Những tỷ phú người Việt như tỷ phú Chính Chu, ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng hay bầu Đức với tài năng và bản lĩnh đã khiến cả thế giới phải thán phục về sự nghiệp cũng như khối tài sản khổng lồ.
Tỷ phú Chính Chu
Chính Chu sinh năm 1966, tại Việt Nam, trong một gia đình có 6 anh em. Năm 1975, cả gia đình ông đã sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Cuộc sống vô cùng khó khăn khiến cả gia đình đều quyết tâm phải nỗ lực để thành công.
Gia đình hạnh phúc của tỷ phú Chính Chu và ca sĩ Hà Phương
Tại xứ người, vừa đi học, Chính Chu vừa đi bán sách lẻ và giao hàng tận nhà. Ông có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ). Vì tốt nghiệp một trường đại học không danh tiếng nên 15 lá đơn xin việc của Chính Chu gửi đi đều bị từ chối. Nhưng thất bại càng khiến ông thêm hứng thú với lĩnh vực này và chính lòng kiên trì đã tạo dựng được tên tuổi một Chính Chu tại phố Wall.
Hiện nay, ông Chính Chu là Giám đốc Quản trị tài sản của Tập đoàn Blackstone, với những khoản đầu tư từ 250 triệu đến 1,5 tỷ USD. Ở tuổi 44, ông có tổng tài sản hơn 1 tỷ USD, nằm trong Top 40 doanh nhân thành đạt nhất của châu Á tại Mỹ.
Ngôi nhà bề thế và dàn “siêu” xe của tỷ phú gốc Việt
Trước khi gia nhập Blackstone vào năm 1990, Chính Chu từng làm việc tại bộ phận mua bán và sáp nhập của Công ty Salomon Brothers từ năm 1988. Với sự tư vấn của Chính Chu, Tập đoàn Đầu tư tài chính Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)…
Năm 2004, Blackstone thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử Châu Âu khi nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Hóa chất Celanese của Đức với giá 3,8 tỷ USD chỉ sau vài cú điện thoại. Theo đánh giá, bản hợp đồng có hời được lập nhờ những nỗ lực thương thảo và hiểu biết của vị tỷ phú gốc Việt.
Chính Chu từng khiến nước Mỹ xôn xao với vụ giới đầu cơ tranh nhau quyền kiểm soát Tập đoàn Máy tính Dell. Thương vụ nổi tiếng bởi bản hợp đồng có giá trị lên đến 25 tỷ USD và có bàn tay đạo diễn của ông.
Vợ tỷ phú – ca sĩ Hà Phương di chuyển trên những chiếc phi cơ
Ngoài ra, từ năm 2007, ông là chủ sở hữu 1 trong 10 chuỗi khách sạn xa hoa nhất thế giới – Hilton – với những khu nghỉ dưỡng trong mơ: Beverly Hilton, Hilton Athens, Hilton San Francisco, Hilton New York…
Ông và vợ là Hà Phương – em gái ca sĩ Cẩm Ly còn sở hữu nhiều danh mục bất động sản có giá hàng triệu USD.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Với việc sở hữu khối tài sản trị giá hơn 1,7 tỷ USD, Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup – hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới và là người giàu nhất Việt Nam hiện nay.
Trong tháng 4/2015, theo Forbes, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này. Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam hiện nay.
Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup
Mặc dù, Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup là cái tên thuộc diện được tìm kiếm hàng đầu ở Việt Nam, nhưng hiếm khi người ta thấy ông xuất hiện “rình rang” ở chốn đông người. Ông rất khiêm nhường và vô cùng kiệm lời. Mọi thông tin về ông, cho đến giờ, phần nhiều là từ sự bàn tán sau những công trình, dự án “khủng” mà Vingroup không ngừng dựng xây trong hơn 10 năm qua.
Quê gốc của ông Phạm Nhật Vượng ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người đàn ông 47 tuổi này bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình vào năm 1987, khi thi đỗ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học. Tốt nghiệp đại học sau đó 5 năm, ông kết hôn rồi chuyển tới sống tại Kharkov (Ukraine).
Sau đó, ông thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom. Công ty này sản xuất hơn 100 sản phẩm khác nhau, từ mì ăn liền tới khoai tây nghiền. Số tiền thu được qua kinh doanh tổng cộng lên tới cả tỷ USD. Tập đoàn kinh tế Technocom, trở thành Tập đoàn giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và xuất khẩu cho 29 quốc gia trên thế giới.
Vinpearl Land là một trong những danh mục đầu tư của vị tỷ phú
Đầu những năm 2000, Phạm Nhật Vượng đầu tư về quê hương và trở thành sáng lập viên đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Vinpearl Land (VPL) và Công ty cổ phần Vincom (VIC).
Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraine) về Hà Nội (Việt Nam).
Forbes đánh giá trong năm qua ông Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam hiện nay, đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với hàng loạt dự án mà đáng chú ý nhất là Vinhomes Central Park – dự án trị giá 1,5 tỷ USD với tòa nhà cao 81 tầng sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam. Bên cạnh đó Vingroup cũng mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ với kế hoạch mở 25 trung tâm thương mại Vincom trong năm 2015. Trong vòng 3 năm tới, ông muốn mở 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện lợi. Vingroup cũng đầu tư vào cả giáo dục và y tế.
Tỷ phú Hoàng Kiều
Mới đây, Forbes ngày 29/9 đã đưa ra danh sách 25 doanh nhân mới lọt vào top 400 người giàu nhất nước Mỹ. Đứng đầu danh sách này là tỷ phú gốc Việt, ông Hoàng Kiều, người đang sở hữu khối tài sản 3,7 tỷ USD.
Nhờ thành công với hai công ty sản xuất huyết tương, RAAS và Shanghai RAAS, tỷ phú gốc Việt 71 tuổi lần đầu lọt danh sách này và đứng thứ 149. Phần lớn tài sản của ông có từ Shanghai RAAS, hiện niêm yết tại Trung Quốc.
Chân dung tỷ phú Hoàng Kiều
Ông thành lập công ty này năm 1992, hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải (Shanghai Blood Center). Với doanh thu 214 triệu USD và vốn hóa 17,7 tỷ USD, công ty này xếp thứ 20 trong danh sách Công ty Sáng tạo nhất thế giới và được chọn vào danh sách 200 Doanh nghiệp doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm nay.
Ông Hoàng Kiều sinh năm 1944 tại làng Bích Khê, Quảng Trị và đến Sài Gòn vào năm 5 tuổi. Năm 1975, ông đến Mỹ và bắt đầu trải qua nhiều giai đoạn làm việc khác nhau trước lúc thử sức với việc mở công ty sản xuất huyết tương. Đến năm 1985, ông đã có 11 chi nhánh RAAS tại Mỹ, theo tin tức từ Forbes.
Tỷ phú trong một sự kiện có sự xuất hiện của Lý Băng Băng
Năm 2014, ông mạo hiểm với lĩnh vực mới bằng việc lấn sang ngành sản xuất rượu vang. Khi mua lại nhà máy rượu Michael Mondavi Family, ông đã tổ chức tiệc khai trương hoành tráng, có sự góp mặt của diễn viên Trung Quốc Lý Băng Băng.
Ông vươn lên vị trí 149 trong danh sách Forbes 400
Công ty của ông vừa chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD.
Từ tháng 3/2014, ông đã được Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới với 1,65 tỷ USD.
Tỷ phú Đoàn Nguyên Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức (SN 1962) khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Từ năm 1990, doanh nghiệp của ông phát triển, ông trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Ông Đoàn Nguyên Đức – ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai
Sở hữu khối tài sản khổng lồ và điều hành một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước, bầu Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL hiện nắm giữ tới hơn 43% số cổ phiếu của doanh nghiệp này. Vào thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, trên thị trường OTC tài sản của bầu Đức lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Bầu Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal, một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, bang New York (Mỹ) với lượng phát hành trung bình trên 2 triệu bản mỗi ngày trên toàn thế giới bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Bầu Đức “lấn sân” sang bóng đá…
Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào)..
Sau Lào, HAGL tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia năm 2008. Tập đoàn này có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, còn có 2 mỏ sắt, nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách nhau khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam khoảng 40km. Tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD.
… và cả nông nghiệp
Thái Lan là thị trường thứ 3 mà bầu Đức ngấp nghé. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Ngoài ra bầu Đức còn có 5 dự án thủy điện tại Lào với tổng công suất 400 MW, tổng đầu tư 500 triệu USD. Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng và mỏ sắt tại Sekong với giá trị đầu tư 70 triệu USD. Đó là chưa kể 2 dự án sân bay trị giá 70 triệu USD tại Attapeu và Huanphan cũng được đầu tư hơn 60 triệu USD.
Kiều Hương (T.H)