(Bình luận quốc tế) – Tổng thống Mỹ Obama có lý do để thận trọng trước việc Nga can thiệp vào Syria bởi chỉ có đàm phán mới có thể tìm kiếm giải pháp hòa bình trong khu vực.
Trong bối cảnh phe nổi dậy Syria phải hứng chịu những đợt không kích nặng nề từ Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đứng trước hàng loạt những chỉ trích ngay ở Washington.
Các nhà phê bình cho rằng, ông Obama không đưa ra đối sách trước chiến dịch ném bom của Tổng thống Nga Puin. Một số khác bình luận uy tín của nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng,và rằng Washington cần phải “áp dụng răn đe” với Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trên thực tế bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào đều mang ý nghĩa nguy hiểm và không đem lại lợi ích cho Mỹ, theo Reuters.
Báo Mỹ bình luận, những lời chỉ trích như vậy từng gây ra hiểu nhầm trong quá khứ và giờ đây là hiện tại. Ông Putin không đe dọa đến các đồng minh của Mỹ như Israel hay các nước vùng Vịnh. Tổng thống Nga cũng không lựa chọn giải pháp đối đầu với NATO.
Thay vào đó, chính Hoa Kỳ lại lên kế hoạch triển khai hàng trăm xe tăng, pháo tự hành và vũ khí đến khu vực Baltic, đưa NATO vào cuộc chạy đua quân sự lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hiện không có bằng chứng nào cho thấy sự thận trọng của Mỹ sẽ tạo cơ hội để Nga tiếp tục cạnh tranh lợi ích cốt lõi của Washington ở các khu vực khác trên thế giới.
Những lời kêu gọi như hối thúc Mỹ gửi tên lửa phòng không hỗ trợ phe nổi dậy Syria của Thượng Nghị sĩ John McCain hay viện trợ cho Ukraine hàng tỷ USD trang thiết bị vũ khí, để buộc Nga phải ngừng can thiệp vào Syria rõ ràng chưa tính đến những hệ quả khó lường.
Không ai có thể biết ông Putin sẽ phản ứng như thế nào trước sức ép từ Mỹ và NATO. Khả năng đụng độ quân sự giữa Nga, Mỹ và NATO có thể châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần ba.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ làm ngơ trước hành động can thiệp quân sự của ông Putin ở Syria. Reuters cho rằng, Tổng thống Mỹ Obama đã đúng khi tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Báo Mỹ cũng đề xuất những giải pháp mà Washington nên theo đuổi.
Thứ nhất, các quan chức Nhà Trắng không nên tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề mỗi khi ông Putin làm điều gì đó mà đi ngược lại chính sách của Washington. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad là đồng minh lâu đời với Nga. Hành động của ông Putin ở Syria chỉ nhằm củng cố điều này.
Do vậy, cách tốt nhất là các quan chức Nhà Trắng nên tỏ ra bình tĩnh. Nga hiện chưa thể đạt được tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh quân sự ngang với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Moscow cũng đứng trước nhiều rủi ro, bao gồm cả việc sa lầy trong cuộc nội chiến ở Syria. Reuters nhận định, phần còn lại của Washington nên lắng nghe theo quan điểm của ông Obama.
Thứ hai, ông Obama cần đảm bảo rằng Lầu Năm Góc đang theo đuổi chiến lược làm “giảm căng thẳng” xung quanh các hoạt động trên không giữa Nga-Mỹ ở Syria. Một tai nạn nếu như xảy ra sẽ đem đến những hậu quả về mặt quân sự không thể lường trước. Ông Putin khi đó có thể sẽ tăng cường đối đầu với Mỹ để giải tỏa sức ép ở trong nước.
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Obama cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Syria. Mô hình P5+1 vốn thành công trong vấn đề hạt nhân của Iran nên được áp dụng trở lại.
Điều quan trọng là lợi ích của tất cả các bên ở Syria cần được tính đến, bao gồm cả Iran. Ông Obama cũng nên chấm dứt việc yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức nếu như các bên đạt được thỏa thuận đáng tin cậy.
Syria khó có thể trở lại một cách thống nhất như ở thời điểm cách đây 4 năm nhưng các phe phái ở quốc gia này cần phải cùng nhìn về một tương lai chung, chia sẻ mối quan ngại về Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây sẽ là bước khởi đầu cho cuộc đàm phán P5+1 về vấn đề Syria.
Chỉ như vậy, Washington mới có thể ngăn chặn cuộc đối đầu Nga-Mỹ cũng như tránh cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Đăng Nguyễn (theo Reuters)