Trong chuyến thăm đến Đông Nam Á kéo dài 4 ngày, Thủ tướng Anh David Cameron đã bỏ lỡ cơ hội vàng, khẳng định quan điểm của Anh trong việc giúp đỡ giải quyết những căng thẳng an ninh trong khu vực.
The Guardian (Anh) ngày 2/8 đã đăng tải bài bình luận của tác giả Jonathan Eyal, Giám đốc Quốc tế của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ở London về chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron đến Đông Nam Á.
Tiến sĩ Jonatha Eyal, Giám đốc Quốc tế của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ở London.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Cameron kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng Năm vừa qua. Tác giả Jonathan Eyal cho rằng, việc ông Cameron lựa chọn đến thăm các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Không chỉ vì lý do Trung Quốc hay Ấn Độ đang ngày càng trỗi dậy Đông Nam Á cũng đang có những bước tiến đáng kể. Vì vậy, chuyến thăm là cơ hội để nước Anh thúc đẩy thương mại đến những “vùng đất xa xôi”, theo lời ông Cameron.
Tuy nhiên, sứ mệnh tăng cường thương mại của Thủ tướng Anh đến các quốc gia Đông Nam Á không phải là một sáng kiến mang tính đột phá. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, ông Cameron đã không đề cập đến khả năng Anh có thể giúp gì cho khu vực Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh nổi cộm.
Thay vào đó, ông Cameron chỉ mong muốn các đối tác quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa xuất xứ từ Anh. Bước đi này của Thủ tướng Anh không chỉ gây tổn hại đến uy tín của quốc gia đối với cộng đồng quốc tế mà cũng không thực sự giúp cải thiện thương mại của Anh, theo tác giả Jonathan Eyal.
Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm đến Singapore.
Đây là giai đoạn mà ngân sách cho Văn phòng Nước ngoài tiếp tục bị cắt giảm kể từ năm 2010. Chỉ có 0,2% chi tiêu công chi trả cho mạng lưới văn phòng ngoại giao của Anh tại 168 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chi phí này chỉ gấp 2 lần mức hỗ trợ của Anh cho Ethiopia. Hiện cũng chỉ có 13.600 nhân viên làm việc tai các Văn phòng Nước Ngoài.
Bất chấp những khó khăn này, mạng lưới ngoại giao của Anh đang chuyển hướng đến châu Á. Đại sứ Anh tại Bắc Kinh, Barbara Woodward là một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, quyền con người – những yếu tố quan trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đại sứ Scott Wightman tại Singapore là một chuyên gia về an ninh khu vực.
Những lời nói của các cá nhân này dường như không làm ông Cameron bận tâm. Mục tiêu duy nhất của Thủ tướng Anh trong chuyến thăm đến Đông Nam Á chỉ nhằm xúc tiến thương mại.
Trong khi một số quốc gia chờ đợi bài phát biểu của ông Cameron đối với chính sách ở Đông Nam Á, các phóng viên cũng đã đặt câu hỏi liên quan đến quan điểm của Anh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một trong những thông điệp hiếm hoi của Thủ tướng Anh chỉ là bài phát biểu tại Singapore về tầm quan trọng của việc chống tham nhũng.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anh David Cameron đến Việt Nam. Ảnh: Vnexpress.
Theo tác giả Jonathan Eyal, cách tiếp cận của ông Cameron đối với châu Á không chỉ có nghĩa ngắn hạn mà còn có phần phản tác dụng. Không có bằng chứng nào cho thấy nỗ lực thúc đẩy thương mại của ông Cameron có tác động đến nguồn tài chính từ Trung Quốc đang đổ dồn vào thành phố London.
Tác giả nhấn mạnh việc Thủ tướng Anh vất vả đi bộ qua một khu chợ Indonesia với bộ vest cài nút trong một ngày đầy nắng nóng , chỉ để thuyết phục quốc gia chiếm đa số là người Hồi giáo mua các sản phảm xuất xứ từ Anh. Những thỏa thuận thương mại hàng tỷ USD sau chuyến thăm đến Đông Nam Á thực chất đã được ký kết từ trước đó vài tháng.
Từ hàng thập kỷ qua, các nhà Ngoại giao Anh đã trách móc các đồng nghiệp ở châu Âu khi coi châu Á như một thị trường rộng lớn mà bỏ qua vấn đề an ninh, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Giờ đây, chính Anh lại mắc phải sai lầm tương tự.
Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu đang tuyệt vọng về khả năng Anh đưa ra quan điểm rõ ràng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Nhật Bản, những người từng đặt niềm tin vào mối quan hệ “chiến lược” với Anh, cũng bày tỏ sự hoài nghi về sự lựa chọn của mình.
Cuối cùng, tác giả Jonathan Eyal kết luận rằng không một Thủ tướng Anh nào có thể nhận được sự kính nể của các nhà lãnh đạo châu Á nếu như thông điệp của nước Anh chỉ xoay quanh vấn đề thương mại.
Đăng Nguyễn
2015-08-02 16:16:10
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-anh-bo-lo-co-hoi-vang-trong-chuyen-tham-dong-nam-a-a200398.html