Tác giả: Justin Doolittle
Châu Mỹ Latin luôn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp cá mập. Trong nhiều thập kỷ, dưới sự ủng hộ của các chính quyền do phương Tây hậu thuẫn, thân thiện với doanh nghiệp nhưng tàn bạo với công dân của họ, những con quái vật doanh nghiệp đã hút cạn máu của khu vực – đôi khi là
theo nghĩa đen. Câu chuyện về sự cướp bóc thông qua chủ nghĩa tự do mới ở phần này của thế giới, cũng như sự phản ứng dữ dội của dân chúng đối với chúng ở Châu Mỹ Latin, không phải là điều gì mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc tấn công dữ dội của doanh nghiệp lên các xã hội Châu Mỹ Latin đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn mà cuộc chiến chủ chốt được quyết định ở tầng thứ tư của trụ sở Ngân Hàng Thế Giới tại Washington, bởi thiết chế mờ ám nhưng ngày càng gia tăng quyền lực được gọi là Trung Tâm Quốc Tế Giải Quyết Tranh Chấp Đầu Tư (ICSID).
Điều đầu tiên bạn cần biết về ICSID là nó có quyền ra các quyết định ràng buộc có ảnh hưởng đến dân chúng của cả vùng hay quốc gia. Hầu hết những quyết định đó được các tòa hòa giải nhỏ đưa ra, thường là bao gồm chỉ một nhúm người. Thiết chế bí mật này là một phần của Hiệp Ước ICSID, một hiệp ước đa phương có hiệu lực vào tháng 10 năm 1966, hiện nay có 150 quốc gia tham gia. Hiệp Ước ICSID “tìm cách tháo gỡ các cản trở chủ chốt đối với lưu thông quốc tế của đầu tư tư nhân tạo ra bởi những rủi ro phi thương mại và sự thiếu vắng các phương pháp chuyên môn quốc tế đối với giải quyết tranh chấp đầu tư”. Nếu như câu đó làm bạn rùng mình, tốt thôi, nó phải vậy.
Chi tiết cấu trúc và hành chính của ICSID thì tẻ nhạt và chứa rất nhiều ngôn ngữ doanh nghiệp. Nhưng về căn bản, bề ngoài ICSID có nhiệm vụ thiết lập và giám sát các tòa hòa giải độc lập cho việc phân xử những tranh chấp chủ yếu giữa thực thể tư nhân và chính quyền. Một ví dụ, khi quốc gia X nói với doanh nghiệp Y rằng, sau khi cân nhắc kỹ càng, họ muốn thay đổi chính sách và cấm khoan dầu tại những một khu vực có môi trường dễ tổn thương, thì đây là chỗ doanh nghiệp Y đến để kiện. Một tòa hòa giải được thiết lập và sự xét xử bắt đầu. Cả hai bên có tranh chấp phải đồng ý với các điều khoản được thảo ra, điều đó sẽ được ghi lại, và mỗi bên sẽ đưa ra các trọng tài được lựa chọn. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của ICSID lớn dần với số vụ xét xử, chúng ta phải xem xét lại xem có phải khôn ngoan không khi mà những quyết định này, trong khi chúng thường xuyên tác động đến sức khỏe của môi trường cả về ngắn hạn cũng như dài hạn, được đưa ra thông qua quá trình mà các cư dân địa phương – những người thực sự phải chịu ảnh hưởng của những quyết định nói trên – hầu như bị gạt bỏ.
Trong những năm gần đây, Venezuela, Ecuador, và Bolivia đã rút khỏi Hiệp Ước ICSID, tất cả đều vì lý do tương tự. Các chính quyền đó trung thành với khái niệm cổ xưa là những nguồn tài nguyên trong xã hội của họ phải thuộc về những người dân sống ở đó, và họ coi ICSID là cách tạo điều kiện cho việc tiếp tục cướp bóc những nguồn tài nguyên đó (dĩ nhiên là thường đi kèm với sự suy thoái môi trường). Bolivia rút khỏi ICSID vào năm 2007; vào năm 2009, Ecuador tiếp bước. Venezuela hoàn thành việc rút khỏi ICSID vào năm 2012 khi chính quyền Chavez phải đối đầu với hàng loạt tranh chấp xung quanh chính sách quốc hữu hóa vào những năm 2000. Tất cả các chính quyền đó bày tỏ sự quan ngại về chủ quyền và sự thiên vị thường xuyên của ICSID đối với doanh nghiệp và tư bản (những quan ngại này phản ánh dư luận phổ biến ở Châu Mỹ Latin). Họ đề xuất một hệ thống thay thế, với những tòa hòa giải được thiết lập ở Nam Mỹ thay vì ở Washington, D.C. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc rút khỏi ICSID vẫn không bảo vệ họ đươc khỏi sự đòi hỏi của lợi ích tư nhân, và các quốc gia như Venezuela và Ecuador vẫn tiếp tục phải đối mặt với có thể đến hàng tỷ dollar của những khoản thanh toán bồi thường chảy ra từ hàng sa số các vụ kiện trong thập kỷ qua. Các quốc gia không thể đơn giản là lờ đi các phán quyết, vì chúng bị coi là sự phá sản nhà nước, với tất cả những rủi ro kinh tế đi kèm.
Một điều liên quan đến các kiến thức chuyên môn chuyên biệt, và do đó hiếm khi được bàn thảo trong các cuộc tranh luận chính trị phổ thông, đó là những thay đổi rộng khắp đang diễn ra trên sàn đấu này trong những năm gần đây, những thay đổi mà, đáng kinh sợ thay, chủ yếu thiên vị quyền lợi của các công ty đa quốc gia. Như
bài báo của McClatchy mới đây về một tranh chấp giữa Oceana Gold Corp. và chính quyền El Salvador đã viết, “các luật đầu tư quốc tế đang cho phép doanh nghiệp hành động chống lại chính quyền nước ngoài dám cắt bớt lợi nhuận tương lai của họ”, “và ICSID là phương tiện được những doanh nghiệp này sử dụng để đảm bảo rằng lợi nhuận của họ không bị đe dọa”.
Sự ngờ vực phổ biến rằng trò chơi này được dựng lên hoàn toàn để đáp ứng các lợi ích tư nhân đầy quyền lực hoàn toàn không phải là vô căn cứ.
Đây là Robert Bisso, giám đốc của Social Watch, một tổ chức mạng lưới công dân quốc tế, trong bài phát biểu với Liên Hiệp Quốc vào tháng 5:
… hơn hai nghìn hiệp định thương mại và đầu tư song phương cũng như khu vực được ký kết trong một số ít những thập kỷ gần đây đã tạo ra các quyền mới cho công ty đa quốc gia, bao gồm các quyền mà con người không có: họ có quyền đặt trụ sở ở bất cứ đâu họ muốn và mang theo bất cứ ai mà họ cho là cần thiết. Họ được phép chuyển lợi nhuận mà không có bất cứ giới hạn nào và thậm chí kiện chính quyền về tổn thất lợi nhuận do những chính sách được quyết định dân chủ, không thông qua các tòa án địa phương mà thông qua các tòa hòa giải quốc tế, vốn được tạo ra để bảo vệ lợi ích kinh doanh và là nơi nhân quyền không nhất thiết thắng thế. ICSID, Trung Tâm Giải Quyết Tranh Chấp Quốc Tế, do Ngân Hàng Thế Giới tổ chức, là tổ chức hòa giải thiếu minh bạch đã thay thế luật pháp quốc gia và tự mình tạo ra luật lệ bằng cách loại bỏ các tiêu chuẩn nhân quyền cũng như các quy định về môi trường, ngay cả khi chúng được phê chuẩn trong các hiệp ước quốc tế.
Cần có sự quan ngại sâu sắc về khuynh hướng này. Cần phải nhớ rằng những tranh chấp này không phải là trừu tượng. Bên cạnh yếu tố dài hạn về môi trường, quyết định về những vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của dân thường theo vô số cách khác nhau, và chúng cũng đe dọa khả năng quyết định chính sách của xã hội dân chủ.
Hãy lấy ví dụ tranh chấp đã được đề cập phía trên giữa El Salvador và Oceana Gold, trong đó ICSID sẽ phân xử vài lần trong ít tháng tới. Oceana Gold là một công ty khai mỏ bỉ ổi ở Australia – khoảng một phần tư số vụ ICSID phân xử liên quan tới khai mỏ, dầu, khí đốt và các vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên – đã mua công ty Canada Pacific Rim vào cuối năm 2013, và giờ rất muốn thực hiện một dự án khai mỏ mà Pacific Rim đã lập kế hoạch gần dòng sông chính của Ecuador, sông San Sebastian River. Nếu không, Oceana Gold
muốn 301 triệu dollar tiền bồi thường – từ một quốc gia cực nghèo với ngân sách hàng năm dưới 1 tỷ dollar.
Cư dân sống gần mỏ El Dorado ở miền bắc quốc gia đã phẫn nộ nổi dậy phản đối dự án khai mỏ đó (một đơn kiến nghị với 200,000 chữ ký được mới được gửi đến Oceana Gold). Họ không muốn nguồn nước của họ bị công ty nước ngoài đầu độc để tìm vàng; tỷ lệ các bệnh nan y liên quan đến chất độc arsenic trong đào vàng ở sông Lempa được báo cáo là
gia tăng mạnh. Đây là một xã hội nghèo nàn, đông đúc dân cư, đang đương đầu với vấn đề khốc liệt liên quan đến chất lượng và số lượng nước của họ. Đó cũng là kiểu xã hội dễ tổn thương do suy thoái môi trường gây ra, nhưng đó không phải là sự quan ngại đối với Oceana Gold, hay ICSID, tổ chức mà theo như Bisso nói, không quan tâm đến tác động môi trường và nhân quyền.
El Salvador cấm khai mỏ vào năm 2008 và chính sách đã được lưỡng đảng ủng hộ. Vụ kiện này – và còn những vụ kiện khác tương tự – dấy lên câu hỏi căn bản về chính trị và chủ quyền. Một quốc gia-dân tộc có quyền thay đổi chính sách khi họ tin rằng sức khỏe của người dân và môi trường đang bị đe dọa? Hay quyền và lợi ích của các công ty đa quốc gia phải được ưu tiên theo đúng nghĩa đen ở mọi nơi? Phán quyết tới đây tại ICSID về vụ kiện El Dorado phản ánh một ngã rẽ quan trọng trên con đường đó.
Bài viết này không phải gợi ý rằng ICSID là một thiết chế thiên vị trắng trợn, tự động phân xử theo lợi ích của doanh nghiệp. Họ cũng có một số quyết định hợp lý. Tòa hòa giải mới đây
phán quyết Venezuela phải trả cho Exxon Mobil 1,6 tỷ dollar về giá trị dầu bị chiếm đoạt – phán quyết hiện giờ bị treo khi Venezuela tìm cách kháng án – công ty dầu mỏ khổng lồ đã đòi hỏi gấp 10 lần con số đó, và phán quyết được hoan nghênh như một chiến thắng của chính quyền Maduro.
Nhưng việc sự công bằng đôi khi thắng thế những cuộc xâm lược kinh tế thô bỉ không có nghĩa là bản thân hệ thống hòa giải mờ ám, phản dân chủ đó là công bằng và cần thiết. Hệ thống đó trên thực tế đe dọa quyền thiết lập chính sách của các chính quyền dân chủ trong xã hội của chính họ, và nó có thể đe dọa sinh kế của những người dân không bao giờ đặt chân vào tòa nhà đẹp đẽ ở Washington, D.C., những người mà ảnh hưởng của họ chỉ giới hạn ở việc ký tên vào bản kiến nghị. Khi người đưa ra các quyết định có hậu quả vô cùng to lớn hoàn toàn tách rời khỏi những người phải chịu ảnh hưởng của những quyết định đó – về mặt xã hội, chính trị, kinh tế – dân chủ sẽ không được tôn trọng. Dĩ nhiên điều đó hoàn toàn không có vấn đề gì với lợi ích tư nhân, những kẻ luôn tìm kiếm lợi nhuận từ sự xói mòn của văn hóa dân chủ.
Nhận xét: Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại do Mỹ khởi xướng. Trong dự thảo bị tiết lộ mới đây của Hiệp Định nêu trên có một phần đề cập tới giải quyết tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp đa quốc gia và chính quyền. Cơ chế đó cho thấy các quốc gia dân tộc không còn có thể tự bảo vệ mình trước những lợi ích của giai cấp tư sản quốc tế, buộc phải viện đến các thiết chế phi dân chủ do các đế quốc đầu sỏ hậu thuẫn, giống như những gì thảo luận trong bài viết này. Trong hoàn cảnh đó, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia sẽ được đặt trên lợi ích của nhân dân, dân chủ cuối cùng chỉ là hình thức khi bất cứ quyết định dân chủ nào cũng có thể bị các công ty đa quốc gia phá hủy bằng cơ chế hòa giải quốc tế.