Bằng nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ từng vào sinh ra tử, cựu binh Thái Văn Tăng cố gắng giúp những người kém may mắn có một công việc phù hợp và tự nuôi sống bản thân.
20 tuổi chàng thanh niên vùng quê Quất Động lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Hết chiến trường Tây Nam rồi đến Tây Bắc, từ chiến sỹ trinh sát đến đơn vị hỏa lực. Hơn 10 năm sát cánh cùng đồng đội chinh chiến miền biên giới, giải ngũ trở về quê hương, như bao người lính thời ấy, hành trang là chiếc ba lô sờn và một ý chí sắt son. Để rồi qua bao nỗ lực vượt khó, chàng lính trẻ năm xưa giờ là phó Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai. Ông là Thái Văn Tăng.
Học viên khuyết tật đang say sưa làm nghề. Khí chất người lính và trái tim vì người khuyết tật
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Quất Động, Thường Tín, một địa phương nổi tiếng về nghề thêu tay, chính vì thế truyền thống gia đình và làng quê đã ăn sâu vào tiềm thức của người lính trẻ Thái Văn Tăng. Năm 1987 khi giải ngũ trở về quê ngoài tăng gia sản xuất ra ông cũng đam mê học thêu.
Tuy nhiên do sự chạy đua của nền kinh tế thị trường, các ngành nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một, hoặc vẫn còn nhưng bị suy thoái, mất dần đi nét truyền thống và cái “hồn” vốn có từ ngàn xưa. Điều này khiến ông Tăng trăn trở. Phải làm sao giữ gìn và phát triển được truyền thống của quê hương? Khi lớp trẻ thi nhau rời làng quê ra thành phố lập nghiệp, chẳng mấy mặn nồng với nghề truyền thống nữa.
Sau bao ngày suy nghĩ, ông Tăng đã đi đến một quyết định đầy tính nhân văn, đó là sẽ đi truyền dạy nghề cho những người khuyết tật để vừa duy trì và nhân rộng được ngành nghề truyền thống, mặt khác tạo điều kiện cho những người kém may mắn có một công việc phù hợp và tự nuôi sống bản thân.
Năm 2001 ông Tăng đã đi rất nhiều địa phương trong cả nước, dạy nghề cho phụ nữ nghèo khuyết tật ở Thanh Oai, người khuyết tật Sông Công, và có tận 4 năm giảng dạy ở Trung tâm dạy nghề Vạn Xuân ( Bắc Giang).
Năm 2008 ông về làm việc Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai, gọi tắt là Trung tâm Vì Ngày Mai cho đến nay với chức vụ Phó giám đốc.
Đặc thù là trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật chính vì thế đòi hỏi cao sự nỗ lực của các cán bộ nơi đây. Ông Tăng không chỉ là người quản lý mà còn là một người thầy, người bạn của các em học viên.
Trong một năm học tại trung tâm, tháng đầu tiên các em được học kỹ năng, giao tiếp tập thể, học chụp ảnh học vẽ để phân biệt màu sắc của giấy và chỉ, tháng cuối trước khi tốt nghiệp thì học kỹ năng quản lý, mở sổ…
Theo ông Tăng, khó khăn ở đây là do các em thuộc nhiều dạng tật khác nhau chính vì thế việc giảng dạy cũng có nhiều vướng mắc, ngoài dạy nghề (may, thêu, làm hoa giả) ra các em còn được học văn hóa để có thể biết đọc biết viết và làm các phép tính cần thiết.
Mục đích chính của trung tâm là giúp thanh thiếu niên khuyết tật được học nghề, có việc làm, vươn lên tự lực trong cuộc sống dần dần hòa nhập cùng xã hội. Tạo cơ hội cho các bạn trẻ khuyết tật được tham gia sinh hoạt, giao lưu, tự tin vươn lên tạo lập cuộc sống bình đẳng và hòa nhập.
Ông Thái Văn Tăng đang hướng dẫn học viên. Sát cánh vì sự phát triển của Trung tâm
Được thành lập từ năm 2002, công đầu tiên phải kể đến là cô Lê Minh Hiền, nay là Giám đốc Trung tâm, cũng là một người khuyết tật, từ một cơ sở nhỏ tại nhà nay đã là một trung tâm có quy mô bài bản và tư cách pháp nhân.
Vượt lên những khó khăn, các thành viên của Trung tâm đã cố gắng vượt bậc và đạt một số kết quả nhất định.
Trung tâm đã giúp đựơc hơn 800 bạn có tay nghề ổn định thừơng xuyên có việc làm trở về gia đình và tự nuôi sống bản thân, đã giúp 5 bạn học lớp tin học do tổ chức Flan tổ chức và 2 bạn đã có việc làm tại doanh nghiệp, có thu nhập ổn định trong đó 1 bạn đang tiếp tục theo học đại học ngành công nghệ thông tin .
Trung bình mỗi năm Trung tâm tiếp nhận giúp trên 90 bạn học nghề và làm việc . Tại đây ngoài giờ làm việc các bạn được học văn hoá , được sinh hoạt văn nghệ , các ngày nghỉ hay ngày lễ các bạn được tổ chức đi chơi hoặc giao lưu, ngày hè hàng năm được tổ chức đi nghỉ mát .Các thành viên của Trung tâm đã thực sự coi đây là một địa chỉ tin cậy, một ngôi nhà chung do mình làm chủ, họ được học nghề và có việc làm, tạo dựng cuộc sống bằng chính sức lực và trí tuệ của mình.
Các em Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Vĩnh, Trần Văn Hưng là học viên của Trung tâm được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận bàn tay vàng và hiện các em đều có cơ sở riêng của mình, 2 em Nguyễn Thị Hường và Vũ Thị Dung nay ở lại Trung tâm làm trợ giảng.
Trải qua 13 năm phát triển, bằng những tâm huyết của cán bộ trung tâm, bằng trái tim và nhiệt huyết của người lính, Ông Tăng đã sát cánh cùng ban cán bộ đưa Trung tâm ngày càng vững bước và đạt được nhiều thành tích xứng đáng, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tuyên dương ghi nhận.
Năm 2011, sau một thời gian kiểm toán về vấn đề tài chính cũng như các hoạt động của Trung tâm, tổ chức Công bằng thương mại thế giới ( WFTO ) đã kết nạp Vì ngày mai là thành viên tạm thời.
Cũng trong năm này Trung tâm là tổ chức đầu tiên của Việt Nam được nhận giải Beak-kang của Quỹ Vì phúc lợi xã hội (Hàn Quốc) dành cho những đóng góp những hy sinh thầm lặng cho cộng đồng.
Năm 2012 Được UBND Thành Phố Hà Nội Tặng Bằng Khen trong công tác xây dựng,trợ giúp Người khuyết Tật giai đoạn 2009-2012; Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng bằng khen có nhiều thành tích trong hoạt động trợ giúp Người Khuyết Tật.
Ngoài ra còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý khác của Hiệp hội Làng nghề.
Ở cái tuổi gần 60 nhưng ông Tăng vẫn còn ấp ủ nhiều tâm huyết với Trung tâm, với ông người khuyết tật là những người sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, họ là nạn nhân của chất độc da cam, của thương tật bẩm sinh, con của những gia đình chính sách và khó khăn chính vì thế cần được xã hội quan tâm và chia sẻ. Ông tâm sự “vợ tôi cũng là một người đồng chí đồng đội, chính vì thế gia đình luôn là điểm tựa tinh thần và nguồn động viên lớn để tôi có thể tập trung hết tâm huyết vì sự phát triển của Trung tâm Vì Ngày Mai.”
Rời trung tâm nhưng hình ảnh đọng lại trong tôi là những mảnh đời đầy nghị lực đang miệt mài cặm cụi trong từng sản phẩm, nụ cười đôn hậu và những lời nói hào sảng của cựu chiến binh Thái Văn Tăng với lý lẽ rất hay “dẫu chúng tôi ngoài dạy nghề cũng phải lo tính toán kinh doanh cho đầu ra của sản phẩm và tạo nguồn kinh phí để duy trì phát triển trung tâm nhưng tôi thích được gọi là thầy.”
Hoàng Hà
2015-05-03 00:56:17
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/doanh-nhan-nguoi-linh-bai-2-doanh-nhan-thich-goi-bang-thay-a186653.html