Với việc điều chỉnh tỷ giá lên 1%, nợ công sẽ phải “gánh” thêm 10.000 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa, khi chưa kiểm soát được kinh tế ngầm, điều hành tỷ giá sẽ còn sai số.
Ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD tăng thêm 1%, từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD.
Ngay sau khi có sự điều chỉnh trên, theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ phó Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch Đầu tư); và ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, gánh nặng nợ công của Việt Nam sẽ tăng thêm 10.000 tỉ đồng, do 80% nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD.
Trước đó, ngày 7/1, NHNN cũng quyết định điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD. Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh, tỷ giá đã được tăng ở mức kịch trần (không quá 2% trong năm 2015).
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, kinh tế Việt Nam phải gồng lưng “gánh” thêm 20.000 tỉ đồng nợ công, tức gần 1 tỷ USD.
“Khối” nợ công của Việt Nam sẽ “gánh” thêm 10.000 tỷ USD sau đợt điều chỉnh tỷ giá ngày 7/5 vừa qua
Theo Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist sáng ngày 4-5, tổng nợ công của Việt Nam được cập nhật ở mức 89,08 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 46,6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trung bình, số nợ công “đội” trên đầu mỗi người dân Việt Nam lên tới 979,77 USD (hơn 21,2 triệu đồng), cao hơn so với con số 896 USD cách đây 1 năm.
Đánh giá về tình hình nợ công của Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở con số là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách.
Lý giải về việc tăng điều chỉnh giá, có nhiều nguyên nhân đưa ra rằng, VND “neo” theo USD trong khi đồng bạc xanh này đã lên giá mạnh so với nhiều ngoại tệ khác thời gian qua, nhập siêu đã trở lại mạnh với gần 3 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm, hoặc việc Vietcombank vừa dồn lực ngoại tệ đầu tư cho giao dịch lớn lên tới 1 tỷ USD,…
Về phía NHNN thì cho rằng, tỷ giá được điều chỉnh tăng là do yếu tố tâm lý và hiệu ứng tâm lý. Đây luôn là yếu tố có ảnh hưởng lớn, vì chi phối hành vi của các chủ thể. Nhưng liệu đây có phải là nguyên nhân thực sự?
Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, mức thặng dư của cán cân tổng thể năm nào lớn, từ 8 – 10 tỷ USD/năm. Thế nhưng, nguồn dự trữ ngoại hối lại không hề tỉ lệ thuận theo số đó.
Câu hỏi đặt ra ở đây là phần lớn ngoại tệ thặng dư đã “biến” đi đâu, dù thặng dư lớn như vậy nhưng thị trường vẫn có nhiều lúc căng thẳng. Nhiều chuyên gia nhận định, số ngoại tệ đó nằm trong dân cư, tức kinh tế ngầm.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do cán cân thanh toán quốc tế.Ví dụ như năm 2014, cán cân tổng thể tặng dư 8,38 tỷ USD, nhưng khoản “Lỗi và sai sót” cũng lên tới 6,34 tỷ USD.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cho biết, kinh tế ngầm cùng các cân đối, giao dịch ngoại tệ trong lòng nó luôn là một ẩn số lớn. Chính ẩn số này sẽ gây sức ép hết sức khó lường đối với việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN.
“Chừng nào còn chưa kiểm soát được kinh tế ngầm, kiểm soát thị trường tự do thì việc điều hành tỷ giá còn phải chấp nhận những sai số, hoặc những khó khăn khó định rõ”, vị này nói.
Như vậy, có thể thấy rằng, quy mô của kinh tế ngầm càng lớn, càng khó kiểm soát thì việc lý giải về điều chỉnh tăng tỷ giá do yếu tố tâm lý mà NHNNnước đưa ra sẽ càng khó thuyết phục.
P.Tuyen
2015-05-07 23:16:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/kiem-soat-kinh-te-ngam-va-noi-lo-no-cong-a187645.html