất ngờ gặp sự cố mất điện trước khi khai mạc nhưng hàng trăm phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cùng nhân dân tâm huyết với Thủ đô vẫn yên lặng để lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia pháp luật.
Kỹ sư Phan Thanh Giang: Cải tạo là đúng. Nhưng cải tạo bằng phương pháp nào? Thời gian và địa điểm chọn ở đâu? Không nên làm trước trong nội thành. Thời gian cấp tập để chặt một loạt cây thì tôi cho là tối kỵ. Phải xem kỹ và dần dần, cây nào cần thiết lắm thì mới chặt.
Vấn đề chọn cây: trong tính chất cảnh quan đường phố của Thủ đô thì viết rất đúng, sau này phải thực hiện đúng, tức là sắc thái của từng cảnh quan đường phố đi với kiến trúc hai bên, đi với dân sinh hai bên để chọn cây.
Ví dụ đường Thanh Niên, dự kiến đưa 40 cây vàng anh trồng thay thế. Loài cây này đến mùa nở hoa, hoa rụng thì bẩn vô cùng. Nó điểm xuyết trong kiến trúc cảnh quan thì được, nhưng đưa ra hàng loạt để trồng ở đường phố là hỏng. Đường Thanh Niên rất mơ mộng, cây làm sao để mở không gian thưởng thức cảnh đẹp hai bên Hồ Tây và hồ Trúc Bạch chứ, có phải chốn bóng mát đâu mà trồng vàng anh? Cho nên chọn cây tùy phố, tùy công trình. Tôi thấy rằng chưa xử lý cây cho đúng.
TS. Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
TS Phạm Sỹ Liêm: Qua đề án và phát biểu của các quan chức Hà Nội có liên quan thì tôi đánh giá họ chưa hiểu hết chức năng, tác dụng và vai trò của cây xanh. Cây xanh lớn lên cùng con người, cây và người trở thành bạn bè với nhau. Bây giờ chặt cây thì không khác gì giết một người bạn của tôi. Hà Nội triệt hạ cây xanh như vừa rồi chẳng khác gì vụ thảm sát Mỹ Lai.
GS Nguyễn Lân Dũng: Lãnh đạo Hà Nội nói đợt chặt cây vừa qua không phải là chiến dịch. Tôi tra từ điển, định nghĩa chiến dịch là nhiều người tham gia trong một thời gian ngắn; thì đây rõ ràng là một chiến dịch rất đông người, rất cấp tập và trên mạng nói làm nhanh hơn cả lâm tặc.
Việc Hà Nội không thèm quan tâm đến các nhà khoa học, không thèm quan tâm đến nhân dân là điều rất khó hiểu. Phải nói rằng điều làm tôi vô cùng đau xót đó là Hà Nội không biết rút kinh nghiệm. Hà Nội chặt hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi tôi thấy xót xa quá. Quy hoạch đó tôi nghĩ rằng nó vô lý, có nhất thiết phải chặt cây xanh không?
Việc chặt cây không nằm trong quy hoạch vì thế ở đây cần có sự thanh tra. Theo tôi, vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương chặt cây xanh ở Hà Nội chứ không phải như hiện nay là tạm ngừng công tác để kiểm điểm. Tôi có một kiến nghị mạnh mẽ: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, việc này không phải bức xúc của người Hà Nội mà là của nhân dân cả nước. Thủ tướng cần chỉ đạo thanh tra chính phủ vào cuộc. Chứ còn rút kinh nghiệm, rồi rút kinh nghiệm nữa, vẫn thế.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Tôi có cảm giác trong thời gian vừa qua Hà Nội tổ chức ra quân thực hiện một chiến dịch tàn phá cây.
Hôm 20/3, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng họp báo có nói: Đề án thay thế cây là chủ trương đúng, tuy nhiên sự nôn nóng của các nhà tài trợ không thông tin minh bạch, các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình. Tôi thấy nói như ông Hùng như vậy thì hoàn toàn không thấy hết những cái sai lầm nghiêm trọng và những hậu quả vô cùng lớn đối với môi trường, đối với xã hội, đối với cảnh quan, đối với kiến trúc, đối với Hà Nội của chúng ta, đối với lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
Theo tôi nghĩ, sai lầm đó xuất phát từ ngay việc chỉ đạo xây dựng đề án và duyệt đề án. Chứ còn việc thực hiện đề án chỉ giao cho người ta làm thôi chứ. Nếu có khuyết điểm thì khuyết điểm là người chỉ đạo, người thông qua, người duyệt đề án đó. Một đề án hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Chúng ta cứ thử đọc lại đề án mà xem. Tự nhiên đưa ra 6.708 cây phải chặt thay thế. Nhưng vì sao phải chặt thay thế và việc đưa ra số lượng này vừa phạm pháp vừa không có cơ sở khoa học.
Ngày 22/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đưa ra chỉ đạo quyết định dừng việc chặt cây, thay thế cây. Tôi cho rằng quyết định này là chưa đủ, chưa tương xứng với những sai lầm đã đưa ra mà hậu quả gánh phải. Theo tôi, nếu như dũng cảm thì lãnh đạo Hà Nội phải xin lỗi dân vì đã làm một việc phản khoa học, phản lòng dân.
Thứ hai là phải tuyên bố rằng phải dừng đề án này và phải sửa sai chứ. Thứ ba là phải lên kế hoạch giải quyết ngay hậu quả của nó một cách nhanh chóng. Cuối cùng thì phải xử lý những người đã có liên quan, kể cả những người đứng đầu thành phố; chứ còn những anh em ở Sở Xây dựng họ chỉ chấp hành thôi.
Đó là nói chuyện đề án đã sai; nói về hàng cây trên đường Nguyễn Trãi, đường Láng, đường Bưởi… thì cây đó là sai với Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Đầu tư. Tôi nói rằng tất cả các dự án đầu tư có chuyện chặt cây, phá nhà, giải phóng mặt bằng… tất cả tác động của nó phải được báo cáo trong Báo cáo tác động môi trường và phải được hội đồng thẩm định thông qua rồi mới được khởi công.
Tôi có tham gia Hội đồng đánh giá đường sắt cao tốc đó. Hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án cũng như tư vấn rằng sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi, đường Láng hay đường Bưởi. Hoàn toàn không có chuyện đó. Không có Hội đồng thông qua chủ trương đó. Bây giờ trong lúc thi công như vậy, tự nhiên Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra ngay chủ trương chặt hết đi, chẳng phải xin phép ai.
Như vậy là 2 việc chặt cây vừa qua nằm trong 2 lĩnh vực khác nhau nhưng đều không đúng pháp luật. Tôi cho rằng đây là sai lầm của những người lãnh đạo, không thể đổ trách nhiệm sang cho người thi hành. Đặc biệt lại đổ trách nhiệm cho các tổ chức tài trợ. Tổ chức tài trợ người ta ghi rõ tài trợ để phát triển cây xanh, không ai đi tài trợ để chặt cây xanh cả.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm, cách làm việc của lãnh đạo Hà Nội như thế này thì môi trường Hà Nội còn bị ô nhiễm và dân Hà Nội còn bị khổ sở về môi trường, cây xanh không phát triển được.
Ông Phạm Đức Bảo – Đại học Luật Hà Nội: Dù đã lobby để chạy bằng được có Luật Thủ đô nhưng tôi cảm giác lãnh đạo Hà Nội không làm theo luật. Có GS Nguyễn Lân Dũng khi đó là ĐBQH, tôi cũng được Hà Nội mời thẩm định Luật. Tôi vốn làm chuyên môn đơn thuần, có sử dụng Fb. Bình thường, các bài tôi viết có khi chỉ nhận được 200-300 like. Khi tôi đề nghị Cách chức Phó Chủ tịch Hà Nội, có đến 7.000 like.
Luật Thủ đô là của Quốc hội chứ Luật Thủ đô không phải là một văn bản của thành phố Hà Nội. Việc chặt cây xanh không tuân theo Luật Thủ đô thì đó là vi phạm. Cây xanh của Hà Nội đã trở thành cây xanh của cả nước.
Việc chặt cây xanh của Hà Nội là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, đã có yếu tố cấu thành tội phạm. Vi thế, tôi đề nghị khởi tố hình sự về tội cố ý làm trái, tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./.
L.M
Quang cảnh buổi tọa đàm diễn ra chiều nay 23.03.2015:
Ảnh: FB Thanh Sơn
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo