Khi câu chuyện giải cứu hành tím, dưa hấu chưa kịp nguội thì mùa vải chính vụ 2015 đã cận kề. Hàng ngàn tấn vải thiều cũng đang lo lắng ngóng tìm đầu ra.
Chính vì thế để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch năm nay, Bộ Công Thương đã và đang cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề tiêu thụ vải thiều bằng những kinh nghiệm và kết quả có được từ công tác tổ chức kết nối, tiêu thụ vải thiều của niên vụ trước.
Với những giải pháp đồng bộ, hứa hẹn năm nay vải thiều sẽ gặt hái nhiều bội thu
Thị trường nội địa vẫn sẽ chiếm tỷ trọng tiêu thụ chủ đạo
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Về thời gian thu hoạch vải thiều niên vụ năm nay dự kiến như sau: thu hoạch vải sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 05/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 01/6 đến 20/7/2015.
Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).
Thị trường tiêu thụ vải tươi được tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó, tập trung nhiều tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… và các tỉnh phía Nam. Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Từ trước đến nay, thị trường xuất khẩu truyền thống của vải thiều vẫn là Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp để có một mùa vải bội thu
Năm 2014 thị trường tiêu thụ quả vải gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Hội nghị vùng Đông – Tây Nam Bộ để kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan ban ngành đã góp phần tích cực thúc đẩy tiêu thụ quả vải của Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước, giảm áp lực cho việc xuất khẩu tiêu thụ quả vải thiều trong thời gian chính vụ. Chính vì thế mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa.
Rút kinh ngiệm trên cơ sở kết quả tích cực thu được từ việc tổ chức triển khai tiêu thụ quả vải trong năm 2014, năm 2015 Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương… tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, trong đó tập trung vào nhiều hoạt động thiết thực.
Theo đó, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Với việc tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, dự báo tình hình tiêu thụ năm nay sẽ tương đối thuận lợi và ổn định hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên về lâu dài, các giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện nhiều phương án nhằm nâng cao hiệu quả tối ưu. Đó là phát triển thị trường xuất khẩu, tập trung theo các hướng trọng tâm, tiếp tục đàm phán và mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan, v.v…
Các nội dung quan trọng của đàm phán đều được chúng ta cân nhắc và tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.
Bên cạnh đó là việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng. Đây sẽ là cơ hội và điều kiện tốt để sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm nông sản của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào các thị trường quốc tế.
Ngoài ra tập trung chú trọng công tác xúc tiến đầu tư thương mại, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại. Gắn các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu , thâm nhập thị trường thông qua liên kết với các hệ thống phân phối và đầu mối tiêu thụ hàng hóa chủ yếu tại thị trường nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin cũng sẽ là một hoạt động góp phần đưa thương hiệu vải thiều đến gần hơn với người tiêu dùng.
Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương, đặc biệt là với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và hưởng ứng của người dân giúp thị trường vải thiều ngày càng được mở rộng, giá cả tương đối ổn định. Năm nay, giá vải thiều cũng được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014.
Hoàng Hà
2015-05-12 15:40:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/qua-vai-van-ngong-tim-dau-ra-a188172.html