Nếu TPP thất bại, cuộc đua tranh giành tầm ảnh hưởng và vị trí đứng đầu châu Á sẽ căng thẳng hơn…
Nếu TPP thất bại, khả năng bình ổn tình hình địa chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương của người Mỹ sẽ yếu đi rất nhiều – Ảnh: Japan Daily.
Địa chính trị tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ thế nào trong trường hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại?
Từ góc nhìn của nhà bình luận Andy Morimoto trên tờ The Diplomat, tiến trình đàm phán TPP đang bế tắc. Trong tháng trước, dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng các bộ trưởng thương mại của 12 nước vẫn không thể kết thúc được các vòng đàm phán trong mùa hè như đã kỳ vọng trước đó.
Những nhà ủng hộ tự do thương mại lo ngại rằng kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu tổn thất nghiêm trọng nếu TPP “chết”. Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng lại ở đó. An ninh quốc gia của Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chịu tác động không nhỏ nếu TPP thất bại.
An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thời gian gần đây phải đối diện rất nhiều vấn đề. Trung Quốc và một số nước láng giềng tiếp tục đối đầu trong nhiều vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Quan hệ Trung – Nhật có nhiều căng thẳng. Trung Quốc và Đài Loan không thể giải quyết được thấu đáo và rõ ràng về mối quan hệ giữa hai bên. Ngoài ra, chính phủ khắp các nước châu Á ngày càng lo lắng về kho vũ khí hạt nhân bí ẩn của Bắc Triều Tiên.
Nếu TPP thất bại, khả năng bình ổn tình hình địa chính trị khu vực này của người Mỹ sẽ yếu đi rất nhiều.
Đã từng có không ít quan điểm cho rằng sự thất bại của TPP giúp khu vực châu Á ổn định hơn, bởi việc TPP tìm cách cô lập Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến nước này khó chịu. Khi có thêm đối đầu, chắc chắn bất ổn sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, những quan điểm trên, theo bài viết trên The Diplomat, là rất thiếu chính xác.
Trên thực tế, xét đến việc hoạt động thương mại rất sôi động giữa Trung Quốc và các nước châu Á hiện nay, không thể nói rằng sau khi có TPP thì Trung Quốc sẽ bị cô lập. Hơn thế nữa, hiện nay Trung Quốc cũng đang có những kế hoạch của riêng họ.
Ông He Weiwen, một cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, khẳng định: “Trung Quốc giữ quan điểm trung lập đối với TPP, bởi chúng tôi cũng đang có những dự định khác, như đẩy mạnh thương mại trong khu vực ASEAN+6 hay phát triển dự án “con đường tơ lụa”.
Có nhiều lý do để tin rằng nước Mỹ sẽ gặp nhiều hệ quả xấu nếu TPP không thành công.
Thứ nhất, Mỹ sẽ gặp khó trong việc xây dựng thêm quan hệ đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sẽ không có nhiều nước mặn mà với việc bỏ tiền bỏ nhân lực ra để cùng với Mỹ thực hiện những mục tiêu mà Mỹ quan tâm như chống khủng bố hay thay đổi khí hậu.
Khi không thấy được lợi ích rõ ràng trong mối quan hệ với Mỹ, nhiều quốc gia sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định có tiến lại gần hơn với Mỹ hay không.
Thứ hai, thất bại của TPP sẽ khiến nguy cơ bất ổn và khủng hoảng cao hơn. Hãy xét đến trường hợp Trung Quốc tranh chấp về lãnh thổ với một nước láng giềng nào đó. Nếu có TPP, chắc chắn các tranh chấp sẽ không bùng phát thành khủng hoảng toàn diện, bởi Trung Quốc thừa hiểu Mỹ sẽ can thiệp vào những tình huống có thể gây tổn tại đến quyền lợi thương mại của Mỹ. Nhưng nếu không có TPP, khả năng Mỹ can thiệp sẽ thấp hơn nhiều, nguy cơ bất đồng leo thang thành khủng hoảng sẽ tăng cao.
Thứ ba, nếu TPP thất bại, các nước trong khu vực dù không muốn cũng sẽ phải tự hiểu rằng thật ra Mỹ cũng không tha thiết gì với vai trò lãnh đạo khu vực. Từ trước, nhiều nước trong khu vực đã hoài nghi về việc Mỹ thực sự có muốn tham gia vào các vấn đề của họ hay không.
Chỉ mới tuần trước thôi, Bộ trưởng Thương mại Nhật đã thể hiện sự thất vọng với sự “buông tay” quá sớm, quá dễ dàng của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong các vòng đàm phán TPP. Cách hành xử đó khác hẳn với sự quyết liệt, táo bạo vốn là bản chất của người Mỹ.
Nếu Chính phủ Mỹ bỏ mặc TPP “chết yểu”, cam kết “trở lại châu Á” mà Tổng thống Obama bao lâu nay vẫn tuyên bố sẽ trở nên rất nực cười.
Nếu các cường quốc châu Á thực sự thấy rằng Mỹ không hề muốn tham gia vào lèo lái tình hình khu vực, họ sẽ quyết đấu với nhau để giành được vị trí đó (ví như Trung Quốc và Nhật).
Cuối cùng, theo bài viết của The Diplomat, chính kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt rất nhiều khi không có TPP. Sức mạnh của kinh tế Mỹ kém đi, tiếng nói của nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế cũng sẽ không còn nhiều đối trọng.
Theo một phân tích mới đây của viện Peterson, nếu gia nhập TPP, tăng trưởng thu nhập hàng năm của Mỹ sẽ có thêm 59 tỷ USD trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020. Không có TPP, mối lợi trên tất nhiên sẽ không còn, vậy nên sẽ rất khó để Chính phủ Mỹ tăng được ngân sách quốc phòng và củng cố sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương.
Xét theo phương diện đó, chính sách thương mại cũng chính là chính sách an ninh quốc gia. Và hiện tại, nước Mỹ đang thất bại.
Chắn chắn việc hoàn thành một hiệp định với nhiều vòng đàm phán và các bên liên quan như TPP không hề dễ dàng. Thế nhưng nếu tính đến những quyền lợi rải khắp các nước châu Á, nước Mỹ sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu để mất TPP.
Theo Ngọc Diệp/ VnEconomy
2015-08-24 19:32:42
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gi-voi-my-neu-tpp-chet-a203543.html