Theo các chuyên gia quân sự châu Á, cuộc diễn tập này của PLA cũng là phản ứng của Trung Quốc sau sự kiện gần đây được truyền thông quốc tế đưa tin.
Tàu chiến Trung Quốc (ảnh minh hoạ)
Tờ Want Daily đưa tin cho biết, ngày 28/7/2015, hơn 100 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã được Bắc Kinh huy động tham gia vào cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 24 giời trên khu vực Biển Đông.
Điều đáng chú ý là cuộc diễn tập này được quân đội Trung Quốc (PLA) phối hợp giữa lực lượng Hải quân và lực lượng Pháo binh II, tên lửa chiến lược và Quân khu Quảng Đông.
Theo tuyên bố công khai của quân đội Trung Quốc, cuộc diễn tập này là kiểm nghiệm khả năng chiến đấu của các tàu chiến mặt nước, trong đó có khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Type 054A.
Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Type 054A được truyền thông của Bắc Kinh cho là có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương cũng như tiêu diệt các tên lửa hành trình siêu thanh và máy bay xuất phát từ căn cứ trên đất liền của quân đội đối phương.
PLA cũng cố tính thông tin rằng trong khi các chiến hạm thử nghiệm khả năng chiến đấu phòng không, tác chiến điện tử chống lại hoạt động tấn công của tên lửa, máy bay giả định thì song song với đó PLA cũng thực hiện các kịch bản tấn công chống tàu ngầm, tàu nổi trên Biển Đông.
Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Type 054A
Theo nhận định của báo Wantchinatimes của Đài Loan, cuộc diễn tập quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc cố tình phô diễn sức mạnh của một cường quốc hải quân trước các nước trong khu vực nơi Bắc Kinh đang tìm kiếm ngôi vị bá chủ để hiện thực hoá các tham vọng và tuyên bố lãnh thổ (phi pháp).
Ngoài ra, theo các chuyên gia quân sự châu Á, cuộc diễn tập này của PLA cũng là phản ứng của Trung Quốc sau sự kiện gần đây được truyền thông quốc tế đưa tin đó là chuyến thị sát trên bầu trời quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên một máy bay do thám P8A kéo dài 7 tiếng đồng hồ của Đô đốc Scott Swift – tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.
Việc quân đội Trung Quốc điều động cả lực lượng Pháo binh II cùng các đơn vị tên lửa chiến lược tham gia tập trận cũng là một cách truyền đi thông điệp rằng “Trung Quốc có thể tiến hành các chiến dịch tấn công bằng tên lửa đạn đạo ở khu vực”.
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là muốn thế giới hiểu rằng Bắc Kinh có năng lực triển khai tác chiến, tác chiến điện tử tại địa bàn này – một tờ báo của Đài Loan nhận định.
Trong những ngày gần đây, Hải quân Trung Quốc đã và đang tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn trên khu vực Biển Đông, đặc biệt trong ngày 28/7/2015 vừa qua, với sự tham gia của trên 100 tàu chiến, hàng chục máy bay quân sự quân đội Trung Quốc đã tiến hành điễn tập kịch bản tập trận bắn đạn thật. Mặc dù không công bố chi tiết nhưng trước đó Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về hoạt động “tập trận thường niên” tại khu vực đảo Hải Nam của nước này và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (tập trận là vi phạm chủ quyền của VN – PV) trên Biển Đông (từ ngày 22 – 31/7), bất chấp sự phản đối từ Việt Nam. Về cuộc diễn tập này, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 23/7 tuyên bố “cuộc tập trận Trung Quốc công bố hôm 20/7 là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển của quan hệ hai nước, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực”. Ông Lê Hải Bình đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động xâm phạm chủ quyền này. |
Hoà Bình
2015-07-31 07:56:20