Vòng đàm phán cuối cùng giữa đại diện thương mại 12 nước nhằm hoàn thiện TPP tại Hawaii đã không đạt được kết quả như ý muốn.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii đã không đạt kết quả cuối cùng
Bất đồng giữa Nhật và khu vực Bắc Mỹ về ngành xe hơi, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến TPP chưa thể hoàn tất.
Bản tin trên Reuters cho hay, trong khi Nhật Bản và Mỹ cố gắng nhất trí các quy định về xuất xứ đối với xe hơi thì đã không nhận được sự ủng hộ từ Mexico và Canada, hai nước có lợi ích gắn liền với ngành công nghiệp xe hơi của mỹ.
Giữa Mỹ và Nhật Bản cũng tồn tại bất đồng khi Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng bỏ thuế đối với linh kiện xe hơi Nhật nhập vào Mỹ song không được chấp thuận.
Đàm phán TPP tại Hawaii cũng gặp trở ngại khi New Zealand cho hay, nước này không ủng hộ một thỏa thuận trong đó thị trường sữa không được mở cửa.
Trong khi đó, vấn đề bảo hộ dữ liệu với thuốc thế hệ mới cũng khiến các nước tham gia đàm phán TPP bế tắc. Trong khi Mỹ muốn bảo hộ 12 năm thì Úc lại cho rằng thời gian bảo hộ nên là 5 năm.
Bộ trưởng thương mại và đầu tư Úc Andrew Robb
Theo ông Andrew Robb, bộ trưởng thương mại Úc, việc chưa thể hoàn thành TPP là “điều đáng tiếc” bởi “98% công việc đã hoàn tất.”
Ông Michael Froman, bộ trưởng thương mại Mỹ, cho rằng “không đạt được thỏa thuận cuối cùng song các nhà đàm phán đã nỗ lực mạnh mẽ để tìm tiếng nói chung.”
Đàm phán TPP thất bại được coi là tin buồn với chính quyền Tổng thống Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á hòng tạo đối trọng với Trung Quốc.
Vòng đàm phán TPP Hawaii có sự tham dự của 650 đại biểu, 150 nhà báo, được coi là cơ hội cuối cùng để đi đến một thỏa thuận để quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.
Đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3.2010 với 12 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu: Việt Nam, Mỹ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Khởi động từ tháng 3/2010, đàm phán TPP đến nay đã trải qua 19 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. TPP được kỳ vọng là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và nếu có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lưu Văn
2015-08-01 00:08:38
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-dam-phan-tpp-bat-thanh-a200271.html