Nhận thấy được nông nghiệp là một “mỏ vàng” thời gian gần đây nhiều đại gia Việt đã đổ hàng nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh này.
Kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong tương lai
Đại gia Việt và tham vọng làm giàu từ nông nghiệp
Hiện tại Việt Nam có khoảng 70% dân số là nông dân, đất nông nghiệp là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4% tổng diện tích). Phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân là một trong những ưu tiên chiến lược trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để thực sự mục tiêu phát triển này theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước thì cần rất nhiều giải pháp có tầm nhìn lâu dài.
Nhận thấy được nông nghiệp là một “mỏ vàng” thời gian gần đây nhiều đại gia Việt đã đổ hàng nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh này.
Đi trước đón đầu trong lĩnh vực này phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Trong kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, ông Đoàn Nguyên Đức- Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: HAGL đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Cụ thể doanh thu năm 2014, HAGL đạt 5.340 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ nuôi bò thịt chiếm 46%, tương ứng với 2.475 tỷ đồng, doanh thu từ bán mủ cao su, bán đường của tập đoàn đạt gần 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu.
Doanh thu thuần trong năm 2015 sẽ tăng 75%, lãi trước thuế khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014.
Theo kế hoạch, HAGL sẽ không mở rộng diện tích ngành cao su mà tiếp tục chăm sóc hơn 42.500 ha cao su đã trồng, chăm sóc và thu hoạch 6.000 ha mía. Với cây cọ dầu, HAGL dự kiến sẽ trồng thêm 13.000 ha trong năm nay, cùng với việc lắp đặt thiết bị và hoàn thành nhà máy chế biến dầu cọ tại Campuchia. Đồng thời, HAGL triển khai trồng 3.000 ha bắp trong năm nay tại Lào và Campuchia, chủ yếu để phục vụ thức ăn cho chăn nuôi bò.
Đại gia tiếp theo là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) “rót” 300 tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Lý giải cho sự mạnh tay này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 3 vừa qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG khẳng định: “Hòa Phát đầu tư vào lĩnh vực này không phải chạy theo mốt mà theo đúng nhu cầu và truyền thống, đó là tổ chức sản xuất và phân phối những sản phẩm thô, cho số lượng nhiều”.
Cũng theo ông Long, Hòa Phát sẽ tiến hành thử nghiệm, khi có kết quả tốt mới mở rộng quy mô. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được đặt tại Phố Nối (Hưng Yên), với tên gọi Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát.
Tham vọng của HPG là kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao trở thành ngành hàng mũi nhọn với dự kiến năm 2020 sẽ có 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn.
Mới đây nhất Tập đoàn Vingroup chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco có số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng trong đó VinGroup đầu tư 70% cổ phần, dự kiến triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thương hiệu VinEco tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. VinEco sẽ cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.
Đầu ra cho nông sản VinEco sẽ được đảm bảo bởi hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Ngoài 3 đại gia trên thì còn có những dự án đầu tư cho kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao như dự án đầu tư nuôi bò Kobe nghe nhạc, trồng mía của cựu chủ tịch Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành và Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tập trung, quy mô công nghiệp” của TH triển khai từ tháng 10/2009 trên diện tích 37 nghìn ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Thực trạng doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc đầu tư cho nông nghiệp
Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng chỉ ra rằng vấn đề nan giải của nền kinh tế Việt Nam sau mấy chục năm phát triển chính là lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm tới 20% GDP nhưng chỉ có 1% số doanh nghiệp là đầu tư vào khu vực này.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp khá thấp, chỉ chiếm 3% tổng dự án, 1,49% tổng vốn đăng ký và có xu hướng ngày càng giảm. Các dự án FDI lĩnh vực NN phần lớn có quy mô nhỏ. Trong khi quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI khoảng 14,7 triệu USD, một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.
Trong bản tham luận về báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014, Tiến sĩ Phạm Thu Hằng-Tổng thư ký VCCI thì hiện cả nước chỉ có 3.635 doanh nghiệp nông lâm thủy sản, một con số quá nhỏ bé so với hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và 3,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tỷ trọng doanh nghiệp trong nông lâm thủy sản ngày càng có xu hướng giảm, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. Theo bà Hằng: “Điều này cho thấy, sự phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp kém hơn hẳn sự phát triển của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nông nghiệp được xem là quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm”.
Đầu tư cho NNCNC là hướng đi đúng đắn có tầm nhìn
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc các đại gia Việt thời gian gần đây đưa ra những dự án táo bạo cho sự phát triển ngành nông nghiệp và ông khuyến khích các doanh nghiệp hãy biến công cuộc đầu tư cho nông nghiệp trở thành trào lưu để có những bước phát triển đột phá nhất.
Hiện nay số lượng doanh nghiệp kinh doanh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp khá khiêm tốn nên “mỏ vàng” nông nghiệp chưa được khai thác đúng cách và triệt đễ nhất. Chính vì thế việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lịch vực này được ví như “cuộc cách mạng xanh”.
Ở một quốc gia có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp như nước ta cùng với đó là nguồn nhân công dồi dào thấy sức hút và tiềm năng rất lớn của ngành nông nghiệp nếu được đầu tư, được canh tác, khai thác có bài bản và khoa học.
Việc các doanh nghiệp lớn đổ xô đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì họ nhận thấy đây là lĩnh vực tiềm năng, mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp của mình. Những lợi thế về nguồn vốn, cách quản lý và khoa học kĩ thuật tiên tiến, đã khiến cách doanh nghiệp táo bạo và tự tin triển khai kế hoạch của mình.
Cần tổ chức mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, nếu mô hình nào tốt sẽ mang lại hiệu quả và lợi nhuận cho chính doanh nghiệp đầu tư cũng như mỗi người dân.
Những “ông lớn” nắm trong tay nguồn vốn và khoa học công nghệ, nếu có một chiến lược đầu tư đúng đắn dài hạn cùng với đó là nâng cao năng lực tay nghề cho đội ngũ công nhân thì việc thành công trong kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao là một điều tất yếu.
Để cho “cuộc cách mạng xanh” đạt được những thành tựu thì ngay từ bây giờ cần có những chính sách phát triển ngành kinh doanh nông nghiệp như: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, đẩy nhanh việc hình thành cụm liên kết công nông nghiệp, tăng cường dịch vụ đào tạo sản xuất thực phẩm với điều kiện vệ sinh cao, khuyến khích ngành công nghiệp bao bì đóng gói và xây dựng các chính sách phát triển doanh nghiệp trong ngành Nông – Lâm – Thủy sản.
Cũng tại buổi tham luận ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ rằng nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 tới đây VCCI sẽ tổ chức trao giải thưởng Mai An Tiêm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiêp.
Hoàng Hà
2015-04-16 17:08:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dai-gia-viet-do-tien-ty-khai-thac-mo-vang-nong-nghiep-a183921.html