Hôm 30/4/2015 vừa qua, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hưng Vượng rời thành phố Yên Đài, khởi hành đến Biển Đông hoạt động.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc chưa công bố ý định và địa điểm cụ thể trên Biển Đông để triển khai giàn khoan Hưng Vượng nhưng các chuyên gia và nhà quan sát đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự kiện này.
Một điều đáng lưu ý là thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hưng Vượng di chuyển xuống Biển Đông lại trùng với thời điểm này vào năm ngoái khi giới chức Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 và đoàn tàu, máy bay hộ tống quân sự và bán quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mục đích của giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 1/5 đến 15/7/2014
Như đã biết, từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 15 tháng 7/2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 hạ đặt bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tạo ra căng thẳng rất lớn trong quan hệ giữa hai nước Việt – Trung, bất chấp tất cả những cam kết, hứa hẹn của các quan chức lãnh đạo Trung Quốc.
Mục đích của việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 vừa qua được xem là đã được Bắc Kinh tính toán rất kỹ lưỡng.
Trong đó, theo nhận định của giới quan sát, sự kiện giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam có ý nghĩa “quan trọng” đối với Bắc Kinh, cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong ASEAN và cả Hoa Kỳ.
Trang mạng của Đài Truyền hình Mỹ CNBC từng dẫn lời một quan chức trong ngành dầu khí Trung Quốc thì “Quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á,” và “Quyết định này không phải vì lý do thương mại. Nó không phải là CNOOC (Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc) có kế hoạch thăm dò lớn ở khu vực.” mà vì lý do chính trị nhằm thể hiện vai trò và (cái gọi là-PV) “chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông”.
Trang mạng của Forbes nói rằng sự kiện giàn khoan 981 năm 2014 “là lần đầu tiên Trung Quốc khoan dầu ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu vỏ xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng hải dân sự.
Về sự kiện này, trong năm 2014, nhiều chuyên gia phân tích trong nước cũng có các nhận định tương tự, đồng thời, họ cũng đã bổ sung một góc nhìn khác, chỉ rõ một mục đích nữa trong sự kiện giàn khoan 981 của Bắc Kinh hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Giới quan sát trong nước cho rằng, bên cạnh các mục đích đã được các học giả, nhà phân tích , truyền thông quốc tế đánh giá, một mục đích khác của Trung Quốc là coi giàn khoan 981 là một phương tiện nghi binh, che giấu các hoạt động cải tạo, san lấp đất, đảo hoá các bãi cạn trên Biển Đông, biến chúng thành các căn cứ quân sự.
Giàn khoan Hưng Vượng và ý đồ của Trung Quốc?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV
Về sự kiện giàn khoan Hưng Vượng vừa được đưa xuống Biển Đống cuối tháng 4 đầu tháng 5/2015 vừa qua, trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Người đưa tin hôm 3/5 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV cũng đã lên tiếng nhắc nhở rằng “chúng ta hãy nhớ bài học tròn 1 năm trước về giàn khoan Hải Dương 981”.
Vị tướng đã gần 90 tuổi đặc biệt lưu ý tới những động thái mới đây của phía Trung Quốc khi ào ạt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trái phép và cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, thậm chí thành căn cứ quân sự trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tướng Thước nhận định: “Các hoạt động vừa qua của phía TQ đã được thực hiện với tần suất ngày càng lớn, đẩy nhanh việc xây dựng đảo nhân tạo từ các đảo chìm, rạng san hô ở Trường Sa. Thậm chí qua hình ảnh vệ tinh mà báo chí nước ngoài chụp lại, TQ có thể xây dựng thêm cả đường băng phù hợp với mục đích quân sự tại quần đảo Trường Sa. Từ đó, nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp này mà TQ là một bên chiếm ưu thế lớn hơn bất cứ quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền tại nơi này”.
Vị cựu Tư lệnh Quân khu IV khẳng định: “Việc TQ dùng các giàn khoan, đảo đá nhân tạo làm lãnh thổ di động trên Biển Đông đã được tính toán kỹ từ trước đó rất lâu. Chúng ta hãy nhớ lại bài học của tròn 1 năm về trước với chiếc giàn khoan Hải Dương 981. Cho dù có là giàn khoan thứ bao nhiêu đi nữa thì ta vẫn phải có những sự phòng bị chủ động về mọi mặt từ trước. Không thể để khi nó xâm phạm tới tận vùng chủ quyền của mình thì mới lo cách đối phó được”.
Cùng quan điểm, trả lời trên báo điện tử VTC News hôm nay, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh rằng:
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an (nguồn: VTC News)
“Đây là việc rất đáng lo ngại (đưa giàn khoan Hưng Vượng xuống Biển Đông –PV). Tuy nhiên, tính nghiêm trọng thì không bằng việc họ đang cải tạo trái phép đảo Gạc Ma, Chữ Thập và Vành Khăn ở Trường Sa”.
“Mục đích của họ là biến đây thành căn cứu quân sự, thay đổi toàn bộ cấu trúc quyền lực tại khu vực này. Đây là một bước đà để Trung Quốc đi đến mục đích khống chế biển Đông. Đó mới là vấn đề nghiêm trọng” – Tướng Cương nhận định.
Được biết, giàn khoan Hưng Vượng được trang bị 1 hệ thống định vị động lực mạnh, có thể bảo đảm cho giàn khoan này hoạt động bình thường trong môi trường bão cấp 12 ở Biển Đông.
Tân Hoa xã cho hay, Hưng Vượng là giàn khoan nước sâu nửa chìm thứ tư do công ty CIMC Raffles bàn giao cho Tập đoàn CNOOC. Hưng Vượng có thể hoạt động sâu nhất là 1.500 m, độ sâu tối đa của giếng khoan là 7.600 m, nhân viên trên giàn khoan theo quy định là 130 người, tải trọng sàn tàu là 5.000 tấn.
Thông tin về di biến động của giàn khoan Hưng Vượng trên Biển Đông sẽ được cập nhật thường xuyên trên báo điện tử Người Đưa Tin trong các bản tin sau!
Hoà Bình
2015-05-03 23:16:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/gian-khoan-hung-vuong-trung-hop-voi-thoi-diem-gian-khoan-981-a186880.html