Rất có thể trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 5 này TQ sẽ tiến hành các hoạt động gây hấn ở Biển Đông và rất nhiều khả năng nó sẽ liên quan trực tiếp đến các khu vực có chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 6/5/2015, cổng thông tin của Cục Hải sự Trung Quốc đăng tải thông báo về hoạt động của giàn khoan Hải Dương Thạch Du-981 (Haiyang Shiyou 981) tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông. Thông báo cho biết giàn khoan sẽ hoạt động từ ngày 6 – 16/5 tại địa điểm có tọa độ 17°03′44″.5N/109°59′02″.7E, nằm cách thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam, TQ 75 hải lý về phía đông nam, Cục Hải sự Trung Quốc yêu cầu các tàu bè qua lại khu vực phải giữ khoảng cách 2 km đối với địa điểm trên để đảm bảo an toàn.
Việt Nam đang theo dõi sát sao giàn khoan Trung Quốc
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 1/5 đến 15/7/2014
Về thông tin này, tại cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/5/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam luôn sát sao theo dõi, nắm bắt các thông tin, động thái hoạt động của giàn khoan Hải Dương Thạch Du – 981. Việt Nam đã chuẩn bị để ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra” nếu Trung Quốc thực sự kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du-981 xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định rằng hiện nay, giàn khoan Hải Dương Thạch Du – 981 vẫn đang hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam. Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển nước ta, Cảnh sát biển sẽ có thông báo rộng rãi ngay lập tức đồng thời sẽ phối hợp với các lực lượng khác để có cách thức đấu tranh phù hợp, công khai trên tinh thần hòa bình.
Về vấn đề này, một nhà quan sát ở Hà Nội đã đưa ra nhận định rằng, rất có thể trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 5 này Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động gây hấn đối ở Biển Đông. Và, rất nhiều khả năng nó sẽ liên quan trực tiếp đến các khu vực có chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sở dĩ nhà quan sát ở Hà Nội đưa ra nhận định này bởi từ ngày 29 đến 31/5/2015 tới đây tại Singapore sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 14 và được được biết đến với tên gọi Đối thoại Sangri-la 2015.
TQ gây sự trước Đối thoại Sangri-la là việc làm đã có tiền lệ
Theo nhà quan sát, thực tế trong những năm qua, cứ mỗi lần chuẩn bị diễn ra các Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Trung Quốc thường có những hành động gây hấn, làm phức tạp phức tạp thêm các vấn đề về chủ quyền lãnh hải với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cụ thể là đối với Việt Nam và Philippines.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 1/5 đến 15/7/2014 được các tàu quân sự, bán quân sự, máy bay của PLA hộ tống
Cụ thể, việc gây hấn của Trung Quốc trước thềm Đối thoại Sangri-la đã từng được ghi nhận trong 4 năm liên tục (từ 2011, 2012, 2013, 2014) và ngay bây giờ không thể bỏ qua các động thái của các giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong đầu tháng 5 cũng như giàn khoan Hưnng Vượng vào cuối tháng 4/2015.
Theo thống kê khá chi tiết được phóng viên của báo điện tử Người đưa tin ghi nhận:
Trước Đối thoại Sangri-la lần 10 diễn ra từ 3 đến ngày 5/6/2011: Trước khi diễn ra đối thoại Shangri-la năm 2011, 3 tàu Hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Đây là vụ việc nghiêm trọng được Trung Quốc tiến hành vào lúc 5 giờ 58 phút sáng ngày 26/5/2011. Khi đó, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam.Vị trí mà 3 tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN chỉ cách mũi Đại Lãnh,Phú Yên khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN.Vụ cắt cáp tàu Bình Minh mang tính chất “dằn mặt”, đe dọa các bên có tranh chấp, mà trực tiếp là trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước Đối thoại Shangri-La lần 11 diễn ra từ 31/5-1/6/2012: Trung Quốc cố tình đạo diễn vụ việc căng thẳng trên bãi Scarborough năm 2012 với Philippines, nhưng mức độ, tính chất nghiêm trọng hơn. Bắt đầu từ tháng 4/2012, nhà chức trách Philippines đã bắt đầu phát hiện các ngư dân Trung Quốc ở bên trong bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, các tàu công vụ Trung Quốc đã ngăn cản Philippines bắt giữ những ngư dân này. Cuộc đối đầu dẫn đến kết quả là Trung Quốc hiện kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Vụ việc là một trong những nguyên nhân khiến Philippines nộp đơn lên Tòa án Quốc tế về luật Biển.Trong vụ Scarborough Trung Quốc không chỉ dừng lại ở dằn mặt và đe dọa mà đã lấn thêm một bước với thái độ táo tợn và liều lĩnh hơn, đó là chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra bãi cạn Scarborough. Ngay sau đó Bắc Kinh đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá và dự báo thời tiết trên bãi Scarborough.
Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra từ ngày 31/5-1/6/2013:Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
Trước thềm Đối thoại 13 từ ngày 30/5 đến ngày 1/6/2014:Từ ngày 1/5/2014 đến 15/7/2015, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 trên Biển Đông, tại vị trí có tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″ĐTọa độ: 15°29′58″B 111°12′1″Đ,cách đảo Tri Tôn 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Vị trí này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981, đưa nhiều loại tàu vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi các tàu chấp pháp của Việt Nam ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 để tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng phương pháp hòa bình thì các tàu hộ tống gồm cả quân sự lẫn các tàu Hải giám, Ngư chính, máy bay của Trung Quốc đe dọa, khiêu kích, dùng phương tiện tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 27/5/2014, Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết tối ngày 26/5/2014, 1 tàu cá của Việt Nam mang số DNA 1952, đăng ký tại sở quản lý nghề cá Đà Nẵng, bị đánh chìm sau khi bị tàu đánh cá Trung Quốc số 11209 đâm thủng. Sự việc xảy ra vào ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nơi này nằm cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý mà Trung Quốc hạ đặt trái phép hôm 1/5/2014. Trong sự việc nghiêm trọng này, 40 tàu tàu đánh cá Trung Quốc đã vây chặt xung quanh tàu Việt Nam và sau đó một tàu trong số họ đã đâm vào tàu Việt Nam.
Biển Đông sẽ là chủ đề nóng tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015
Đối thoại Shangri-La 2015 là diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở Châu Á sẽ diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 31/5. Mặc dù chưa có danh sách chính thức, đầy đủ những Sangri-la 2015 sẽ có sự tham gia của các đại biểu, quan chức đến từ nhiều cường quốc nhữ Mỹ, Nhật, Trung Quốc và các nước liên quan của khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.
Theo các nhà phân tích, Đối thoại Shangri-La 2015 năm nay sẽ tiếp tục nóng bởi vấn đề Biển Đông và một số địa điểm khác có ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của khu vực khác như Biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên.
Đáng chú ý và cần theo dõi chặt chẽ hơn cả là hiện nay Trung Quốc đã có đến 2 giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ đang hoạt động trên Biển Đông, trong đó, giàn Hải Dương Thạch Du 981 đã có toạ độ cụ thể (nhưng chưa di chuyển) còn giàn khoan Hưng Vượng chưa có thông báo gì kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua.
Trung Quốc cũng đã đưa giàn khoan Hưng Vượng xuống Biển Đông từ cuối tháng 4/2015 vừa qua
Việc Trung Quốc muốn gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm các cuộc Đối thoại Shangri-la là đều có ý đồ rõ ràng. Bắc Kinh thực sự muốn dằn mặt, đe dọa các bên có tranh chấp, trong đó xoáy sâu vào Việt Nam và Philippines, đồng thời cảnh báo các bên có liên quan (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia…) phải hiểu rằng “đây là vùng có lợi ích cốt lõi và ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Trung Quốc muốn Mỹ và các nước khác tránh xa khu vực mà Trung Quốc có tham vọng nuốt trọn. Điều này thể hiện rõ ràng rằng, độc chiếm biển Đông là chủ trương xuyên suốt, chiến lược dài hạn và không có gì thay đổi của Trung Quốc từ trước cho đến nay.
Để thực hiện được nó Trung Quốc có nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, thông thường Bắc Kinh thể hiện nó bằng hai kênh chính: Một là gây hấn, tạo sức ép hoặc chiếm quyền kiểm soát trên thực địa bằng lực lượng có vũ trang nhưng phi quân sự điều này chúng ta thấy rất rõ qua sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh năm 2011, chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough năm 2012, kể cả việc tập trận của hạm đội Nam Hải trên biển Đông và kéo tàu chiến, máy bay, giàn khoan dầu ra Biển Đông trong các năm 2013, 2014.
Hai là mặt trận ngoại giao và truyền thông với đặc điểm nổi bật là chiến lược “bẻ từng chiếc đũa”, tức là một mặt Bắc Kinh tìm mọi cách áp đặt luật chơi đàm phán tay đôi với từng bên có tranh chấp, ra sức phản đối đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế, mặt khác nỗ lực ngăn cản sự can thiệp của bất cứ bên thứ 3 nào vào vấn đề biển Đông.
Đó là lý do và cũng là mục đích của những hành động leo thang trên biển Đông thường được Trung Quốc sử dụng trước thềm những hội nghị, diễn đàn an ninh có ảnh hưởng nhất khu vực, đó là tạo thế cho bàn đàm phán.
Hoà Bình
2015-05-14 20:00:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tq-se-co-hanh-dong-gay-han-o-bien-dong-trong-nhung-ngay-toi-a188956.html